Robot Mars 2020 cải tiến những công nghệ mà “người tiền nhiệm” Curiosity (Robot này được phóng lên sao Hỏa từ Trái Đất vào tháng 11, năm 2011 và trải qua hơn nửa năm ròng để đáp xuống hành tinh này vào tháng 8, năm 2012) đã được phát triển bởi các nhà khoa học của NASA. Nhiệm vụ của những con robot này không gì khác ngoài tìm kiếm dấu hiệu tồn tại sự sống và khảo sát các điều kiện tự nhiên khác trên “hành tinh đỏ”, nhằm củng cố thêm niềm tin về một tương lai không xa loài người sẽ đặt chân lên sao Hỏa.
“Tới năm 2020, chúng tôi sẽ phát triển một loại máy gọi là MOXIE (Mars OXygen ISRU Experiment). Nó sẽ hấp thụ các hợp chất có trong không khí tại sao Hỏa, sau đó chuyển hóa thành một lượng khí Oxy để dùng trong trường hợp các phi hành gia của NASA đặt chân lên sao Hỏa hoặc khi trở về Trái Đất.” - Dennis Andrucyk, nhà khoa học đến từ viện nghiên cứu của NASA tiết lộ trên đài ABC.
Bầu khí quyển của sao Hỏa có đến 96% là khí CO2, vì thế mà việc chuyển hóa thành công lượng khí CO2 thành Oxy đóng vai trò hết sức quan trọng và đặt nền móng vững chắc cho quá trình loài người chinh phục vũ trụ trong tương lai.
Để giảm thiểu chi phí cũng như rủi ro, tên lửa sẽ được phóng vào khoảng thời gian tháng 7 đến tháng 8 năm 2020 - thời điểm mà Trái Đất và sao Hỏa gần nhau nhất.
“Mất cả năm cho chuyến đi khứ hồi này. Tuy nhiên, khi mà hai hành tinh thẳng hàng, bạn có thể sẽ phải ở lại sao Hỏa tận 2 năm.” Andrucyk bổ sung thêm để khẳng định tầm quan trọng của quá trình khám phá sao Hỏa lần này.
Robot thăm dò mới sẽ sử dụng công nghệ có tên là “Depot catching”, cho phép nó sử dụng máy khoan để lấy mẫu đất từ các vùng chiến lược trên hành tinh đỏ, sau đó thu thập và lưu trữ lại nhằm phục vụ các chương trình nghiên cứu khi được đem về Trái Đất.
Ngoài ra, chiến lược khám phá sao Hỏa năm 2020 cũng sẽ có sự xuất hiện của bản sao “Skycrane maneuver” - “cần cẩu cơ động trên không”, loại robot đã được dùng để hạ cánh Curiosity xuống sao Hỏa trước kia. Nó thực sự hữu hiệu khi giảm thiểu đáng kể thiệt hại đến robot thăm dò khi nó tiếp xúc với bầu khí quyển của hành tinh đỏ.
Hơn nữa, robot Mars 2020 còn được trang bị một microphone để các kỹ sư phân tích, tính toán đường bay và hạ cánh của robot tại đây, kèm theo đó là bánh xe dễ thích nghi với địa chất trên sao Hỏa, giúp nó di chuyển được tối đa 20 km (tầm 12,4 dặm) trong 1 năm ở sao Hỏa (687 ngày ở Trái Đất) so với “người anh” Curiosity chỉ di chuyển được 16 km trong vòng 4 năm kể từ khi “đặt chân” lên hành tinh này.
Đầu năm nay, NASA đã công bố đoạn phim về bản sao của loại robot này theo định dạng 360 độ.
Chiến dịch Mars 2020 là một phần trong chương trình khám phá sao Hỏa của NASA, một nỗ lực bền bỉ trong lĩnh vực sử dụng trí thông minh nhân tạo để khám phá hành tinh đỏ. Chương trình này là tiền đề cho những chuyến du hành tới sao Hỏa trong tương lai của loài người, và những dữ liệu thu thập được trên hành tinh này sẽ là cơ sở để xác định mức độ khả thi của những chuyến du hành đó. Các dữ liệu này bao gồm xác định nguồn nước ngầm dưới lòng đất, phát triển kỹ thuật hạ cánh và phân tích khí hậu, thời tiết và điều kiện môi trường tiềm ẩn khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của phi hành gia - những người sẽ sống và làm việc tại sao Hỏa.