Nắm hơn 90% cổ phần, bà Trương Mỹ Lan biến SCB thành 'công cụ tài chính', rút hơn 1,06 triệu tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nắm giữ hơn 90% cổ phần SCB, bà Trương Mỹ Lan nắm mọi quyết sách ở ngân hàng này, từ đó chỉ đạo thuộc cấp tạo lập hàng nghìn hồ sơ vay vốn khống rút tổng cộng hơn 1,06 triệu tỉ đồng.

Như VietTimes đã đưa tin, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về ba tội danh gồm: Đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.

Theo kết luận điều tra, bà Lan đã xây dựng “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, chia thành nhiều lớp.

Trong đó, CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty thành viên và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

vtp-scb.png
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chi phối hoạt động của SCB để chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng

“Hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính, có quan hệ chặt với nhau gồm: Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty “ma’’ tại Việt Nam và mạng lưới công ty tại nước ngoài.

Trong nhóm định chế tài chính, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có vai trò đặc biệt quan trọng, được bà Lan sử dụng như một "công cụ tài chính" để cấp vốn cho các công ty thuộc hệ sinh thái. Mọi hoạt động của SCB về cơ bản đều phục vụ cho mục đích cá nhân của bà Lan.

"Lá bài" SCB

Theo nhà chức trách, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động vốn, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để thao túng hoạt động của các ngân hàng này.

Cụ thể, từ tháng 12/2011, bà Lan nhờ người đứng tên để sở hữu cổ phần chi phối tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Ba ngân hàng này sau đó được hợp nhất với tên gọi SCB như hiện tại.

Tính đến tháng 10/2022, SCB có vốn điều lệ 15.231,6 tỉ đồng. Dù không trực tiếp nắm giữ chức vụ nào tại SCB, nhưng với tỉ lệ sở hữu lên tới 91,5% vốn điều lệ, bà Lan là người nắm quyền điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này.

Kết luận điều tra cho biết, để thuận tiện chi phối hoạt động của SCB, bà Lan đã tuyển chọn những người thân tín có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng để nắm giữ các vị trí chủ chốt, trả lương từ 200-500 triệu đồng/tháng.

Sau khi thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo các lãnh đạo ngân hàng và cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của SCB bằng cách giải ngân cho các hồ sơ vay khống. Mỗi khoản tiền rút ra đều có cách làm khác nhau, giao cho từng nhóm để dựng công ty "ma", "vẽ" phương án đầu tư.

vt-truong-my-lan-scb.PNG

Theo kết luận điều tra, từ ngày 1/1/2012 đến 7/10/2022, SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (gồm: 710 cá nhân, 656 tổ chức), trong đó có 2.527 khoản vay liên quan tới nhóm bà Trương Mỹ Lan với tổng số tiền hơn 1,06 triệu tỉ đồng.

So với quy mô GDP Việt Nam năm 2022 đạt 409 tỉ USD, con số bị cáo buộc 1,06 triệu tỉ đồng (khoảng 44 tỉ USD) chiếm khoảng 10,7%. Số tiền này cũng gấp nhiều lần quy mô tổng tài sản của một nhà băng tầm trung.

Tính đến tháng 10/2022, có 1.284 khoản vay của 875 khách hàng trong nhóm bà Lan còn dư nợ tại SCB với tổng số tiền 677.286 tỉ đồng (gồm 483.971 tỉ đồng dư nợ gốc và 193.315 tỉ đồng nợ lãi/phí). Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Đáng chú ý, nhà chức trách cho biết, dư nợ gốc các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát chiếm tới 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại SCB.

SCB lập riêng đơn vị cho vay nhóm bà Trương Mỹ Lan

Cơ quan điều tra cáo buộc, để "rút ruột" SCB, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp là lãnh đạo ngân hàng, đơn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê người đứng tên tài sản, tạo lập hồ sơ vay vốn khống.

Mặc dù hồ sơ thể hiện thời điểm giải ngân cùng thời điểm ký hợp đồng tín dụng, thế chấp, nhưng hầu hết các khoản vay của nhóm bà Lan ở SCB đều được "rút tiền trước, thực hiện hợp thức sau".

Với phương thức trên, nhóm Vạn Thịnh Phát đã thành lập hàng nghìn pháp nhân, thuê hàng nghìn cá nhân làm đại diện, đứng tên ký hồ sơ vay vốn để hợp thức hóa việc rút tiền của SCB.

Theo cơ quan điều tra, việc cần nhiều pháp nhân, cá nhân mới như vậy để tránh trường hợp khi kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC sẽ xuất hiện dư nợ lớn, không đủ điều kiện lập hồ sơ vay vốn.

Nhằm hợp thức việc rút tiền và tránh bị truy vết để phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma", rồi thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Từ năm 2020, để tránh sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp tại SCB lập một số đơn vị có chức năng cho vay như các chi nhánh nhưng trực thuộc Hội sở, chỉ phục vụ việc giải ngân cho các khoản vay của nhóm bà Lan.

Theo kết luận điều tra, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, qua đó rút tiền chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng./.