|
Quang cảnh Nhà thờ St Basil ở Quảng trường Đỏ của Moscow (ảnh: TASS/Getty Images) |
Ngắt kết nối Internet là một phần trong kế hoạch của Kremlin nhằm biến Internet của đất nước trở thành một mạng độc lập, để hệ thống mạng có thể sống sót khi bị các quốc gia khác tấn công.
Trong thử nghiệm này, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của Nga sẽ phải chuyển hướng lưu lượng truy cập web từ trong nước đến các điểm định tuyến được chấp thuận hoặc quản lý bởi cơ quan giám sát viễn thông của chính phủ (Roskomnazor), ZDNet dẫn lại nguồn tin từ hãng thông tấn Nga RosBiznesKonsalting.
Hiện tại, Nga cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới cho phép dữ liệu được luân chuyển qua các điểm nút và kết nối với các thiết bị trên toàn cầu.
Việc thử nghiệm ngắt kết nối sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Trong thời gian ngừng hoạt động, internet của Nga sẽ dựa vào phiên bản riêng của Hệ thống tên miền DNS của nước này. DNS là thư mục các tên miền và địa chỉ web.
Theo nguồn tin của ZDNet, quá trình thử nghiệm sẽ diễn ra vào trước ngày 1/4, cụ thể là ngày nào thì vẫn chưa rõ.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Reuters)
|
Thí nghiệm này là một phần trong Chương trình Quốc gia về Kinh tế số - một dự thảo luật được đưa ra vào năm ngoái nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Nga khi các quốc gia khác ngắt kết nối hoặc tấn công mạng.
Mục tiêu cuối cùng của Kremlin là loại bỏ các nhà cung cấp internet nước ngoài và giữ cho internet của Nga độc lập để nó được bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng tiềm năng, ZDNet cho biết.
Theo tờ Izvestia, Bộ Truyền thông Nga năm 2017 cho biết họ muốn định tuyến 95% lưu lượng truy cập nội địa vào năm 2020.
Việc tất cả lưu lượng truy cập web ở Nga đi qua các điểm định tuyến của chính phủ cho phép Moscow thiết lập một hệ thống kiểm duyệt web lớn giống như ở Trung Quốc, theo BBC. Hệ thống kiểm duyệt internet của Trung Quốc, còn được gọi là Great Firewall, thường xuyên kiểm tra các trang web và kiểm duyệt từ khóa nhạy cảm từ các mạng xã hội để ngăn công dân nhìn thấy những nội dung không phù hợp.
Việc thử nghiệm ngắt kết nối Internet được Nga đưa ra sau khi NATO đẩy mạnh các biện pháp chiến tranh mạng chống lại Nga. Trong cuộc diễn tập của họ tại Estonia vào tháng 11 năm ngoái, NATO đã mô phỏng các phản ứng của cảnh sát đối với các cuộc bạo loạn gây ra bởi những kẻ xúi giục trên mạng xã hội, cũng như đối phó với các vụ tấn công mạng gây thiệt hại nặng cho cơ sở hạ tầng.
|
Quân đội Mỹ ở Orzysz, đông bắc Ba Lan, một phần của cuộc tập trận của NATO vào tháng 4/2017 (ảnh: AP)
|
Cả Mỹ, Anh và EU đã đe dọa sẽ trừng phạt Nga về các cuộc tấn công mạng gần đây mà họ cáo buộc do quân đội Nga tiến hành.
Hoa Kỳ đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với các công ty và cá nhân của Nga. Phía Hoa Kỳ nói rằng họ đang đáp trả những nỗ lực của Nga nhằm gây nguy hiểm cho mạng lưới điện và hệ thống tài chính của Mỹ.
EU năm ngoái cũng cho biết họ sẽ "tăng cường khả năng phục hồi" của các quốc gia thành viên "trong lĩnh vực kỹ thuật số" sau khi Hà Lan cho biết họ bắt được bốn điệp viên Nga cố gắng xâm nhập vào hệ thống máy tính của Cơ quan Giám sát Vũ khí hóa học toàn cầu hồi tháng 4 năm ngoái.
Theo ZDNet