Theo TS. BS. Phạm Ngọc Thạch, ông cùng tất cả nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đều vui mừng với niềm vui của các bệnh nhân mắc COVID-19 khi được công bố khỏi bệnh. Riêng bệnh nhân 19 là bệnh nhân rất đặc biệt, bệnh nhân nặng nhất với diễn biến bệnh nặng từng nhiều lần khiến các y, bác sĩ rất vất vả.
“Bệnh nhân 19 đã từng phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO, bệnh nhân đã từng ngừng tim lúc gần 1h đêm,… nhiều lần dọa tử vong. Trong hơn 2 tháng chăm sóc cho bệnh nhân, các y, bác sĩ của chúng tôi đã rất vất vả và nỗ lực, theo dõi 24/24h, vệ sinh, chăm sóc chống loét do nằm điều trị dài ngày cho người bệnh. Việc cứu chữa thành công ca bệnh này đã khẳng định được sự quyết tâm chiến thắng dịch bệnh và trình độ của y học Việt Nam có thể điều trị, cứu sống các ca mắc COVID-19 nặng” - BS. Thạch nói.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân 19. Ảnh: Minh Thúy
|
Sau hơn 80 ngày điều trị tích cực, đến nay, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở, tự thở khí phòng, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tim đều, phổi không rales. Xét nghiệm 7 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đến sáng nay, bệnh nhân có thể đứng dậy vẫy tay chào mọi người và gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã cứu sống bà.
Bệnh nhân 19 tự đứng dậy trong ngày công bố khỏi bệnh. Ảnh: Minh Thúy
|
Trao đổi với PV VietTimes, BS. Vũ Đình Phú - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết, việc một bệnh nhân đã từng rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” đến nay đã khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe là một niềm vui mừng rất lớn với các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực nói riêng và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nói chung.
Theo BS. Phú, quá trình điều trị cho bệnh nhân 19 rất phức tạp. Bệnh nhân 19 bắt đầu khởi phát bệnh sau khi tiếp xúc với cháu gái (bệnh nhân 17) từ ngày 2/3. Đến ngày 5/3 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng, ngày 7/3 bệnh nhân có kết quả xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 và nhập viện. Thời điểm mới nhập viện, bệnh nhân chỉ sốt, dấu hiệu bệnh diễn tiến tăng dần lên.
BS. Vũ Đình Phú - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
|
Đến ngày 16/3, bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, phải thở máy 100%. Bệnh nhân bắt buộc kết hợp chỉ định ECMO (tim phổi nhân tạo) ngay tối ngày 18/3. Mặc dù tình trạng bệnh nhân ổn định nhưng để chức năng phổi cải thiện, bỏ được ECMO phải mất thêm 20 ngày.
Ngày 4/4, chức năng phổi của bệnh nhân hồi phục, bắt đầu cai ECMO. Trong quá trình cai máy, đêm ngày 7/4, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, ngưng tuần hoàn. Ngay trong đêm, các bác sỹ trực cùng ê kip của khoa đã trực tiếp tham gia cấp cứu trong gần 1 tiếng đồng hồ với 3 lần sốc điện.
Sau cấp cứu, các cơ quan của bệnh nhân phục hồi trở lại. Tuy nhiên, bệnh nhân bị tổn thương nặng nề, bệnh tiến triển nhanh, từ ngày 16/3 đặt bệnh nhân phải nội khí quản đến ngày 18/3 chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Đến ngày 4/4, bệnh nhân mới chính thức cai được ECMO.
Bệnh nhân 19 dần hồi phục, gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ tại Bệnh viện. Ảnh: Minh Thúy
|
“Quá trình điều trị cho bệnh nhân thực sự là một khoảng thời gian dài bởi bệnh nhân xuất hiện nhiều rối loạn, các bác sĩ phải liên tục theo dõi, điều trị. Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng giống như đứng trên cầu thăng bằng, chỉ cần nghiêng 1 chút là có thể nguy hiểm đến tính mạng.” – BS. Phú nói.
Hiện, bệnh nhân 19 đã hồi phục, đang được các bác sĩ chăm sóc thêm để chuẩn bị về nhà ở Sài Gòn.