Để làm rõ vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Xuân Hoè – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
PV: Trước hết, với tư cách là một chuyên gia tài chính – ngân hàng, ông có đánh giá gì về những đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực thuỷ điện, nhất là thuỷ điện nhỏ?
Ông Phạm Xuân Hoè: Tôi cho rằng quy hoạch phát triển thuỷ điện nhỏ của chúng ta là lạm dụng sự ưu ái của thiên nhiên. Và đặc biệt là trong các chính sách của Nhà nước thì tôi rất lưu ý tới Nghị định 75/NĐ-CP Chính phủ quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước. Trong đó cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tài trợ vốn cho các dự án thuỷ điện nhỏ với lãi suất ưu đãi. Trường hợp, nếu không cho vay với lãi suất thấp từ vốn đầu tư nhà nước, thì được ưu đãi hỗ trợ phần chênh lệch lãi giữa lãi suất vay ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi đó. Ví dụ, lãi suất ưu đãi là 7%/năm, trong khi vay ngân hàng thương mại là 10%, bên vay được hỗ trợ lãi suất 3%.
Vì vậy, trên thực tế đã xảy ra tình trạng ở một số tỉnh các thuỷ điện nhỏ mọc lên san sát ngay trên các đoạn sông, suối. Có lẽ không thể loại trừ hiện tượng trục lợi về mặt chính sách của các doanh nghiệp và các nhà quản lý câu kết với nhau. Đó là điều đáng quan ngại. Tất nhiên, về mặt thông tin và chứng cứ thì phải nhờ đến sự điều tra của các cơ quan pháp luật.
Dự án thuỷ điện nhỏ nhưng số tiền đầu tư cũng khá lớn và các nhà đầu tư đương nhiên được hưởng lợi. Còn lại, nguồn nước cạn kiệt, những người dân bị xả lũ, phải chuyển đổi sinh kế, mất hệ sinh thái… Rồi việc phải phá rừng để tích nước lòng hồ, nguồn nước bị ô nhiễm… thì đó là những chi phí phải đánh đổi rất lớn.
Cần phải giải bài toán để cân đối giữa cái lợi – cái mất của thuỷ điện nhỏ đối với nền kinh tế xem là dương hay âm? Chúng ta phải trả giá đắt cho môi trường, cho điều kiện sống của người dân, mất tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và thiệt hại về kinh tế du lịch.
Việt Nam là quốc gia nằm trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới hứng chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Như Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong hai thập kỷ qua, rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu làm Việt Nam thiệt hại 6,4 tỷ USD và chết 13.000 người. Bình quân một năm thiệt hại 1- 1,5% GDP và 300 người chết. Bão lũ miền Trung vừa qua là minh chứng khá rõ về vấn đề này. Vì vậy cần một tầm nhìn và sáng suốt lựa chọn trong phát triển năng lượng từ thủy điện nhỏ và nhiệt điện than. Chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển năng lượng tái tạo như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là hoàn toàn đúng đắn, việc còn lại là thể chế hóa thành văn bản pháp lý và hành động của chúng ta.
PV: Vậy ông nghĩ gì về các hoạt động tư vấn, phản biện trong thời gian qua với lĩnh vực năng lượng, trong đó có thuỷ điện nhỏ?
Ông Phạm Xuân Hoè: Theo tôi, hoạt động tư vấn phản biện chưa có tác động đáng kể đến quy hoạch phát triển thuỷ điện nhỏ và nhiệt điện than ở Việt Nam. Có thể các nhà khoa học và các tổ chức xã hội đã có các hoạt động phản biện với những cơ sở khoa học rất tốt. Nhưng công tác truyền thông cũng như cách tiếp cận để đến được các cấp lãnh đạo là chưa sáng tạo, chưa đúng lúc. Vì thế, tôi cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa và thay đổi cách làm.
Tôi cho rằng, các tổ chức xã hội, phi chính phủ và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cần phải có những biện pháp truyền thông tốt hơn. Tốt nhất là phải đi vào phản biện trực tiếp đến chính sách và khung pháp lý của Nhà nước. Sẽ hiệu quả hơn khi các tổ chức này cung cấp thông tin đến các đại biểu Quốc hội, nhất là với các đoàn đại biểu các tỉnh bị ảnh hưởng lớn của thuỷ điện nhỏ. Các đại biểu Quốc hội phải có thông tin thì họ mới sẵn sàng kiến nghị để sửa luật, sửa văn bản quy phạm pháp luật.
PV: Câu hỏi cuối cùng: Ông nghĩ gì về chính sách của nhà nước liên quan đến môi trường trong việc cho vay vốn để phát triển thuỷ điện nhỏ?
Ông Phạm Xuân Hoè: Ở đây có hai mảng chính sách. Thứ nhất là chính sách tài khoá. Tức là đầu tư về thuỷ điện nhỏ hiện đang được hỗ trợ về lãi suất. Đó là đầu tư công và cân đối đầu tư công đó thì cần phải đặt yêu cầu rất rõ về đầu tư công xanh. Trên thực tế còn đang mờ nhạt ở nước ta và cần phải cải thiện. Hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có làm kế hoạch đầu tư trung hạn thì phải hướng rất mạnh đến đầu tư công xanh. Đầu tư công xanh ở đây không chỉ có năng lượng mà cả với giao thông, đô thị xanh…
Mảng thứ hai khá quan trọng là chính sách cho vay của các ngân hàng. Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những cố gắng vượt bậc trong việc đưa ra đề án phát triển ngân hàng xanh để định hướng các ngân hàng thương mại cho vay với phát triển xanh trong đó có năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thuỷ điện…
Cần có chính sách rõ ràng về tín dụng xanh với phát triển năng lượng trong đó có thuỷ điện nhỏ. Ảnh: CAND |
Tuy nhiên, chính sách tín dụng xanh đó hiện mới chỉ dừng ở mức độ định hướng. Cho dù, trong Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng, khoản 1 của điều 4 có nói: Nếu như pháp luật về bảo vệ môi trường có quy định thì các tổ chức tín dụng phải thẩm định, đánh giá về rủi ro môi trường. Như vậy phần bắt buộc còn khiêm tốn chủ yếu vẫn là định hướng thì chưa đủ mạnh. Theo tôi, có lẽ Ngân hàng Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành một thông tư quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng như thông lệ quốc tế.
Nếu như Ngân hàng Nhà nước ban hành được thông tư này thì đây sẽ là một kênh quan trọng để kiểm soát việc đầu tư vào những dự án, công trình gây ra nhiều rủi ro cho môi trường và xã hội. Bởi vì hệ thống ngân hàng đang đóng vai trò rất quan trọng là chiếm giữ đến 70% tài sản tài chính của nền kinh tế.
Cũng phải cảnh báo rằng nếu các ngân hàng đầu tư vào các dự án gây ra tác động về môi trường và xã hội có thể gặp nhiều rủi ro, cao nhất là sẽ phải đóng cửa. Khi đó, không có doanh thu khách hàng không trả được nợ, nợ xấu gia tăng. Chính bản thân các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Chúng ta đã hội nhập quốc tế rất sâu rồi, các tổ chức quốc tế sẽ đánh giá các ngân hàng trên góc độ trách nhiệm với xã hội theo các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị theo thông lệ quốc tế. Nếu các chỉ số đó đạt được thấp thì sẽ khó kêu gọi nhà đầu tư chiến lược và bán cổ phiếu hay huy động trái phiếu xanh. Vì vậy, chính các ngân hàng phải tiến đến hoạt động theo các thông lệ quốc tế để tốt cho chính mình.
PV: Xin cám ơn ông!