Theo ThS. BS. Phạm Văn Hưng - Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai – thời gian gần đây Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện để điều trị các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng, viêm tai giữa, rải rác một vài ca sốt xuất huyết.
Trung bình một ngày các bác sĩ tại Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai tiến hành thăm khám ngoại trú cho khoảng 200 trẻ, chỉ trường hợp nặng mới cho nhập viện. Hiện mỗi ngày có từ 10 đến 15 cháu phải nhập viện để điều trị. Dự kiến số lượng bệnh nhân sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Vào ngày 26/5, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp bé Ng.A.Ph. vào viện trong tình trạng ho, sốt, khó thở.
Chị Nguyễn Thị Loan mẹ của bé chia sẻ: Khi phát hiện bé có biểu hiện bất thường chị đã cho cháu nhập viện từ 3h sáng. Khi ở nhà cháu bị ho, sốt, khó thở, trước đó bị chảy nước mũi, ăn uống kém, hay nôn trớ. Gia đình lo lắng nên đã đưa cháu đi khám để điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Từ trường hợp của bé Ng.A.Ph., ThS. BS. Phạm Văn Hưng cho hay: Vào mùa hè trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do sự thay đổi thời tiết, từ nóng sang lạnh như từ phòng điều hòa sang phòng thường hoặc trẻ chơi ngoài trời rất dễ mắc các bệnh về hô hấp như: viêm tai mũi họng hoặc nặng hơn sẽ là viêm phổi, viêm tiểu phế quản và các bệnh lý về tiêu hóa do bảo quản thức ăn không tốt, có thể gây tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Trẻ cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, sốt xuất huyết.
Một bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thành Dương
|
Thực tế, ở các thành phố lớn, phụ huynh đã có nhiều hiểu biết về chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh đã mắc sai lầm về nguyên lý hạ sốt như trẻ chưa sốt cao thì đã cho uống thuốc hạ sốt hoặc trẻ sốt cao nhưng không cặp nhiệt độ, không biết nhiệt độ trẻ là bao nhiêu. Khi trẻ sốt cao thì lại mua những miếng dán hạ sốt chứ lại không dùng thuốc mà thực chất tấm dán hạ sốt hầu như không có tác dụng. Ngoài ra, một số phụ huynh thường xuyên rửa mũi họng cho con mặc dù trẻ không bị viêm mũi họng.
Do đó, BS. Hưng khuyến cáo: Để phòng tránh những bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, người dân nên hạn chế sự thay đổi đột ngột từ điều hòa ra môi trường bên ngoài. Mỗi gia đình nên để nhiệt độ điều hòa từ 26 đến 28 độ, không nên để quá thấp.
Trước khi ra ngoài người dân phải tắt điều hòa từ 10 đến 15 phút, sau đó mới cho trẻ ra ngoài. Bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gia tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Các bậc phụ huynh phải chú ý vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh. Nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 phải hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Với những trẻ khi có các biểu hiện bệnh lý như sốt, chảy nước mũi hoặc các bệnh lý về truyền nhiễm thì không nên cho trẻ đi học, đến những nơi tập trung đông người, chơi với các bạn khác để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.