Trung tướng Alexander Sollfrank, chỉ huy Bộ Tư lệnh Hỗ trợ và Kích hoạt Liên hợp NATO, cho biết nếu xảy ra chiến tranh với Nga, các lực lượng phương Tây sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác biệt so với những gì họ đã trải qua ở Afghanistan hay Iraq.
Ông nhận định rằng một cuộc xung đột với Nga sẽ diễn ra trên quy mô chiến trường lớn hơn, với số lượng thương vong cao hơn, và việc sơ tán bằng đường hàng không sẽ gặp nhiều khó khăn do hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu của Nga.
Theo ông Sollfrank, chiến lược của NATO trong việc di chuyển các binh sĩ bị thương ra khỏi tiền tuyến có thể bao gồm cả việc sử dụng tàu hỏa và xe buýt bệnh viện.
"Ưu thế trên không cần phải được thiết lập trước tiên. Điều này sẽ cần thời gian để triển khai trên toàn bộ chiều dài và chiều sâu của chiến tuyến", vị tướng người Đức cho biết. "Vì lý do chiến lược, mọi phương án để đưa một số lượng lớn binh sĩ bị thương đến các cơ sở y tế đều cần được cân nhắc, bao gồm cả tàu hỏa và có thể cả xe buýt".
"Thách thức lớn nhất sẽ là nhanh chóng đảm bảo chăm sóc y tế chất lượng cao cho một số lượng lớn thương binh trong trường hợp xấu nhất", ông Sollfrank nói thêm, đồng thời gợi ý về việc thiết lập một "khu vực y tế quân sự Schengen" để đồng bộ hoá các quy định y tế khác nhau giữa các quốc gia thành viên.
Những phát biểu của tướng Sollfrank được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa NATO và Nga tiếp tục leo thang.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo mạnh mẽ đối với phương Tây khi ông dự đoán khả năng Ukraine sẽ được phép thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã kêu gọi sử dụng các vũ khí phương Tây như tên lửa Storm Shadow của Anh và hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ giấu tên đã nói với tờ The New York Times rằng các cơ quan tình báo Mỹ lo ngại rằng Nga có thể đáp trả bằng vũ lực mạnh mẽ hơn – bao gồm cả các cuộc tấn công gây tử vong – nhằm vào Mỹ và một số đồng minh nếu các đề xuất từ Ukraine được thông qua.
Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia của Nga, tuần trước tuyên bố rằng Moscow sẵn sàng sử dụng "vũ khí mạnh hơn" nếu có các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, theo hãng thông tấn Tass của Nga.
"Hiện tại, Mỹ không còn ngần ngại khi bàn luận về việc tấn công lãnh thổ Nga", ông nói. "Những cuộc tấn công như vậy mang ẩn ý gì? Các cụm vệ tinh của Mỹ và các nước NATO sẽ tham gia vào việc nhắm mục tiêu và thực thi chỉ huy. Điều này có nghĩa là NATO hoàn toàn bị cuốn vào cuộc xung đột".
"Chúng tôi sẽ đáp trả. Chúng tôi có phương tiện để đáp trả. Những vũ khí mạnh hơn đã sẵn sàng", ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay, cũng cho biết Nga có thể tấn công NATO trong thập kỷ tới.
"Hiện tại, tôi không nghĩ một cuộc tấn công của Nga là có khả năng xảy ra ngay lập tức. Các chuyên gia của chúng tôi ước tính rằng khoảng từ 5 đến 8 năm tới có thể là thời điểm xảy ra", ông Pistorius nói với tờ Der Tagesspiegel.