Tăng trưởng mạnh mẽ
Hiện nay, Internet đã trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của trẻ em. Đó là nơi trẻ chơi, gặp gỡ bạn bè và học được nhiều điều mới mẻ. Nhờ có Internet mà trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài. Những công cụ để trẻ tiếp cận với Internet là máy tính ở nhà, ở trường, máy tính bảng và quen thuộc nhất vẫn là những chiếc smartphone.
Nhiều bậc cha mẹ vì chiều con, vì thừa máy, hoặc vì muốn liên lạc với con nên đã trao vào tay con trẻ những chiếc smartphone với màn hình lớn, có khả năng truy cập Internet.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo thống kê của tổ chức DAMMIO (Anh), nếu như năm 2000 Việt Nam mới chỉ có khoảng 200 nghìn người sử dụng Internet, thì đến năm 2017 đã có 50,05 triệu người, tương đương với 53% dân số. Hiện Việt Nam có 46 triệu tài khoản Facebook (chiếm 48% dân số) trong đó có rất nhiều tài khoản thuộc về trẻ em và thanh thiếu niên. Mọi người dành trung bình 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.
"Hầu hết các trường hiện nay chỉ dạy học sinh kỹ năng sử dụng máy tính mà không hề dạy cách sử dụng mạng Internet một cách thông minh, an toàn", Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)
Trẻ tiếp xúc với smartphone, Internet có lợi gì, hại gì?
Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) đã tiến hành một nghiên cứu vào năm 2016 đối với các trẻ em ở Đông Nam Á để tìm hiểu về sở thích truy cập Internet. Các đứa trẻ được hỏi đều nói rằng chúng dùng Internet để tìm hiểu về các chủ đề hay ho, kết nối với bạn bè, nói chuyện với những người nổi tiếng, chia sẻ các bức ảnh ghi lại trải nghiệm cá nhân, xem video từ mọi nơi trên thế giới, học hỏi thêm nhiều kỹ năng, cập nhật tin tức và các xu hướng, chơi trò chơi online.
Nhưng Internet không chỉ là một kho kiến thức. Trên Internet cũng có rất nhiều “rác”, nhiều “góc tối” mà trẻ em vô tình có thể tìm tới. Nếu bạn trao chúng một chiếc smartphone và không để ý xem chúng làm gì, bạn có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng con cái mình. Vậy những nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải khi sử dụng smartphone và Internet là gì?
Unicef đã liệt kê rằng kẻ xấu có thể lôi kéo trẻ em làm những việc mà các em không mong muốn. Kẻ xấu cũng có thể cho các em xem các hình ảnh bạo lực, khiêu dâm. Các địa chỉ cá nhân hoặc ảnh và video riêng tư có thể bị phát tán. Trẻ em cũng có thể bị đặt điều và nói xấu trên mạng xã hội hoặc bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động khủng bố, bị “nhồi sọ” khiến các em tin tưởng vào những thông tin sai lệch. Trẻ em có thể bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng.
Công nghệ số đang thay đổi thế giới, càng ngày càng có nhiều trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ số, và nó đã làm thay đổi cuộc sống của các em.
Con trẻ có thể trở thành đối tượng bị lạm dụng trên Internet như thế nào?
Người lớn thường cảm thấy khó hiểu là làm thế nào mà trẻ có thể tiếp xúc và bị lôi kéo bởi những kẻ xấu ở trên mạng? Kẻ xấu thường khá kín đáo và sử dụng nhiều chiến lược tiếp cận khác nhau. Một trong những cách thức tiếp cận được sử dụng nhiều nhất là dụ dỗ trẻ gửi ảnh hoặc đoạn phim cho chúng, sau đó dùng những bức ảnh hoặc đoạn phim này để bắt ép nạn nhân làm theo ý chúng. Nếu không làm theo, chúng sẽ phát tán những bức ảnh này cho người thân và bạn bè các em. Ngay sau khi gửi bức ảnh đầu tiên, nhiều trẻ em thường cảm thấy xấu hổ và tội lỗi, không muốn lặp lại và không muốn nói đến bức ảnh đó nữa. Đây chính là điểm mà các kẻ xấu có thể lợi dụng. Trong trường hợp này, trẻ em đã mắc phải “bẫy hổ thẹn” do kẻ xấu đặt ra.
