Trong một thời kỳ khi mà các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hữu không đảm bảo sẽ đánh chặn thành công các tên lửa đạn đạo, thì vũ khí siêu thanh thực sự trở thành một mối đe dọa lớn. Nhiều người tin rằng sau một khoảng thời gian nhất định, các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo sẽ được cải tiến. Trong trường hợp đó, việc triển khai các vũ khí siêu thanh là điều quan trọng. Tuy nhiên, ở hiện tại, các thiết bị bay siêu thanh (HGV) và tên lửa hành trình siêu thanh (HCM) chính là giải pháp.
Chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh
Tốc độ, cơ động và di chuyển ở cao độ thấp là những đặc điểm vượt trội của vũ khí siêu thanh nếu đem so với các tên lửa hành trình và đạn đạo hiện hữu. Tên lửa hành trình thiếu tốc độ trong khi tên lửa đạn đạo lại có chế độ bay không thể điều khiển. Vũ khí siêu thanh thường di chuyển với vận tốc trên Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh) ở cao độ thấp trong khi lại có chế độ bay điều khiển, giúp chúng khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn so với các tên lửa hành trình và đạn đạo.
Các siêu cường thế giới hiện đang ra sức chế tạo, thử nghiệm và phát triển vũ khí siêu thanh. Trong số này phải kể tới Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ấn Độ và Pháp cũng đang nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu thanh. Việc Nga công bố mẫu tên lửa siêu thanh “Avangard” trong năm 2018 đã khiến Mỹ đẩy nhanh các kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh. Mỹ cũng đang cân nhắc vô số lựa chọn để tự vệ trước các mối đe dọa siêu thanh đến từ Nga và Trung Quốc, bằng việc phát triển các loại vũ khí siêu thanh của mình. Ở chiều ngược lại, Nga và Trung Quốc cũng đang cân nhắc nhiều lựa chọn phát triển khả năng phòng thủ, sau khi Mỹ đẩy nhanh kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh.
Một trong số những lựa nhằm chống lại mối đe dọa siêu thanh được đem ra thảo luận là các vũ khí năng lượng định hướng (DEW), khả năng đánh chặn động năng (hit-to-kill), tên lửa đánh chặn đặt trên không gian, vũ khí laser đặt trên máy bay không người lái để truy vết và tiêu diệt tên lửa ngay trong giai đoạn gia tốc, và các đòn tấn công mạng nhằm vào hệ thống kiểm soát, đầu não của địch.
Hệ thống vũ khí laser AN/SEQ-3 lắp đặt trên tàu USS Ponce của Mỹ (Ảnh: Getty)
|
Đánh chặn trong giai đoạn gia tốc
Các HGV có thể bị đánh chặn dễ dàng nhất vào lúc chúng được phóng từ một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong giai đoạn gia tốc, nhờ 1 tên lửa di chuyển với vận tốc thấp nhất của HGV. Không giống như các phương tiện tái nhập (re-entry) truyền thống, HGV có quỹ đạo bay khó đoán nhờ tính năng cơ động cao, sau giai đoạn gia tốc. Việc đánh chặn là rất khó nếu như HGV đã đi vào giai đoạn cuối. Mẫu phi cơ chiến đấu F-35 Lightning II được trang bị hệ thống cảm ứng có khả năng phát hiện các tín hiệu hồng ngoại và vị trí của một tên lửa đang gia tốc. Và nó có thể bắn hạ các tên lửa hành trình ngày nay. Bản đánh giá Hệ thống Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDR) năm 2019 đã đề nghị không quân và Cơ quân Phòng thủ tên lửa Mỹ nghiên cứu về việc tích hợp khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo vào mẫu F-35 để nó có thể bắn hạ các tên lửa ngay trong giai đoạn gia tốc. Do một HGV được phóng từ một ICBM truyền thống cho tới khi nó đi vào giai đoạn gia tốc, nên F-35 có thể là một lựa chọn tốt trong việc đánh chặn mẫu tên lửa Avangard của Nga.
