Lo lắng vì chóng mặt, khó thở
Theo tìm hiểu của PV VietTimes, rất nhiều trường hợp là F0 sau khi khỏi bệnh đã gặp phải các triệu chứng như: đau đầu, râm ran mỏi, khó thở, mất ngủ, mệt mỏi,…
Một F0 sau khi khỏi bệnh đã đăng tải bài viết lên nhóm trên nhóm Facebook bác sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc F0 tại nhà, để xin các bác sĩ tư vấn. Anh này cho hay: “Tôi là F0 tự điều trị ở nhà và khỏi được 24 ngày, trong quá trình điều trị tôi không uống thuốc đặc trị COVID-19, chỉ uống tăng cường Vitamin C và xông kết hợp tập thở. Khoảng 3 ngày nay tôi cứ thấy chóng mặt kiểu thiếu máu lên não không hiểu có ảnh hưởng gì hay không?”.
Nhiều F0 thắc mắc về tình trạng hậu COVID-19 (Ảnh - MT) |
Cũng có các triệu chứng tương tự, Facebook có tên M.M.N đặt câu hỏi: “Các bác sĩ cho tôi hỏi, mặc dù tôi đã khỏi COVID-19 rồi nhưng thi thoảng lại bị đau đầu, râm ran mỏi, khó thở thì có phải là hậu COVID-19 hay không?”.
Ở dưới phần bình luận, nhiều F0 cũng đưa ra các triệu chứng như: Ho, nhức chân, đau đầu, khó ngủ,… sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Nguyên nhân do đâu?
Trước những thắc mắc của F0 về các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, khó thở, nhức mỏi,… sau khi khỏi COVID-19, trao đổi với PV VietTimes, BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) – cho hay: Đây là triệu chứng của hậu COVID-19, cụ thể là tình trạng rối loạn thần kinh thực vật sau COVID-19.
Theo BS. Hoàng, tình trạng rối loạn thần kinh thực vật gây rối loạn co thắt mạch máu, dẫn đến thiếu máu lên não. Thực tế, người bệnh trong quá trình mắc COVID-19 cũng đã có những triệu chứng này. Nhiều người nghĩ chúng sẽ biến mất sau khi âm tính với virus. Tuy nhiên, suy nghĩ này không chính xác bởi các triệu chứng có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng.
BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) (Ảnh - NVCC) |
Rối loạn hệ thần kinh thực vật có các triệu chứng điển hình như sau:
1. Cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động, khó ngủ. Tình trạng bồn chồn, lo lắng hay khó ngủ đều khá thường thấy khi bệnh nhân đang nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau khi âm tính, việc dễ xúc động ngay cả trong những trường hợp không quá đặc biệt cũng xảy ra.
2. Người bệnh sau khi khỏi COVID-19 cũng dễ gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu, đi lại bồng bềnh, không tự tin và đặc biệt là giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém.
3. Dễ mệt mỏi, mất sức, chân tay yếu khi làm việc, vận động. Nhiều người có cảm giác bủn rủn chân tay và hết sau một thời gian ngắn.
4. Chân, tay lạnh, đổ mồ hôi trộm. Đây là triệu chứng rất nhiều bệnh nhân gặp phải và nhờ bác sĩ tư vấn.
5. Một số người bị hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, thổn thức, kèm theo đó là tình trạng nghẹn, khó thở. Các vấn đề này đều liên quan việc rối loạn co bóp của tim và phế quản.
6. Trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này thường trở nên rõ ràng hơn với những người đã gặp từ trước.
7. Nhiều phụ nữ sau khi khỏi COVID-19 gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da xấu đi do thiếu hoặc rối loạn hormone. Việc rối loạn kinh nguyệt có thể khiến chu kỳ kéo dài, ngắn hơn hoặc thậm chí mất kinh trong vài tháng.
Từ các triệu chứng trên, BS. Hoàng cho hay: Cơ thể chúng ta có 2 hệ thần kinh là chủ động (động vật) và thụ động (thực vật). Trong khi hệ thần kinh động vật quyết định các hoạt động có ý thức, hệ thần kinh thực vật lại liên quan sự co bóp của tim, phổi, tuyến mồ hôi,... ngay cả khi cơ thể đang ngủ, say hay bất tỉnh.
Vì thế, BS. Hoàng phỏng đoán nguyên nhân của tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật hậu COVID-19 là các F0 khi mắc bệnh thường ăn, ngủ kém hơn. Bên cạnh đó, 2 biến chứng của COVID-19 thường gặp là phản ứng viêm và đông máu khi lan từ phổi ra khắp cơ thể cũng tác động tới tình trạng này. Bản thân SARS-CoV-2 không chỉ tấn công vào phổi mà còn tác động tới hệ thần kinh, các dây thần kinh dẫn truyền khiến các cơ quan này tổn thương và gây viêm.
Làm thế nào để điều trị hiệu quả?
Với những người có triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID-19, BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo: Người dân cần cố gắng vận động nhẹ nhàng, thường xuyên và vừa sức. Khi vận động, tập luyện thể dục, tinh thần của người bệnh cũng sẽ thoải mái hơn. Ngoài ra, việc tập luyện cũng đốt thêm năng lượng, tăng cường trao đổi chất, giúp họ ăn, ngủ ngon hơn qua đó nhanh chóng phục hồi.
Ngoài ra, người dân có thể dùng những loại thuốc hỗ trợ như vitamin, khoáng chất hoặc một số sản phẩm giúp giảm căng thẳng như an thần với thành phần thảo dược. Một nhóm thuốc khác cũng giúp hỗ trợ bệnh nhân hậu COVID-19 là thuốc tăng cường tuần hoàn não do các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID-19 liên quan đến việc lưu thông máu kém. Các bệnh nhân có thể dùng thêm một số thực phẩm bổ sung chứa omega 3, kẽm, vitamin D.
Một phương pháp cũng có thể ứng dụng để điều trị tình trạng này là thở oxy cao áp. Bệnh nhân được đưa vào một buồng oxy tinh khiết với áp suất cao hơn khoảng 1,5-2 lần thông thường. Việc làm này giúp oxy được phân phối tới các mô, cơ quan tốt hơn.
Tập thể dục (Ảnh minh hoạ) |
Đặc biệt, bệnh nhân có thể sử dụng các biện pháp tâm lý. Những người quá lo lắng có thể tới gặp chuyên gia tâm lý để giải tỏa/thực hiện các hoạt động mang tới cảm giác dễ chịu như vẽ tranh, nghe nhạc, làm vườn, nấu ăn,...
Cuối cùng, biện pháp đơn giản và được khuyến cáo nhiều nhất là việc điều chỉnh chế độ ăn uống. Bệnh nhân nên sử dụng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Các loại hoa quả, rau xanh, cá,... đều mang đến hiệu quả tốt.
Nếu điều trị tốt, các triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh thực vật sẽ ổn sau khoảng 3-4 tuần. Nhiều trường hợp biết cách điều chỉnh cuộc sống thậm chí không cần điều trị cũng có thể nhanh chóng lấy lại sức khỏe như trước. “Tuy nhiên, với một số người mắc các triệu chứng này ở mức độ nặng, nếu không điều trị, chúng có thể diễn biến phức tạp hơn, gây khó giải quyết và ảnh hưởng tới nhiều chức năng của cơ thể” – BS. Hoàng khuyến cáo.