Trên thực tế, chúng ta cần nhớ rằng bản chất của trẻ em là tò mò và muốn khám phá nhiều điều liên quan đến giới tính, tình dục. Nhiều khi trẻ biết đến những vấn đề đó sớm hơn chúng ta tưởng. Sự tò mò của trẻ khiến trẻ nảy ra ý định làm quen với những tài khoản lạ trên mạng. Các em sẽ có cảm giác tội lỗi, hổ thẹn, không dám kêu gọi sự giúp đỡ khi gặp phải rắc rối trên mạng.
Vậy, nên hay không nên cho trẻ sử dụng smartphone, Internet?
Phát biểu tại hội thảo do Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm Công nghệ Thông tin – Truyền thông Vietnet ICT tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em – Bộ LĐTBXH, cho rằng không nên cấm trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ. Với vai trò là một người mẹ, bà Nga luôn tìm cách để con mình sử dụng smartphone một cách hữu hiệu.
Đứng trên vai trò là một nhà quản lý, bà Nga cho biết Việt Nam hiện nay đã có đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chẳng hạn như khoản 1, khoản 2 Điều 54 Luật Trẻ em quy định các bên liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn trẻ em trên môi trường mạng. Hay Nghị định 56/2017/NĐ-CP dành riêng chương IV quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chính sách và rất cần các bên liên quan chung tay và nỗ lực để bảo vệ trẻ em khỏi các hiểm họa trên Internet.
Đồng tình với quan điểm của bà Nga, PGS. Tiến sỹ Trần Đức Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục, nói rằng người lớn không thể áp đặt các quy định đối với trẻ em trong việc sử dụng thiết bị công nghệ, có nhiều đứa trẻ càng áp đặt chúng lại càng phản kháng.
Vậy có phải chúng ta cứ để trẻ sử dụng thiết bị công nghệ theo ý thích mà không quản lý gì? Thực ra, cha mẹ không nên là người quản lý giám sát mà nên là người đồng hành với con cái trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Cha mẹ nên nói với trẻ về những nguy cơ khi sử dụng smartphone và Internet nhưng đừng làm trẻ sợ, bởi sự sợ hãi có thể dẫn đến tò mò.
Ở một số gia đình Việt Nam hiện nay, các bậc cha mẹ cũng quản lý việc sử dụng smartphone của các con một cách rất văn minh. Đó là sau khi ăn cơm tối, đến giờ ngồi vào bàn học (20h), các con sẽ phải đưa lại smartphone cho cha mẹ giữ để không bị phân tâm bởi tin nhắn của bạn bè hay những thứ cám dỗ khác trên điện thoại.
Không có ai bảo vệ trẻ em tốt nhất bằng chính trẻ em
Internet là một kho kiến thức khổng lồ, một thế giới rộng mở nhưng đồng thời cũng là một nơi đáng sợ bởi không ai biết hết được các “góc tối” của Internet. Ngay cả CEO của Facebook, ông Mark Zuckerberg cũng nói rằng bản thân ông cũng không hiểu hết Internet. Nhưng Internet lại rất cám dỗ bởi nó cho chúng ta sự tự do không đi kèm với bất cứ trách nhiệm nào. Chúng ta có thể đọc những gì mình muốn, nói những gì mình thích, xem những gì mình cần. Người lớn phải giúp trẻ biết được các trách nhiệm của mình khi sử dụng thiết bị công nghệ và mạng xã hội, biết sử dụng Internet một cách thông minh để tránh được các hiểm họa trực tuyến. Trẻ em luôn muốn tự thể hiện bản thân và không muốn sự áp đặt. Chính trẻ em sẽ biết cách tự bảo vệ mình nếu các bậc cha mẹ luôn là người đồng hành cùng các em trên môi trường Internet.