Trong bài phỏng vấn với hãng tin CNN hôm 1/2, Tổng thống Obama tiết lộ Mỹ đã can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine ngay từ giai đoạn đầu và thừa nhận "làm trung gian cho một thỏa thuận chuyển giao quyền lực tại Kiev".
Còn theo giới chuyên gia, Washington đã chủ động làm việc trực tiếp với nhóm cánh hữu cực đoan Right Sector tại Ukraine để tổ chức cuộc đảo chính.
Việc cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych quyết định không ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2013 đã gây ra làn sóng phản đối quy mô lớn tại đất nước này. Kết quả, ông Yanukovych đã bị lật đổ vào tháng 2/2014. Sau quá trình chuyển giao quyền lực, quân đội Kiev đã tổ chức đợt tấn công quân sự tại miền đông Ukraine nhằm trấn áp những người không công nhận tính hợp pháp của chính phủ mới.Chia sẻ với Sputnik, nhà nghiên cứu độc lập Timothy Alexander Guzman cho biết: "Những tuyên bố của ông Obama hoàn toàn trùng khớp với những gì dư luận đã biết trước đó. Ngay từ giai đoạn đầu tiên, Mỹ đã tham gia vào sự kiện lật đổ cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Lịch sử cũng đã chứng minh nước Mỹ nhiều lần tham gia lật đổ chính phủ các nước ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi để đưa những nhà lãnh đạo theo tư tưởng chủ nghĩa phát xít lên nắm quyền nhằm phục vụ cho lợi ích địa chính trị của Washington".
Chuyên gia Guzman khẳng định trong suốt thời gian xảy ra xung đột tại Ukraine, Washington và các đồng minh trong khối NATO đã đàm phán và làm việc trực tiếp với nhóm cánh hữu cực đoan Right Sector.
Còn theo giáo sư chuyên ngành luật pháp quốc tế tại Đại học Luật Illinois, ông Francis Boyle, Mỹ có thể đã gửi thiết bị quân sự tấn công cho quân chính phủ Ukraine dù rằng Washington tuyên bố họ chỉ cung cấp cho Kiev vũ khí phi sát thương. Thậm chí, chuyên gia Boyle khẳng định ông Obama đã phớt lờ thỏa thuận ngừng bắn Minsk cũng như đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tiến hành một cuộc thảo luận hòa bình tại miền đông Ukraine. Điều đó cho thấy Washington vẫn đang theo đuổi chính sách thù địch tại Ukraine.
"Làm sao Nga có thể chịu đựng được việc một đội quân theo chủ nghĩa phát xít ở Kiev, tới đóng quân ngay gần khu vực biên giới của Nga, lại còn được trang bị vũ khí, thiết bị và nhận nguồn hỗ trợ từ NATO? Chắc chắn, Nga không thể để chuyện này yên", Boyle nhấn mạnh ngay cả Mỹ cũng sẽ không thể dung thứ cho những mối đe dọa như trên tiến sát khu vực biên giới nước họ.
"Thực tế, ông Obama cảm thấy cần phải bình luận về vai trò trực tiếp của nước Mỹ trong sự kiện chuyển giao quyền lực tại Ukraine cũng như việc Tổng thống Putin quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi tháng 3/2014 thay vì gọi ông Putin là Hitler. Còn Nhà Trắng thì đi theo quan điểm đàm phán với Moscow", Giáo sư Vlad Sobell tại Đại học New York nói.
|
Cuộc chiến tại miền đông Urkaine đang ngày càng căng thẳng. |
Trong buổi phỏng vấn với CNN hôm 1/2, Tổng thống Obama còn giải thích việc Mỹ "làm trung gian cho một thỏa thuận chuyển giao quyền lực tại Ukraine". Theo ông Obama, quyết định sáp nhập bán đảo Crimea của Tổng thống Putin không phải vì đây là một sách lược trọng yếu của Nga nhưng lại vô cùng cần thiết bởi ông Putin muốn chứng minh đây là phản ứng của Moscow trước những cuộc biểu tình tại quảng trường Maidan".
Trước đó, vào năm 2013, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland từng công bố Washington đã đầu tư 5 tỷ USD cho sự phát triển dân chủ tại Ukraine. Theo nhà báo Pepe Escobar làm việc cho tờ Asia Times tại Hong Kong, "Mỹ biết trước rằng gói việc trợ thúc đẩy 'tự do' tại Ukraine tới một ngày nào đó sẽ đem lại kết quả như mong muốn của Washington. Quyết định sáp nhập bán đảo Crimea của Tổng thống Putin không phải là muốn tìm 'sự cân bằng' bởi cơ quan tình báo Nga biết rằng phong trào biểu tình Maidan sẽ lại lặp lại ở Crimea do đó Kremlin đã hành động trước".
Còn theo giáo sư Sobell, "Ông Obama nên hiểu rằng cựu Tổng thống Yanukovych chạy trốn khỏi Ukraine bởi ông ta lo ngại về tính mạng của mình. Trong khi, phong trào biểu tình Maidan không còn là sự kiện chuyển giao quyền lực trong dân chủ hòa bình như giới truyền thông phương Tây ca ngợi. Thực chất, nó đã biến thành cuộc tàn sát do những sát thủ giấu mặt tiến hành".
Ông Sobell nhấn mạnh một số quan chức EU giấu tên từng xác nhận rằng hôm 20/2/2014, các tay súng bắn tỉa đã nhắm bắn cả cảnh sát và người biểu tình để khuấy động tình trạng hỗn loạn. Song tội ác này lại không hề được chính quyền "dân chủ" như phương Tây ca ngợi tại Kiev điều tra. Đây là cách gây dựng một chính quyền theo chủ nghĩa phát xít ngày nay tại Kiev. Sau đó, cũng chính Kiev lại yêu cầu những người dân đóng thuế ở phương Tây tài trợ tiền cho họ.
Liên quan tới cuộc xung đột căng thẳng giữa quân chính phủ Kiev và phe ly khai tại miền đông Ukraine, ông Sobell cho rằng quân ly khai tại Donbass hiện đang giành ưu thế.
"Washington nhận thức được điều này và họ đứng giữa hai lựa chọn là thỏa hiệp với Moscow và phe ly khai miền đông Ukraine hay leo thang căng thẳng xung đột bằng cách hỗ trợ vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. Song, việc ông Obama có lựa chọn phương án leo thang xung đột tại Ukraine hay không thì chưa rõ", chuyên gia Sobell khẳng định.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xuống dốc trầm trọng trong năm 2014, sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga và giao tranh quân sự bùng nổ tại Ukraine. Trong khi đó, lâu nay, Mỹ và các đồng minh của Washington nhiều lần lên tiếng cáo buộc Moscow can thiệp vào chuyện nội bộ của Ukraine. Thậm chí, họ còn liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quân sự cũng như các nhân vật cấp cao của Moscow.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Globalresearch.ca, website của Centre for Research on Globalization (CRG), một tổ chức nghiên cứu độc lập đặt trụ sở tại Montreal. CRG hiện là một tổ chức phi lợi nhuận do ông Michel Chossudovsky sáng lập.
Theo; InfoNet.Vn