Một lựa chọn khác cũng được đưa ra trong MDR 2019 là lắp đặt vũ khí laser trên một máy bay không người lái (UAV) để đánh chặn tên lửa siêu thanh ngay trong giai đoạn gia tốc. Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ hiện đang đánh giá công nghệ này thông qua Chương trình Laser năng lượng thấp. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Nghiên cứu kỹ thuật Michael Griffin từng tuyên bố rằng Mỹ đã đạt được bước tiến lớn trong phát triển DEW, nhưng các mối đe dọa siêu thanh vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để ngăn chặn.
Sử dụng F-35 và UAV để đánh chặn tên lửa siêu thanh trong giai đoạn gia tốc của nó sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề địa lý, chủ yếu do tầm bắn. Biện pháp này có thể hiệu quả đối với các nước có địa hình như Triều Tiên, nhưng đối với Nga và Trung Quốc, nó phải đối diện với các hệ thống phòng thủ của phe đối diện. F-35 có tầm tấn công từ 6 - 8 dặm (1,6 - 12,8 km). Để tăng tầm tấn công, nó phải được trang bị thêm các bình nhiên liệu phụ, tăng cường khả năng tàng hình. Việc đánh chặn tên lửa siêu thanh ở giai đoạn gia tốc còn phụ thuộc cả vào vũ khí laser gắn trên UAV.
Một chiếc F-35 Lightning II của không quân Mỹ (Ảnh: Military)
|
Vũ khí tiêu diệt bằng động năng
Cơ quan Nghiên cứu các dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ cũng đang cân nhắc về vô số khả năng đánh chặn khác, bao gồm DEW và công nghệ tiên tiến trong đánh chặn, truy vết và khóa mục tiêu. DARPA đang đẩy nhanh quá trình phát triển một vũ khí tên “Glide Breaker” để đánh chặn cả HGV và HCM. Dự án này được công bố vào tháng 9/2018, nhưng chi tiết được giữ kín. Tuy nhiên, họ cũng cân nhắc rất nhiều lựa chọn khác để tiêu diệt một HGV. Nhưng rõ ràng là việc tiêu diệt vũ khí siêu thanh bằng các vũ khí động năng (kinetic-kill vehicle) là điều rất khó, bởi công nghệ hiện hữu khó có thể khóa mục tiêu các tên lửa tái nhập trên quỹ đạo dự báo của chúng. Theo ông Griffin, hiện không có cách nào để tên lửa động năng có thể chống lại các đòn tấn công hàng loạt sử dụng tên lửa, UAV, tàu cỡ nhỏ trong tương lai. Để hoạt động hiệu quả, mọi vũ khí động năng cần phải tăng tốc độ và tính cơ động của chúng.
Tên lửa đánh chặn ngoài không gian
Một lựa chọn khác giúp ngăn chặn mối đe dọa trong tương lai là tên lửa đánh chặn ngoài không gian (SBI). Các hệ thống này có thể ngăn chặn hiệu quả các tên lửa siêu thanh ở cả giai đoạn gia tốc lẫn giai đoạn cuối. MDR 2019 cũng đã thêm SBI vào danh sách lựa chọn của Mỹ. Để có phạm vi đánh chặn tên lửa trong giai đoạn gia tốc trên toàn cầu, Mỹ cần thêm một số lượng lớn các bộ cảm ứng và tên lửa đánh chặn trong mạng lưới của họ. Thế nhưng điều này không thể được thực hiện trong một sớm một chiều bởi SBI vẫn đang trong giai đoạn... nghiên cứu. SBI cũng có thể làm dấy lên làn sóng tranh luận về vũ khí hóa không gian, dù cho không có đạo luật nào cấm triển khai.
Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã phô diễn khả năng chống vệ tinh của mình. Bởi vậy, SBI hoàn toàn có thể trở thành một mục tiêu tấn công. Phát hiện, truy vết và đánh chặn các vật thể siêu thanh cũng cần có các bộ cảm ứng hiện đại hơn. Việc tăng cường khả năng phát hiện và truy vết sẽ làm tăng tỷ lệ đánh chặn thành công, đồng thời tăng thời gian cảnh báo và phản ứng để triển khai lực lượng, tránh khả năng bị tấn công phủ đầu.
