Năng lượng tái tạo cứu các dòng sông khỏi bị 'hủy diệt' bởi thủy điện

Năng lượng tái tạo có thể giải quyết thách thức toàn cầu về năng lượng và khí hậu mà không cần phải hy sinh những dòng sông chảy tự nhiên cũng như những lợi ích đa dạng mà chúng mang lại cho con người và thiên nhiên…

                                                        Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hàng ngàn đập thủy điện đang được quy hoạch trên toàn cầu, trong đó có cả khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, một báo cáo mới đây của WWF và Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên khẳng định, năng lượng tái tạo có thể giải quyết thách thức toàn cầu về năng lượng và khí hậu mà không cần phải hy sinh những dòng sông chảy tự nhiên cũng như những lợi ích đa dạng mà chúng mang lại cho con người và thiên nhiên.

Phát hành trước ngày khai mạc Hội nghị Thủy điện Thế giới tại Paris, báo cáo “Kết nối và Dòng chảy: Một tương lai tái tạo cho các dòng sông, khí hậu và con người” mô tả chi tiết những thay đổi đang xảy ra và làm thế nào chúng ta có thể nắm bắt cơ hội này để đạt được một hệ thống năng lượng bền vững.

Theo báo cáo, nhờ chi phí sản xuất năng lượng mặt trời và gió giảm, công nghệ dự trữ điện phát triển, quản lý lưới điện được cải tiến và năng lượng được sử dụng hiệu quả hơn – giờ đây chúng ta có thể sản xuất điện đủ để cung cấp cho hàng tỷ người, những người mà trước đó không thể tiếp cận với lưới điện, đồng thời giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo tồn hàng chục cho tới hàng trăm ngàn km những dòng chảy tự nhiên.

Đập thủy điện là một nguồn cung cấp điện chính cho các nước trong khu vực sông Mekong nhưng các nghiên cứu cho thấy việc tiếp tục xây dựng các đập thủy điện hiện nay sẽ khiến cho gần một nửa lượng cá di cư bị mất đi và hơn nửa đồng bằng sẽ bị chìm dưới nước vào cuối thể kỷ này.

Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước của WWF-Greater Mekong cho biết: “Dòng Mekong, Irrawaddy và Salween có vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, sinh kế và là nhà của hàng triệu người dân và những loài quý hiếm và đặc hữu như cá tra khổng lồ và cá heo Irrawaddy. Nếu như đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió ngay bây giờ, chúng ta có thể cung cấp năng lượng cho khu vực với giá thấp và tạo thêm thu nhập cho hàng triệu người dân. Bằng cách đó, chúng ta sẽ tránh được những tác động phụ nguy hiểm của các dự án đập lớn như Sambor hoặc Stung Treng.

Ông Jeff Opperman, Chuyên gia Tài nguyên nước của WWF và là trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu “Chúng ta không phải hình dung về một tương lai trong đó mọi người đều có thể sử dụng điện sạch với giá thành phải chăng và có khả năng đáp ứng về kinh tế cho nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác nhau. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai như vậy. Bằng cách thúc đẩy cách mạng năng lượng tái tạo, chúng ta có thể đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho con người và thiên nhiên với hệ thống năng lượng phát thải các-bon thấp, chi phí sản xuất thấp và ít gây ra tác động.”

Với sự đóng góp của nhiều học giả, báo cáo cho thấy việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo có thể ngăn chặn sự phân mảnh cho gần 165.000km chiều dài của các con sông, đồng thời đóng góp vào mục tiêu hạn chế nhiệt độ trên trái đất tăng vượt mức 1.5⁰ C. Cùng với việc góp phần chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp làm chậm lại quá trình suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài nước ngọt vốn đã giảm 83% kể từ năm 1970.

Ông Mark Lambrides, Giám đốc chương trình Năng lượng và Cơ sở Hạ tầng của Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên nói: “Tuần trước, trong bản đánh giá toàn cầu của Hội đồng Liên chính phủ về Đa dạng Sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái, một khuyến nghị quan trọng đã được đưa ra nhằm bảo vệ và phục hồi sự kết nối của các dòng sông. Đây là lần đầu tiên một báo cáo cho thấy cuộc cách mạng năng lượng tái tạo mang đến cơ hội quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo vào trong các hệ thống điện. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh phải chia cắt các dòng sông, ngăn các cuộc tái định cư và tránh sự mất mát nguồn lợi thủy sản nuôi sống hàng triệu người.

Trước đó vài ngày, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature (Thiên nhiên) cho thấy hiện nay chỉ còn 37% các con sông lớn trên thế giới còn duy trì được dòng chảy tự nhiên. Việc xây dựng các con đập và hồ chứa nước đã ngắt kết nối của các con sông.

Mặc dù các dự án phát triển năng lượng tái tạo lớn sẽ không thể chấm dứt sự phát triển thủy điện, nhưng nó báo trước sự sụt giảm đáng kể các con đập mới và một sự dịch chuyển sang các dự án ít gây tác động như các dự án năng lượng gió và mặt trời.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển cuộc cách mạng năng lượng tái tạo. Các chính phủ cũng nên đánh giá lại các dự án đập thủy điện hiện có bằng cách xem xét toàn bộ giá trị của các con sông – bao gồm các dịch vụ hệ sinh thái chúng cung cấp – và tính đến các giải pháp thay thế ít gây tác động. Trong khi đó các nhà phát triển và đầu tư tài chính nên hỗ trợ kế hoạch xây dựng các dự án ít gây tác động.

Theo VnMedia

http://vnmedia.vn/dan-sinh/201905/nang-luong-tai-tao-cuu-cac-dong-song-khoi-bi-huy-diet-boi-thuy-dien-633134/
Theo VnMedia