Né tránh ánh sáng Mặt trời, bạn đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện sức khoẻ !

VietTimes –  Bạn có biết, nhiều người trong số chúng ta đang dành tới 90% cuộc sống của mình ở trong nhà. Vậy chúng ta đã bỏ lỡ điều gì khi ít tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời hơn?
Ảnh: The Indian Express

Có phải bạn đang dành quá nhiều thời gian ở trong nhà? Thực tế, bạn không phải là người duy nhất. Nhiều người trong số chúng ta dành tới 90% cuộc sống của mình ở trong nhà và võng mạc chúng ta đang bị tấn công bởi các loại ánh sáng nhân tạo nhiều hơn vào buổi tối.

So với tổ tiên của mình, chúng ta đang tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ít hơn vào ban ngày và nhiều ánh sáng nhân tạo hơn vào ban đêm. Sự gián đoạn cái gọi là “chu kỳ sáng-tối” mà chúng ta đang phải đối mặt có ảnh hưởng sâu sắc đến tình trạng sức khỏe cũng như giấc ngủ của chính mình nhiều hơn chúng ta tưởng. Vậy con người đã bỏ lỡ điều gì khi thường xuyên sống và làm việc trong phòng?

Ảnh: News Yahooo

Cơ thể của chúng ta được điều hướng bởi nhịp sinh học (một chu trình giả thiết về tình trạng khỏe mạnh hay năng lực sinh lý, cảm xúc, hoặc trí thông minh). Chu kỳ 24 giờ này khiến chúng ta cảm thấy tỉnh táo vào ban ngày và buồn ngủ vào ban đêm.

Nhịp sinh học này lại được điều chỉnh bởi một nhóm các tế bào đặc biệt ở phía sau mắt bao gồm các tế bào hình que và hình nón, cho phép não của chúng ta xây dựng các hình ảnh. Về bản chất, chúng được gọi các tế bào hạch của võng mạc, gọi tắt là ipRGC.

ipRGC đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng màu xanh của quang phổ, bao gồm cả ánh sáng tự nhiên và ánh sáng từ các màn hình thiết bị điện tử mà con người sử dụng. Chúng gửi tín hiệu đến các vùng não và điều chỉnh sự tỉnh táo.

Ảnh: Vedic Health

Chỉ cần một giờ nhìn vào ánh sáng xanh này cũng có thể giúp chúng ta tỉnh táo hơn tương đương với việc uống hai tách cà phê. Điều đó sẽ rất tốt nếu mục đích của bạn là tỉnh táo để làm việc nhưng sẽ không tốt khi bạn chuẩn bị đi ngủ. Vì vậy, nếu ai đó đang có thói quen xem điện thoại trước khi đi ngủ, hãy xem xét lại bởi điều đó thực sự không tốt cho sức khỏe.

Tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời vào buổi sáng giúp nhịp sinh học của chúng ta hoạt động bình thường, cải thiện giấc ngủ, thậm chí là giảm trầm cảm. Các ipRGC đều có kết nối với đồi thị - một vùng não quan trọng quyết định tâm trạng của con người.

Ảnh: The Economic Times

Một lý do quan trọng khác khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời, đó là vitamin D. Khi ánh sáng Mặt trời chiếu vào da, nó sẽ chuyển hóa cholesterol thành vitamin D, giúp xương chắc khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

Thực tế đã chứng minh, các bệnh nhân trong bệnh viện được cho là bình phục nhanh hơn khi họ tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời nhiều hơn vào ban ngày. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng điều đó có thể làm tăng số lượng tế bào miễn dịch giúp cải thiện các chấn thương nhanh hơn.

Như vậy, ánh sáng Mặt trời thực sự rất quan trọng đối với con người. Việc bạn tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn một chút cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ, tâm trạng và khả năng phục hồi sau bệnh tật. Vậy chúng ta cần làm gì để tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên này? Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

- Đi dạo hoặc tập thể dục ngoài trời hàng ngày.

- Thức dậy đúng giờ và mở cửa đón ánh sáng vào buổi sớm.

- Bạn có thể thay đổi vị trí để ngồi gần cửa số hơn. Đôi khi một khoảng cách nhỏ cũng ánh hưởng đáng kể đến mức độ ánh sáng.

- Chỉ sử dụng ánh sáng mờ vào buổi tối, điều đó sẽ tốt cho giấc ngủ của bạn hơn.

- Lắng nghe cơ thể của mình nhiều hơn và đi ngủ khi bạn cảm thấy bắt đầu buồn ngủ.

- Giảm thời gian sử dụng điện thoại hoặc máy tính trước khi đi ngủ.

- Cuối cùng, hãy cố gắng ra ngoài càng nhiều càng tốt nếu có thể.

Theo News Scientist