Tấn công mạng
Một phần không thể thiếu trong chiến lược chống lại mối đe dọa siêu thanh chính là làm gián đoạn hệ thống liên lạc, kiểm soát, chỉ huy của địch nhờ đòn tấn công mạng. Các mạng lưới liên lạc và thông tin hoàn toàn có thể bị thao túng nhờ vào vô số công cụ tấn công mạng. Các công cụ này còn có thể được sử dụng để chống lại các đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình của địch thủ.
Đòn tấn công truyền thống
Và nếu các lựa chọn phòng thủ nêu trên vẫn không hữu hiệu trong viễn cảnh xung đột trong tương lai, thì lựa chọn duy nhất còn lại để chống mối đe dọa siêu thanh là tiêu diệt chúng bằng đòn tấn công truyền thống trước khi chúng được phóng. Lựa chọn này đã được MDR 2019 đề cập tới dưới cái tên Các chiến dịch tấn công để Phòng thủ Tên lửa. Các đòn tấn công phủ đầu sẽ làm hư hại, gián đoạn hoặc tiêu diệt hoàn toàn các tên lửa tấn công của phe đối địch trước khi chúng được phóng.
Nhưng dù là một lựa chọn, tấn công kiểu truyền thống chỉ là lựa chọn cuối cùng bởi bất cứ đòn tấn công phủ đầu nào của nước Mỹ cũng có thể khiến địch thủ tung đòn tấn công đáp trả tiếp theo. Và dù cho các bên có cố gắng giảm thiểu thiệt hại thế nào thì những đòn tấn công kiểu này cũng mang tới hậu quả khó lường.
Mẫu tên lửa Standard Missile – 6 phóng từ chiến hạm của Mỹ (Ảnh: Getty)
|
Tên lửa hành trình siêu thanh
Việc bắn hạ các tên lửa hành trình được cho là rất khó và đầy thách thức bởi chúng bay ở tầng khí quyển trong suốt hành trình bay ở cao độ thấp. Hiện nay, Mỹ có nhiều loại tên lửa chống tên lửa hành trình như Standard Missile-2 (SM-2), Standard Missile-6 (SM-6), Hệ thống Phòng không tầm trung mở rộng (MEADS) và hệ thống tên lửa Seasparrow phiên bản cải tiến (ESSM). Các hệ thống này đều được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình siêu thanh.
Nhưng các HCM thì lại khó đánh chặn hơn. Như tên lửa hành trình siêu thanh Zircon phóng từ chiến hạm của Nga được cho là đạt vận tốc trong khoảng Mach 6 đến Mach 9. Nói chung hiện vẫn chưa có hệ thống phòng thủ nào ngăn chặn được HCM một cách hiệu quả. Trong số các hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình hiện nay, ESSM phóng từ chiến hạm có tầm bắn 50 km với vận tốc Mach 4. Tăng tốc độ và tầm bắn của nó có thể giúp tăng khả năng đánh chặn của hệ thống phòng thủ trong tương lai. Ngoài ra, SM-6 cũng là mẫu tên lửa có tầm bay thấp và độ cơ động cao, có thể bắn hạ cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Nó có thể khóa các mục tiêu trong tầm bắn 370 km. Việc nâng cấp các hệ thống này, cùng các bộ cảm ứng phát hiện mục tiêu, có thể giúp Mỹ tăng cường khả năng đánh chặn trong tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cáo buộc Mỹ phát triển vũ khí siêu thanh sau khi nước này rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002. Đây là một cuộc đua tấn công-phòng thủ kinh điển. Khi một phe tăng cường hệ thống phòng thủ để ngăn chặn mối đe dọa, phe còn lại phải tăng cường khả năng tấn công. Và chiến lược tốt nhất để ngăn chặn những thứ vũ khí nguy hiểm là khiến cho việc phát triển/sở hữu chúng sai pháp luật, như Nga và Mỹ đã làm khi ký kết Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 - trong đó yêu cầu các bên cấm và tiêu hủy hoàn toàn một lớp vũ khí hạt nhân. Kể từ đó đến nay, INF dần suy yếu, khiến cho các bên khó có thể thảo luận về một lệnh cấm vũ khí siêu thanh. Mỹ chắc chắn sẽ phát triển vũ khí siêu thanh để bắt kịp với Nga và Trung Quốc, khả năng khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang.