Đây là lời tuyên bố gây choáng váng vừa được ông Robert Marschall – Lãnh đạo Đảng EU-Austrittspartei (tạm dịch là Thoát EU) của Áo, đưa ra ngày hôm qua (3/7).
“Sự bành trướng của NATO là rất nguy hiểm bởi mục đích duy nhất của NATO là bành trướng để tấn công Nga. Sự bành trướng đó chẳng có liên quan gì đến các chiến thuật phòng thủ, tự vệ mà là một bước tiến gần hơn tới việc châm ngòi cho một cuộc chiến mới ở Châu Âu”, ông Marschall đã không ngại ngần nói như vậy.
Liên minh Châu Âu (EU) không phải là một khối có chủ quyền nếu như binh lính nước ngoài có mặt trên lãnh thổ của các nước thành viên liên minh, ông Marschall nói thêm. “Lập trường của chúng tôi là chúng tôi muốn lính Mỹ rút ra khỏi Châu Âu”, vị lãnh đạo của Đảng EU-Austrittspartei nhấn mạnh.
NATO đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu trong suốt năm qua dựa trên cáo buộc Moscow châm ngòi, kích động cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Nga liên tục bác bỏ một cách mạnh mẽ và quyết liệt mọi lời cáo buộc như trên đồng thời nhấn mạnh rằng sự bành trướng quân sự của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương về phía các đường biên giới của Nga là hành động làm phương hại đến an ninh khu vực cũng như làm leo thang căng thẳng.
Ông Marschall cũng tin rằng Áo cần phải giữ lập trường trung lập về quân sự và chính trị theo hiến pháp hiện nay và đó là lý do tại sao ông này muốn nước Áo rút khỏi Liên minh Châu Âu.
"Theo hiến pháp Áo, nước này phải duy trì vị thế trung lập cả về chính trị và quân sự. EU là một phần của NATO. EU cũng là một liên minh quân sự. Chúng tôi không muốn là một phần của một liên minh quân sự”, ông Marschall nhấn mạnh.
Người Áo không muốn là một phần của các cuộc xung đột, trong đó có cuộc nội chiến ở Ukraine hay các cuộc khủng hoảng ở Châu Phi, ông Marschall nói thêm.
Phần lớn các nước thành viên NATO cũng là thành viên của NATO ngoại trừ Cyprus, Phần Lan, Ireland, Malta, Thụy Điển và Áo. Theo điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nếu một nước thành viên của NATO bị tấn công quân sự thì đó cũng được coi như là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả các nước thành viên.
Khoảng một nửa người Áo muốn nước này rời khỏi Liên minh Châu Âu. Tính đến ngày hôm qua, có hơn 260.000 người Áo, chiếm khoảng 4% tổng số cử tri, đã ký đơn kêu gọi Vienna rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Quốc hội Áo hiện tại sẽ phải xem xét tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thành viên EU khi con số người ký đơn kiến nghị vượt quá mức tối thiểu là 100.000.
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine, kích động cuộc nội chiến đẫm máu cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người ở miền đông Ukraine.
Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang lên kế hoạch đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một lực lượng phản ứng nhanh hùng hậu có thể lên tới 40.000 quân và đội quân mũi nhọn thường trực gồm 5.000 binh lính. NATO cũng ấp ủ ý định thành lập một loạt trung tâm chỉ huy ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
Những động thái trên của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Ngoài ra, việc Moscow tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu được cho là một hành động đáp trả.
Trong một động thái thể hiện sự tức giận lên tới mức đỉnh điểm trước sự bành trướng quân sự của NATO mà Nga miêu tả là hành động nguy hiểm chưa từng có, Moscow hồi tháng 4 đã tung ra cảnh báo đáng sợ nhất từ trước đến nay. Theo đó, Moscow thẳng thừng tuyên bố sẽ sử dụng “lực lượng hạt nhân chống lại NATO nếu liên minh này dám đưa quân đến các nước vùng Baltic” – khu vực vốn được coi là sân sau của Nga.
Rõ ràng, nhìn vào những diễn biến như trên, người ta có thể thấy, cuộc đối đầu giữa Nga và NATO đang hết sức nóng bỏng và có thể bùng phát thành xung đột bất kỳ lúc nào nếu các bên không hành động một cách kiềm chế và thận trọng.
Theo: VnMedia