Nếu chủ quan, lơ là, dịch COVID-19 sẽ bùng phát ở các tỉnh, thành phố có độ bao phủ vaccine thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, nếu chủ quan, lơ là, dịch COVID-19 sẽ bùng phát ở các tỉnh, thành phố có độ bao phủ vaccine thấp. Khi đó, hệ thống y tế có thể quá tải, đe dọa tới mục tiêu sống an toàn cùng COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi (Ảnh - Minh Thuý)

F0 về từ vùng dịch xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố

Theo cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến 17h ngày 18/10, cả nước đã tiêm được hơn 64,1 triệu liều vaccine COVID-19. Bên cạnh những tỉnh, thành phố có độ phủ vaccine cao thì có 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất gồm: Ninh Bình, Đắk LắK, Quảng Bình, ĐắK Nông, Kiên Giang, Lạng Sơn, Yên Bái, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Gia Lai.

Tuy nhiên, 10 tỉnh, thành phố có có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp nhất cả nước chỉ là "bề nổi trên tảng băng chìm". Bởi theo nhận định của chuyên gia y tế, hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn chưa bao phủ được vaccine cho tất cả người dân. Trong khi đó, F0 về từ vùng dịch vẫn liên tục xuất hiện ở Bến Tre (3 ca), Quảng Bình (15 ca), Quảng Ngãi (4 ca) tính riêng trong ngày 18/10. Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ vừa phát hiện tới 44 ca F0 là học sinh tại Trường Tiểu học Chu Hoá và Trường THCS Chu Hoá khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng.

Số liệu tiêm vaccine ở Phú Thọ tính đến 10h ngày 19/10 (Ảnh - Minh Thuý)

Số liệu tiêm vaccine ở Phú Thọ tính đến 10h ngày 19/10 (Ảnh - Minh Thuý)

Theo tìm hiểu của PV VietTimes, mặc dù không nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất cả nước, nhưng Phú Thọ mới chỉ tiêm được vaccine cho 52,69% người dân từ 18 tuổi trở lên với 542.398 liều vaccine đã tiêm trên tổng số 1.894.260 liều vaccine dự kiến phân bổ trong kế hoạch. Đặc biệt, tỷ lệ vaccine đã phân bổ với người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh chỉ có 25,43%.

Trước tình hình nhiều tỉnh, thành phố vẫn phát hiện F0 trong cộng đồng và về từ vùng có dịch, trao đổi với PV VietTimes, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội – cho biết: “Các tỉnh, thành phố phải xác định sống chung với COVID-19, chấp nhận thực tế sẽ phát hiện những ca mắc mới, thậm chí phải chấp nhận sự xuất hiện của những chùm ca bệnh và ổ dịch mới. Hiện, các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn còn dịch COVID-19. Khi mở cửa, người dân đi lại tự do hơn, thì việc người nhiễm bệnh về từ vùng có dịch đến các vùng khác hoàn toàn có khả năng xảy ra”.

Thực tế, hầu hết các tỉnh, thành phố đều chưa bao phủ được vaccine COVID-19, chủ yếu chỉ đạt từ 30-40% tỉ lệ người tiêm vaccine. Đặc biệt, đa số tỉnh thành vẫn chưa đạt được mục tiêu bao phủ vaccine cho người >50 tuổi, người mắc bệnh lý nền là những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong. Do đó, nguy cơ dịch bùng phát ở những tỉnh này rất cao, đe dọa tới mục tiêu sống an toàn cùng COVID-19. Vì thế các địa phương phải tuân thủ quy định phòng dịch nghiêm ngặt và có chính sách tiêm vaccine khôn ngoan hơn.

Cán bộ y tế chuẩn bị tiêm vaccine cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Cán bộ y tế chuẩn bị tiêm vaccine cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Trước đây, khi chưa có vaccine COVID-19, ngành Y tế vẫn khống chế được dịch COVID-19. Do đó, các biện pháp phòng ngừa khi không có vaccine vẫn hiệu quả (5K, xét nghiệm, giám sát những đối tượng nguy cơ về từ vùng dịch về,…).

“Những tỉnh, thành phố không đạt được tiêu chí bao phủ vaccine COVID-19 sẽ ở cấp độ 2,3 trở lên theo Nghị quyết của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quy định đã có nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc triển khai, thực hiện của các tỉnh, thành phố. Nếu chủ quan, lơ là thì nguy cơ dịch bùng phát rất cao. Tôi xin nhấn mạnh lại 1 lần nữa, những tỉnh, thành phố có độ bao phủ vaccine thấp, đặc biệt là chưa đạt được mục tiêu bao phủ vaccine cho người >50 tuổi thì nguy cơ dịch lây lan rộng là rất cao, đe dọa tới khả năng thu dung, điều trị của ngành y tế. Nếu các địa phương không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Chính phủ, thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu sống an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” – ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, trong thời điểm hiện nay, ngành Y tế cần sẵn sàng đáp ứng các khả năng để có thể cách ly, điều trị các ca bệnh nặng khi dịch bùng phát.

Làm thế nào để chung sống an toàn với đại dịch?

Trước tình hình nhiều F0 vẫn xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố, để chủ động phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội khuyến cáo: “Vấn đề cơ bản nhất để phòng, chống dịch hiệu quả là mỗi người dân phải cảnh giác với dịch bệnh, không được chủ quan, tuân thủ đúng thông điệp 5K và quy định phòng, chống dịch của Chính phủ”.

Cùng với đó, ngành Y tế cần tăng cường giám sát những người đi từ vùng dịch về hoặc đi từ tỉnh này sang tỉnh khác để phát hiện sớm ca bệnh, đồng thời, điều tra dịch tễ, xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm ngẫu nhiên các trường hợp có nguy cơ, những đối tượng thường xuyên đến những nơi tập trung đông người. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt những đối tượng này, mỗi người dân cần tự theo dõi, giám sát lẫn nhau. Nếu phát hiện những người không tuân thủ quy định phòng, chống dịch thì người dân cần nhắc nhở, báo với chính quyền địa phương.

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Ngoài việc xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm ngẫu nhiên, các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở trong cộng đồng.

Các tỉnh thành cần đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch bao phủ vaccine. Vaccine hiệu quả nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Trong khi chưa đủ vaccine để bao phủ cho toàn dân thì cần tập trung vào mục tiêu bao phủ vaccine cho người >50 tuổi nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả của dịch COVID-19.

Về vấn đề phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học sau khi tỉnh Phú Thọ phát hiện hơn 40 học sinh dương tính với SARS-CoV-2, ông Hùng khuyến cáo: “Khi trường học mở cửa phải có quy định phòng dịch chặt chẽ (tiêm vaccine đầy đủ cho giáo viên, giữ khoảng cách giữa các học sinh trong lớp và giữa các lớp học, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp, tổ chức lớp đào tạo, tập huấn quy định phòng dịch cho học sinh, phối hợp với gia đình để khai báo y tế,…). Nếu có trẻ bị ho, sốt hoặc tiếp xúc với đối tượng nguy cơ thì phải khai báo y tế, tạm thời không đến trường để phòng dịch”.