|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Như bạn đã biết, các kết quả đánh giá chip 8 nhân Ryzen 7 (dựa trên kiến trúc Zen) cho thấy đây là một nền tảng có khả năng xử lý đa luồng cực mạnh, rất phù hợp cho các nhu cầu điện toán cao cấp như thiết kế, đồ hoạ, dựng phim, render... Nhưng sẽ rất ngây thơ nếu cho rằng, AMD dành tới 5 năm thiết kế kiến trúc Zen chỉ để phục vụ người dùng cá nhân. Cũng cần phải tính tới thực tế rằng thị trường PC vẫn rất khó phục hồi trở lại như thời điểm trước 2010. Ngay cả gã khổng lồ Intel cũng đang chật vật để duy trì mức lợi nhuận cũ khi phải tiến hành tái cấu trúc lại toàn bộ tập đoàn và sa thải tới 11% tổng nhân lực trên toàn cầu trong vài năm trở lại đây.
Rõ ràng trước một cục diện như thế, lại nắm trong tay ít vốn hơn Intel, AMD không thể chỉ trông chờ vào thị trường PC và "nguyện cầu một phép lạ". Điều mà hãng này cần làm là tập trung nguồn lực vào những thị trường tiềm năng và có khả năng cho lãi lớn. Và một trong số ấy chính là thị trường chip dành cho máy chủ (server), vốn đang ngày càng tăng trưởng mạnh khi kỷ nguyên Internet of Things (IoT) bùng nổ. Bản thân Intel cũng phần nào "chống đỡ" được sự suy thoái của cầu PC khi đầu tư không ít vào việc thiết kế các chip cho máy chủ. Các báo cáo tài chính của Intel vài năm trở lại đây ghi nhận con số tăng trưởng khả quan từ mảng Trung tâm Dữ liệu (Data Center).
Do vậy, không khó hình dung khi AMD đặt thị trường server làm trọng tâm khi "nhào nặn" kiến trúc Zen. Hãng này xác định đây sẽ là động lực chính giúp công ty phục hồi trở lại sau nhiều kinh doanh thua lỗ vì sự yếu kém của kiến trúc Bulldozer. Mới đây nhất, sau khi vừa chào bán các chip Zen dành cho PC (Ryzen), AMD đã có buổi demo sức mạnh của Zen trên các máy chủ, dưới tên gọi Naples.
Trước hết về tên gọi, Naples sẽ không phải tên thương mại như Ryzen mà chỉ là tên mã, dùng để phân biệt với các thế hệ chip cho server cũ của AMD. Trong một buổi phỏng vấn với trang AnandTech, CEO Lisa Su cho biết công ty hiện đang cân nhắc có tiếp tục dùng lại tên gọi Opteron cũ hay không. Song điều chắc chắn Naples sẽ chỉ là tên gọi "tạm" của hôm nay chứ không phải tên chính thức. Và vì chưa có tên chính thức, chúng ta sẽ tạm gọi thế hệ chip server mới này là Naples cho tới khi AMD có tên gọi khác.
Một hệ thống Naples 2P sẽ có tới 64 nhân xử lý, hỗ trợ bộ nhớ DDR4 tới 16 kênh
Về mặt cấu tạo, một chip Naples thực chất được tạo ra từ 4 die chip Ryzen 8 nhân đặt sát nhau và được liên kết thông qua giao tiếp Infinity Fabric. Điều này có nghĩa bạn cứ nhân 4 các thông số của Ryzen 7 là sẽ ra con số của Naples (không áp dụng cho thông số xung và TDP). Cụ thể một chip Naples sẽ có 32 nhân Zen, xử lý được 64 luồng dữ liệu và có tới... 8 kênh bộ nhớ DDR4!
Ngoài ra, do mỗi die Ryzen 7 có tới 16 lane PCIe 3.0 mở rộng, nên một chip Naples sẽ có tới 64 lane PCIe 3.0. Con số này lớn hơn con số có trên các chip Xeon E5 của Intel rất nhiều (40 vs. 64). Thêm vào đó, AMD cho biết Naples có thiết kế dạng SoC (System-on-a-chip) khi hỗ trợ thêm các giao tiếp USB 3.0, NVMe, SATA nên về cơ bản, các hãng server có thể xây dựng các hệ thống Naples mà không cần bổ sung thêm chipset (nhưng vẫn cần có chip mạng).
Về mặt mục tiêu, AMD đặt Naples vào 2 dạng server phổ biến nhất hiện nay là 1P (1 CPU) và 2P (2 CPU). Với một hệ thống 2P, nền tảng Naples cung cấp tới 64 nhân Zen, 128 luồng xử lý và tận... 16 kênh bộ nhớ DDR4! Dung lượng bộ nhớ tối đa mà hệ thống Naples 2P hỗ trợ lên đến... 4 TB! Dĩ nhiên số lane PCIe 3.0 mở rộng cũng được gấp đôi lên đến 128 lane!
So sánh tính năng giữa hệ thống Naples 2P và Xeon E5 2P
Về mặt sức mạnh, tại buổi demo, AMD so sánh một hệ thống Naples 2P với một hệ thống Xeon E5-2699A v4 2P (con chip của Intel hiện có giá gần 5000 USD). Cả 2 hệ thống đều được thiết lập ở cấu hình tối đa mà chúng có thể hỗ trợ và cùng được đưa lên "bàn cân" trong một phép thử tính toán phân tích địa chấn (seismic) vốn khá phổ biến trong công nghiệp khai thác dầu khí. Ở lần chạy thứ nhất, AMD chỉ dùng 44 nhân Zen đi kèm với bộ nhớ DDR4 bus 1866 MHz (cho tương đồng với hệ thống Intel). Kết quả tính toán ma trận chéo cấp 15 với 1 tỷ mẫu tiêu tốn hết 35 giây bên các chip Xeon E5, nhưng chỉ còn 18 giây bên Naples.
Ở lần chạy thứ 2, AMD dùng hết toàn bộ năng lực mà Naples có với 64 nhân Zen kèm với bộ nhớ DDR4 bus 2400 MHz (hệ thống Intel không hỗ trợ được tới mức này). Kết quả hệ thống Naples xử lý nhanh hơn lần trước tới 4 giây. Ở lần chạy cuối cùng, AMD "chơi xấu" khi đẩy khối lượng công việc lên gấp 4 lần (4 tỷ mẫu phân tích). Đến đây, hệ thống Intel không còn đủ dung lượng bộ nhớ để tính toán nên đành "chào thua". Còn Naples hoàn tất trong khoảng thời gian gần tới 1 phút.
So sánh hiệu năng giữa 2 hệ thống
Ấn tượng là thế, song bạn đọc cần chú ý rằng đây là các phép thử được AMD chọn ra để "nâng tầm" sản phẩm của mình lên, tương tự như các lần công bố chip Ryzen 7 trước đấy. Do vậy hãy chờ thêm các bài đánh giá độc lập từ các trang công nghệ có uy tín để xem Naples có thật sự "xịn" hay không. Ngoài ra, lần này chỉ là lần demo sản phẩm chứ chưa bán chính thức. AMD cho biết hãng vẫn chưa hoàn thiện xong Naples mà chỉ nếu nó sẽ được bán ra trong Q2 năm nay, tức thời điểm từ tháng 4 trở đi.
Video chi tiết buổi demo Naples
Giá của Naples dĩ nhiên chưa được công bố nhưng dựa theo "truyền thống" của AMD thì hãng này thường niêm yết giá sản phẩm thấp hơn sản phẩm có hiệu năng tương đương bên phía đối thủ.
Theo Báo Diễn Đàn Đầu Tư