Bị bạn nhậu cắn đứt tai vì say bí tỉ dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Do quá say trong bữa tiệc dịp cuối năm, người đàn ông khoảng 30 tuổi không may bị bạn nhậu cắn đứt tai.
Tai của nam giới (Ảnh minh hoạ)
Tai của nam giới (Ảnh minh hoạ)

Gần Tết nguyên đán, nhiều người dân thường tụ tập, ăn uống để ôn lại chuyện cũ, chuẩn bị chào đón năm mới. Trong bữa tiệc chúc mừng năm mới, rượu, bia đã khiến nhiều người không làm chủ được bản thân dẫn đến những tai nạn dở khóc, dở cười.

Đứt tai vì bạn nhậu quá say

ThS. BS. Nguyễn Đình Minh – Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt (Bệnh viện E) - cho biết: Thời gian gần đây, Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt đã tiếp nhận 1 trường hợp nam giới vào viện nhờ các bác sĩ sửa chữa tai vì bị cắn trong lúc say mà không hề hay biết.

Trước đó, sau khi nhậu say cùng bạn bè, người đàn ông 30 tuổi, sống ở Hà Nội được dìu về nhà thì bất ngờ bị bạn nhậu cắn đứt 1 phần của vành tai, trong đó có sụn vành tai. Sau khi gặp tai nạn, bệnh nhân đã cấp cứu và gặp phải di chứng khuyết tai. Vì thế, bệnh nhân đã đến Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt để nhờ các bác sĩ tạo hình lại vành tai.

BS. Nguyễn Đình Minh - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt (Bệnh viện E) (Ảnh - BSCC)

BS. Nguyễn Đình Minh - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt (Bệnh viện E) (Ảnh - BSCC)

Tại Bệnh viện, BS. Minh đã khám cho bệnh nhân và quyết định lấy vạt da ở sau tai để tạo hình lại phần tai đã mất. Phần da ở sau tai được coi là phần da hoàn hảo, phù hợp nhất để tạo hình lại vành tai.

Sau khi được các bác sĩ tạo hình lại vành tai, tai của bệnh nhân đã lành lặn, hồng hào trở về trạng thái bình thường. Bệnh nhân vô cùng hạnh phúc vì phần tai bị khuyết đã trở về.

Ngoài bệnh nhân trên, một trường hợp khác cũng đứt tai do bị chém ở nước ngoài. Sau khi gặp tai nạn, các bác sĩ đã sơ cứu, chôn phần tai bị chém của bệnh nhân vào cánh tay của người bệnh để bảo quản.

Khi về Việt Nam, bệnh nhân đã tới Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt (Bệnh viện E) để làm lại tai. Tại Bệnh viện, BS. Minh cùng kíp phẫu thuật đã mổ lấy phần sụn tai bị chém của bệnh nhân được bảo quản ở trong cánh tay để tạo hình lại tai cho người bệnh. “Đây là trường hợp đặc biệt. Bệnh nhân là người duy nhất còn giữ được phần tai bị chém để các bác sĩ tạo hình lại” – BS. Minh nói.

Không bỏ qua thời gian vàng để tạo hình tai

Theo BS. Minh, thông thường, bệnh nhân bị mất vành tai chủ yếu là nam giới do ngã vào các cạnh bàn, bị chém đứt 1 phần vành tai,… trong đó khoảng 50% nam giới đứt rời vành tai do bị bạn nhậu cắn, còn lại do tai nạn sinh hoạt.

Khi gặp phải tai nạn đứt tai, bệnh nhân cần kịp thời đi sơ cứu ở cơ sở y tế có kinh nghiệm, bảo quản phần tai bị mất để đưa cho bác sĩ tạo hình lại. Để bảo quản bộ phận bị đứt rời hiệu quả, người dân cần rửa bộ phận đứt rời bằng nước sạch. Sau đó, cho bộ phận này vào túi nilon đựng nước. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ cho túi đựng bộ phận đứt rời của bệnh nhân vào đá để bảo quản. Nếu để bộ phận đứt rời trực tiếp vào đá thì bộ phận này sẽ bị hỏng.

BS. Minh khám tai cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

BS. Minh khám tai cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

BS. Minh khẳng định: Việc bảo quản bộ phận đứt rời đúng cách sẽ giúp các bác sĩ thuận lợi trong việc tạo hình lại vành tai và các bộ phận khác trên cơ thể. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phần tai đứt rời bị mất nên các bác sĩ sẽ tạo hình tai cho bệnh nhân bằng vạt da ở sau tai. Trường hợp phải tạo hình lại toàn bộ tai rất hiếm, chủ yếu do tai nạn giao thông bị mất toàn bộ tai.

Với những trường hợp đến bệnh viện muộn sau 24 tiếng, người bệnh có thể bị nhiễm trùng. Vì thế, BS. Minh khuyến cáo: Khi gặp tai nạn bị đứt tai hoặc đứt rời bộ phận trên cơ thể, người bệnh cần đến bệnh viện trước 6 tiếng. Đây là thời gian vàng để các bác sĩ có thể xử lý kịp thời và tạo hình lại phần cơ thể bị đứt rời. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện muộn quá 24 tiếng, các vết thương của bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng nặng nề, bộ phận đứt rời bị hỏng. Lúc này, người bệnh sẽ vừa điều trị nhiễm trùng, vừa sơ cứu vết thương.