Nếu xây sân bay Long Thành, có “mời” nhà thầu Trung Quốc?

Câu hỏi được đặt ra đối với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trong buổi giao lưu trực tuyến về chủ trương xây dựng “siêu” dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành tổ chức ngày 17/6.
Ảnh minh họa.

Có “dám” chịu trách nhiệm cá nhân?

Theo kế hoạch, ngày 25/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nếu được chấp thuận, ngành giao thông và chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ bắt tay vào thực hiện dự án.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này “siêu” dự án với tổng vốn đầu tư lên tới 15,6 tỷ USD vẫn tiếp tục nhận được nhiều phản hồi trái chiều.

“Tôi thấy việc quá tải nhà ga thì chỉ cần xây nhà ga mới. Nhiều sân bay lớn trên thế giới cũng xảy ra tình trạng ách tắc nhưng họ cố gắng giải quyết chứ không xây mới. Tại sao Việt Nam lại phải xây sân bay Long Thành?”

Một độc giả đã gửi thắc mắc như vậy đến lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trong buổi giao lưu trực tuyến về chủ trương xây dựng “siêu” dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không, tình trạng quá tải của một cảng hàng không không chỉ liên quan đến nhà ga mà còn phụ thuộc đến khả năng của vùng trời, đường cất hạ cánh và cuối cùng mới là nhà ga.

Cục trưởng Lại Xuân Thanh 

“Ngoài ra, mỗi sân bay còn phụ thuộc vào hệ thống giao thông tiếp cận đến nhà ga đó nữa, mới quyết định việc xây mới hay mở rộng. Ở trên thế giới, đa số các nước chọn chiến lược xây mới bởi sau một quá trình nhiều năm phát triển thì sân bay rất gần thành phố”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng chia sẻ thêm, đây còn là vấn đề phát triển bền vững như môi trường, sự an toàn cho khu dân cư... Do đó, hầu hết các nước chọn giải pháp xây. Không có một trung tâm nào lớn mà chỉ có một sân bay như TP. HCM.

Trong khi đó, một ý kiến khác ho rằng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải rất quả quyết xây dựng sân bay Long thành là cần thiết và có hiệu quả.

Vậy nếu dự án hoạt động không đạt hiệu quả như đặt ra, “bản thân các ông và những người quả quyết duyệt dự án” có dám cam kết chịu trách nhiệm cá nhân trước nhân dân?

Trước câu hỏi hết sức thú vị này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định lại một lần nữa về tính cấp bách và hiệu quả dự án.

“Cá nhân tôi cho rằng với tăng trưởng chung nền kinh tế, nhu cầu vận tải thì tôi gắn trách nhiệm với quá trình triển khai dự án”, ông Đông nói.

Ông Đông tin tưởng lượng khách thậm chí sẽ vượt quá cả dự báo qua kiểm chứng từ Tân Sơn Nhất. Trước đây khi dự báo sân bay chỉ đón 20 triệu khách nhưng thực tế lại vượt con số 22 triệu.

Trong khi đó, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết: chúng tôi đã làm hết sức mình trong việc tham mưu quy hoạch cho đến việc xây dựng dự án để báo cáo Nhà nước.

“Tôi chỉ dám chắc chắn lấy danh dự để khẳng định rằng mình làm hết trách nhiệm trong dự án này. Không chỉ riêng tôi mà đó là gồm cả một đội ngũ. Chúng ta phải nhìn Long Thành là kết quả của cả một tập thể qua nhiều thế hệ trong suốt hơn 20 năm qua, chứ không phải một số ít cá nhân”, ông Thanh nói.

Có định “mời” nhà thầu Trung Quốc?

Bên cạnh tính cấp thiết cũng như hiệu quả đầu tư dự án thì vốn cũng là vấn đề được nhiều quan tâm. Nhiều ý kiến lo ngại tình trạng “đội” vốn vốn không có gì xa lạ đối với các công trình giao thông ở nước ta.

Họ kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cần có cam kết và chịu trách nhiệm đừng để số vốn đầu tư thực tế khác xa so với số liệu trình Quốc hội.

Về vấn đề này, ông Đông cho biết đây cũng chính là điều mà Quốc hội quan tâm. Các cơ quan đang soát rất kỹ và dự toán sẽ không được vượt.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông 

“Chúng tôi cũng khẳng định là phải thực hiện trong thời gian dự báo. Có thể nếu xây trong 15 năm thì giá sẽ khác, 20 năm giá lại khác. Tôi đảm bảo không vượt chi phí ước tính nếu đúng tiến độ thời gian dự kiến”, ông Đông nói.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Giao thông cũng làm rõ thêm trước nhiều ý kiến lo ngại về việc mời nhà thầu Trung Quốc.

“Các dự án lớn của ngành giao thông đa số đều do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên tiến độ và chất lượng của các nhà thầu Trung Quốc còn nhiều hạn chế và còn nhiều điều đáng bàn. Vậy với siêu dự án như sân bay Long Thành chúng ta có tiếp tục sử dụng các nhà thầu Trung Quốc?”.

Về vấn đề này, ông Đông cho rằng chưa thể đánh giá đầy đủ về nhà thầu Trung Quốc vì có dự án họ hoàn thành. Có dự án có hạn chế nhất định.

“Tuy nhiên với Long Thành lúc này nói đến nhà thầu thì quá sớm vì chưa nghiên cứu khả thi, chưa biết phần nào nhà nước, tư nhân, nước ngoài làm. Nếu lựa chọn phải đấu thầu theo quy định quốc tế một khi dùng vốn nước ngoài”.

“Ta không thể loại trừ hết nước này hay nước kia mà phải chọn trên cơ sở năng lực, dựa trên các tiêu chí, điều kiện. Ta sẽ có tiêu chí rõ ràng”, ông Đông cho biết.

Theo Bizlive