Netflix sẽ thống trị tương lai màn ảnh nhỏ?

Netflix đang khẳng định được chỗ đứng trên thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến nhờ ứng dụng dữ liệu lớn và các thuật toán để giới thiệu phim cho khán giả. Trong năm 2019, công ty sẽ phải đối đầu với Disney khi gã khổng lồ này cũng bắt đầu bước chân vào màn ảnh nhỏ trên băng thông internet. Liệu những tựa phim được đại chúng yêu mến của Disney có thể đánh bại được khả năng phân tích sở thích phim vượt trội của Netflix?
Dù doanh thu quý 4.2018 thấp hơn kì vọng, các nhà phân tích vẫn rất lạc quan về triển vọng của Netflix. Ảnh: Gabby Jones/Bloomberg 2019 Bloomberg Finance LP.

Ngày 17.1 vừa qua, Netflix đã công bố kết quả doanh thu quý 4.2018 đạt 4,19 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn mức kì vọng 4,21 tỉ đô la Mỹ do công ty phân tích thị trường Refinitiv đề ra. Cổ phiếu công ty cũng theo đó sụt giảm 4%. Thế nhưng các chuyên gia phân tích lại hết sức lạc quan về tương lai của Netflix, bởi công ty khống chế nợ tốt và đang trên đà thống lĩnh thị trường với 139 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ, gấp ba lần so với dữ liệu của năm năm trước. 

Nhờ đâu mà cơ sở khách hàng của Netflix lại ngày một vươn rộng như vậy? Câu trả lời nằm trong khả năng vượt trội trong việc giới thiệu phim tới khán giả bằng thuật toán.

Từ những ngày còn là một nhà cung cấp dịch vụ cho thuê DVD, Netflix đã không cố gắng lôi kéo khách hàng thuê những DVD được nhiều người xem nhất, mà chọn ra những tựa phim có sẵn trong kho có thể được khách hàng yêu thích.

Ngày nay, khi đã trở thành một công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến toàn cầu với vốn hóa 150 tỉ đô la Mỹ, Netflix vẫn giữ nguyên tôn chỉ này. Hãng đã dày công sử dụng các thuật toán công nghệ, thông tin về thể loại yêu thích, khách hàng có hay tua phim hay không và liệu một đêm họ xem được bao nhiêu tập phim để xây dựng nên hệ thống giới thiệu phim cho khán giả. Để giúp việc giới thiệu phim trở nên dễ dàng hơn, Netflix đã phân loại kho phim của mình thành nhiều nhóm, từ phim viễn tưởng cho tới phim kịch tính. Điều này giúp công ty không phải chi quá nhiều tiền để mua về những bộ phim bom tấn và cởi mở hơn với những bộ phim độc lập không quá đình đám. Cũng nhờ vậy Netflix đã nhanh chóng trở thành thư viện phim lớn nhất thế giới.

Thế nhưng hãy nhìn xa hơn. Thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến đang ngày một trở nên khốc liệt. Vào năm 2019, Disney cũng sẽ đặt chân vào lĩnh vực này bằng Disney+. Số lượng nhân viên của Disney hiện tại đạt xấp xỉ 200.000 người, trong khi Netflix chỉ khoảng 5.000. Đây là một sự chênh lệch dễ lý giải, bởi Disney không chỉ được biết tới nhờ những nội dung phim và chương trình tự sản xuất, công ty còn kinh doanh công viên giải trí, chương trình nhạc kịch, hàng hóa và đồ chơi ăn theo các bộ phim nổi tiếng.

Disney+ chắc chắn sẽ tận dụng kho phim vốn dĩ đồ sộ của Disney, bao gồm những cái tên được khán giả mến mộ trong giới điện ảnh và truyền hình, chẳng hạn như Pixar, Marvel và National Geographic. Những chương trình truyền hình hàng ngàn tập trên kênh ABC cũng sẽ có mặt trên dịch vụ cung cấp video trực tuyến của Disney.

Liệu những tựa phim được đại chúng yêu mến của Disney có thể đánh bại được khả năng phân tích sở thích phim vượt trội của Netflix?

Trên thực tế, Netflix cũng nhúng tay vào việc sản xuất nội dung, nhưng vậy công ty không chịu áp lực quá lớn trong việc tạo ra những bộ phim bom tấn. Hệ thống giới thiệu phim cho phép hãng "tái chế" những phim cũ, nói cách khác tìm kiếm khách hàng mới cho những bộ phim không còn quá mới mẻ. Nhờ vậy chi phí rủi ro khi tạo ra phim bom tấn của Netflix thấp hơn của Disney, cho phép công ty thử nghiệm những điều mới lạ và độc đáo hơn.   

Bên cạnh đó, Netflix tận dụng những thông tin thu thập từ khách hàng để tạo ra ranh giới cho các nhà sản xuất phim của mình: những chủ đề nào họ nên làm, chủ đề nào không. Nhưng hãng không hề nói với các nhà sản xuất phim bao nhiêu người đang xem phim của họ. Shonda Lynn Rhimes, nhà sản xuất chương trình truyền hình và là một biên kịch đang làm việc tại Netlix, cho hay: "Điều tôi yêu thích là ở nơi tôi làm việc, người ta không cho rằng lượt người xem là tất cả. Họ không gửi đến cho tôi những con số và mong chờ tôi biến chúng thành các tác phẩm trên màn ảnh." Nói cách khác, một khi việc sản xuất phim hay chương trình được phê duyệt, ranh giới sáng tạo của các nhà sản xuất sẽ trở nên bất khả xâm phạm bởi dữ liệu lớn. Các thuật toán "mai mối" người xem với những bộ phim không hề được góp mặt trong quá trình sản xuất nội dung, nơi con người mới là những chủ nhân đích thực.

Việc nới lỏng gọng kiềm cho các nhà sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả. Loạt phim House of cards (tạm dịch: Sóng gió chính trường) đã gặt hái được thành công vang dội cho Netflix trong năm 2013, chiếm được hơn 30% lượng người xem online tại Bắc Mỹ trong giờ cao điểm. Ước tính mỗi khán giả đã xem trung bình hai tập rưỡi một khi bắt đầu mở phim.

Một trong những loạt phim truyền hình thu hút được sự chú ý gần đây của Netflix là Black Mirror (Tạm dịch: Gương đen). Bộ phim có cùng chủ đề với một loạt phim đình đám của đài HBO là Westworld. Cả hai đều khắc họa những thảm kịch xảy ra với con người trong một thế giới hiện đại, nơi mạng xã hội, trí thông minh nhân tạo hay robot phát triển. Trong tập phim Bandersnatch của Black Mirror, Netflix đã khiến dư luận xôn xao khi thử nghiệm loại hình phim tương tác, nơi người xem có quyền chọn lựa và quyết định diễn biến tiếp theo của phim.

Những thành tựu trên rõ ràng không thể đạt được chỉ nhờ sự can đảm và sẵn sàng chịu rủi ro của những người dẫn dắt Netflix. Giá cổ phiếu cùng kết quả tình hình kinh doanh có thể luôn thay đổi, nhưng chiến lược của công ty mới thực sự là điều quan trọng để quyết định giá trị của doanh nghiệp. Và có vẻ như Netflix đang đi đúng hướng khi hãng đã và đang nhiều lần mang đến những làn gió mới cho khán giả màn ảnh nhỏ của thời đại internet.

Theo Forbes Vietnam

Theo Forbes Vietnam