Các mẫu phi cơ chiến đấu thế hệ mới có thể sẽ sở hữu công nghệ tàng hình tối tân nhất, khả năng chiến đấu điện tử, vi xử lý máy tính và các thuật toán phức tạp, tăng chế độ tự động, các vũ khí siêu thanh và cái gọi là "vỏ bọc thông minh" - nơi mà các bộ cảm ứng được lắp đặt.
Một trong số các đặc tính này đã từng được phô diễn cách đây hơn 1 năm, khi hãng Northrop Grumman trình làng mẫu phi cơ SuperBowl AD, có tiềm năng phát triển thành phi cơ chiến đấu thế hệ thứ 6.
Northrop là một trong số những công ty công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới đang chạy đua để nhận được hợp đồng chế tạo mẫu máy bay mới. Dù không có nhiều chi tiết về kế hoạch phát triển của họ, nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng Northrop đang phát triển mẫu thiết kế, công nghệ của thế hệ phi cơ tiếp theo. Boeing cũng đang trong giai đoạn đầu phát triển mẫu thiết kế phi cơ thế hệ thứ 6 - theo chuyên trang quốc phòng Defense News.
Mẫu phi cơ mới, được thiết kế để kế vị tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 và dự kiến sẽ chính thức hoàn thiện vào năm 2030, giờ vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển khái niệm và thiết kế cùng với không quân và hải quân Mỹ. Hai cơ quan này hiện đang thảo luận về các công nghệ và khả năng mà mẫu phi cơ mới sẽ sở hữu. Tuy không đưa ra chi tiết, nhưng không quân Mỹ cho hay họ đang nỗ lực định hình mẫu Máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ kế tiếp (Next Generation Air Dominance) trong tương lai.
Mẫu phi cơ SuperBowl AD của Northrop vẫn là một ẩn số (Ảnh: Getty)
|
Mẫu phi cơ mới được dự kiến sẽ thay thế - ít nhất là một phần - các phi cơ F/A-18 Super Hornet bởi mẫu này sẽ chính thức ngừng hoạt động vào năm 2035. Theo tầm nhìn của hải quân Mỹ, lực phi cơ tương lai hoạt động trên hàng không mẫu hạm trong năm 2040 và xa hơn sẽ bao gồm các mẫu phi cơ tác chiến cất cánh từ tàu san bay, mẫu F-35C và phiên bản nâng cấp của mẫu phi cơ tác chiến điện tử EA-18G Growler.
Hiện tại, cá nhà hoạch địch trong lực lượng hải quân Mỹ đang hướng tới phát triển mẫu phi cơ chiến đấu thế hệ thứ 6 vừa có thể vận hành bởi phi công lái, vừa có khả năng hoạt động tự động.
Nhiều tướng lĩnh của hải quân Mỹ cũng từng tiết lộ về việc phát triển nhanh chóng các công nghệ vỏ bọc máy bay, các vấn đề về quan phổ điện từ, trí tuệ nhân tạo, khả năng cảm ứng trong môi trường chiến đấu, khả năng di chuyển, thông tin liên lạc và kết nối dữ liệu...
Giới chức hải quân Mỹ cũng tiết lộ rằng họ có thể sẽ phát triển thêm các mẫu phi cơ không người lái cất cánh từ tàu sân bay trong những năm tới. Ví dụ như mẫu X-47B của Northrop là mẫu phi cơ không người lái đầu tiên cất cánh và hạ cánh thành công trên boong một tàu sân bay.
Giới phân tích từ lâu đã đưa ra ra nhận định rằng các nhà phát triển đang rục rịch chế tạo thế hệ phi cơ chiến đấu thứ 6. Trong quá trình đó, hàng loạt các công nghệ thế hệ mới như tính năng kết nối cảm ứng toàn diện, khả năng hành trình siêu âm cùng một mẫu máy bay có "vỏ bọc thông minh" sẽ xuất hiện.
X-47B là mẫu phi cơ không người lái đầu tiên cất cánh, hạ cánh thành công trên tàu sân bay (Ảnh: AP)
|
Công nghệ hành trình siêu âm (Super cruise) sẽ cho phép phi cơ chiến đấu di chuyển với vận tốc siêu thanh mà không cần buồng đốt phụ - giới chuyên gia lý giải. Nhờ vậy, nó mang lại lợi thế cho phi cơ thế hệ mới nhờ kéo dài khoảng thời gian tác chiến. Phi cơ được áp dụng công nghệ này có thể chiến đấu lâu hơn, trong khi phi cơ của đối thủ bị cạn nhiên liệu. Trước đây, mẫu F-22 của Mỹ cũng được áp dụng một phiên bản của công nghệ này.
Tiếp theo, công nghệ kết nối cực đại sẽ tăng cường khả năng thông tin liên lạc và công nghệ cảm ứng, ví dụ như kết nối thời gian thực với các vệ tinh, các máy bay cùng tác chiến và bất cứ thứ gì có thể cung cấp thông tin về chiến trường. Mẫu phi cơ thế hệ 6 cũng phát triển khả năng sử dụng các vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên khả năng này vẫn là một dấu chấm hỏi, bởi các cuộc thử nghiệm trước đây có lúc thì thành công, lúc thì thất bại.
Trưởng nhóm khoa học lực lượng không quân Mỹ, Tiến sỹ Geoffrey Zacharias, trong một cuộc phỏng vấn với Scout Warrior, từng nói rằng Mỹ sẽ sớm có vũ khí siêu thanh vào năm 2020, máy bay không người lái siêu thanh vào năm 2030 và máy bay không người lái siêu thanh có thể thu gọn vào năm 2040.
Phần vỏ thông minh của máy bay thế hệ mới sẽ bao gồm nhiều công nghệ khác nhau hoặc các bộ cảm ứng lắp đặt trên phần thân, kết nối chúng sâu hơn với máy bay nhờ các thuật toán máy tính mới, từ đó thu thập và tổng hợp thông tin cho phi công. Công nghệ này vốn đã được áp dụng cho mẫu F-35: Các bộ cảm ứng của máy bay sử dụng công nghệ máy tính hiện đại để thu thập, tổ chức và trình bày thông tin trên một màn hình duy nhất cho phi công. Thêm vào đó, hệ thống phát hiện quang-điện tử khẩu độ mở (Distributed Aperture System) của hãng Northrop còn cung cấp tầm nhìn 360 độ cho phi công.
Công nghệ vỏ bọc thông minh, sẽ tích hợp các hệ thống ngay trên phần vỏ của máy bay thay vì lắp đặt bên trong máy bay như trước kia - giới phân tích cho hay. Điều này giúp giảm độ chắn gió, tăng tốc cùng khả năng chuyển hướng linh hoạt hơn.
Các phi cơ thế hệ thứ 6 cũng có thể được ứng dụng công nghệ tàng hình tương lai để đối phó với các hệ thống phòng không ngày càng hiện đại. Các hệ thống phòng không hiện nay đang sử dụng các máy tính có tốc độ nhanh để đẩy nhanh quá trình xử lý tình huống và kết nối tốt hơn với nhau; chúng có khả năng phát hiện mục tiêu trên diện rộng và phát hiện được cả máy bay tàng hình ở khoảng cách xa. Bởi vậy, phi cơ chiến đấu thế hệ tiếp theo sẽ có khả năng phóng tia laser và khả năng tung đòn tấn công điện tử nhằm vào các hệ thống phòng thủ.