NFSC lưu ý 3 yếu tố không thuận lợi trong điều hành tỷ giá

VietTimes – Ba yếu tố này được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đề cập trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm, mới được cơ quan này phát hành.
Trụ sở Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Trụ sở Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Báo cáo của NFSC cho hay, thị trường ngoại hối trong tháng 11 có đột biến chủ yếu do yếu tố mùa vụ và tác động tâm lý của việc đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới.

Tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng dần, tính đến 23/11, được niêm yết ở mức 22.136 VND/USD, tăng khoảng 1,1% so với đầu năm.

Tỷ giá ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức cũng tăng trở lại sau một thời gian dài ổn định. Tỷ giá bán tại nhiều NHTM hiện phổ biến vào khoảng 22.700 VND/USD, tăng khoảng 0,22% so với đầu năm.

Cơ quan này chỉ ra 2 nguyên nhân chính làm “nóng” tỷ giá. Cụ thể là: (i) USD liên tục lên giá so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt sau khi có kết quả chính thức của bầu cử Tổng thống Mỹ; (ii) Nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm (kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước) và đón đầu khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12.

Ngoài ra, tín dụng ngoại tệ đang tăng lên. Tính đến 30/10/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 4,4% so với cuối năm 2015, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 9%.

“Tuy nhiên, cán cân thương mại cả năm dự báo sẽ vẫn thặng dư, nên biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời. Dù vậy, việc điều hành tỷ giá thời gian tới cần lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như: (i) Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào tháng 12; (ii) Một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ (CNY); (iii) Lạm phát có chiều hướng tăng”, NFSC dự báo.

Cũng theo báo cáo, NFSC nhận định về diễn biến lạm phát: “Lạm phát xu hướng tăng nhưng lạm phát cơ bản vẫn ổn định”.

Cụ thể, lạm phát cơ bản (lạm phát loại trừ lương thực - thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) vẫn duy trì dưới 2% cho thấy sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát của năm 2016 không lớn.

Cơ quan này lý giải, lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015 chủ yếu do chủ động điều chỉnh giá dịch vụ công tăng nhanh hơn năm 2015 (10 tháng đầu năm dược phẩm y tế và giáo dục lần lượt đóng góp 2,36 điểm % và 0,65 điểm % vào mức tăng chung CPI so với đầu năm).

Phân rã lạm phát cũng cho thấy thành phần lạm phát dài hạn vẫn duy trì ở mức thấp nhờ các yếu tố cơ bản như tổng cầu (lạm phát cầu kéo) và chi phí sản xuất (lạm phát chi phí đẩy) ổn định; trong khi thành phần lạm phát có tính chu kỳ sau khi ngừng tăng trong tháng 6 và 7, đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 8 và tiếp tục tăng khá mạnh trong tháng 9 và tháng 10 do chịu tác động của của tăng giá dịch vụ công (dịch vụ y tế, giáo dục đóng góp khoảng 70% vào tổng mức tăng chung kể từ đầu năm).

“UBGSTCQG nhận định lạm phát trong tháng 11 và 12 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào: giá xăng dầu và lương thực thực phẩm. Tuy nhiên nếu tăng thì mức độ tăng của hai nhóm hàng trên trong 2 tháng cuối năm kém hơn thì mức độ tăng lạm phát cả năm 2016 dự báo ở khoảng 5%”, báo cáo cho hay.

Về cân đối Ngân sách Nhà nước, theo NFSC, bội chi NSNN năm 2016 ước đạt mục tiêu về số tuyệt đối (254 nghìn tỷ đồng) nhưng cao hơn dự toán về số tương đối (5,52% GDP so với 4,95% GDP) do giá trị GDP danh nghĩa giảm so với kế hoạch.

Phân tích cơ cấu thu chi NSNN cho thấy, thu nội địa đã bù đắp giảm thu từ thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Nợ công tiếp tục tăng, từ mức 62,2% GDP của năm 2015 lên mức dự kiến 64,98% năm 2016 do: bội chi NSNN vẫn ở mức cao; tăng trưởng kinh tế giảm, GDP danh nghĩa đạt thấp hơn kế hoạch.

“Tuy nhiên, cơ cấu nợ công đang chuyển đổi tích cực hơn: (i) tỷ trọng nợ trong nước tăng và tỷ trọng nợ nước ngoài giảm (tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 40,3% tổng dư nợ Chính phủ năm 2010 lên 57% năm 2016); (ii) Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân tăng, từ mức bình quân 4,8 năm trong giai đoạn 2011-2015 lên mức khoảng 8,7 năm 2016; (iii) Lãi suất phát hành TPCP bình quân giảm (từ mức bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 7,6%/năm, xuống 6,5% trong năm 2016)”, Ủy ban Giám sách đánh giá./.