Sau cuộc cách mạng về AI, BigData, 5G, công nghệ lượng tử sẽ là đường đua mới của thế giới. Theo Nikkei, Mỹ là nước đi thế giới ở nhiều lĩnh vực công nghệ nhưng với công nghệ lượng tử, Trung Quốc đang là người dẫn đầu.
Thống kê mới nhất của Valuenex cho thấy, Trung Quốc đang nắm giữ hơn 3.000 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ lượng tử, nhiều gấp đôi so với Mỹ và gấp ba lần Nhật Bản. Tập đoàn công nghệ Huawei cũng đang nắm giữ 100 bằng sáng chế về công nghệ mã hoá và truyền thông lượng tử, chỉ đứng sau Toshiba của Nhật Bản trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Trung Quốc đang có hơn 3000 bằng sáng chế về công nghệ lượng tử, gấp đôi Mỹ. Nguồn: Valuenex. |
Mặc dù chưa có những tác động trực tiếp đến cuộc sống con người, trong tương lai, công nghệ lượng tử sẽ là nền tảng quan trọng để tạo ra những đột phá về vật liệu công nghiệp, y học, bảo mật, thậm chí thay đổi cả cách vận hành của Internet.
Theo giới phân tích, Trung Quốc bắt đầu tập trung vào giao tiếp lượng tử và mật mã từ vụ Eward Snowden - cựu nhân viên CIA tiết lộ những hoạt động có liên quan của tình báo Mỹ và năm 2013. Ba năm sau, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh khoa học lượng tử thử nghiệm đầu tiên trên thế giới với tên gọi Micius. Báo cáo năm 2018 của Trung tâm An ninh mới của Mỹ cảnh báo: "Trung Quốc rõ ràng đang muốn dẫn đầu cuộc cách mạng lượng tử".
Nikkei dẫn lời Masahide Sasaki, chuyên gia nghiên cứu của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản: "Các nhà nghiên cứu trẻ Trung Quốc từng học tập ở nước ngoài đã hồi hương và làm 'bùng nổ' cuộc đua công nghệ lượng tử ở Trung Quốc".
Mỹ cũng đang tìm cách để bắt kịp đối thủ trên mặt trận công nghệ mới. Thống kê của công ty Astamuse cho thấy, năm 2018 Mỹ đã rót hơn 200 triệu USD vào công nghệ lượng tử, tăng gấp ba lần so với năm trước.
"Chỉ dẫn an ninh quốc gia tạm thời" được chính quyền Biden công bố ngày 3/3 nêu rõ điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động rộng rãi đến nền kinh tế, quân sự, việc làm cũng như nỗ lực cải thiện bình đẳng trên thế giới.
Hai ngày sau, Trung Quốc thông báo rằng sẽ tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lên hơn 7% mỗi năm trong kế hoạch 5 năm tới. Bắc Kinh nhận định AI, chất bán dẫn, cũng như công nghệ lượng tử là những lĩnh vực quan trọng bậc nhất.
Ở Trung Quốc, công nghệ lượng tử đã vào giai đoạn chín muồi, ứng dụng của nó đã bước ra khỏi cánh cửa phòng thí nghiệm, len lỏi vào nhiều ngóc ngách của đời sống. Tháng 1/2021, Trung Quốc thông báo đã xây dựng mạng lưới điện liên lạc lượng tử dài 4.600 km, có thể kết nối hiệu quả từ các vệ tinh với các điểm trên trái đất.
Một tháng sau, các nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý lý thuyết thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã thử nghiệm thành công việc giải một bài toán lớn trong 5 ngày, điều mà máy tính mạnh nhất thế giới IBM Summit phải mất 10.000 năm để hoàn thành. Sự kiện được cho là thách thức từ Trung Quốc với đột phá lượng tử của Google .
Theo VnExpress