Chính phủ Mỹ thuyết phục các quốc gia đang phát triển tẩy chay thiết bị viễn thông Trung Quốc bằng cách tung ra nhiều gói hỗ trợ tài chính và khuyến khích các quốc gia này sử dụng giải pháp thay thế được Mỹ cho là an toàn và ít ràng buộc hơn.
Bà Bonnie Glick, quản trị viên tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cho hay Mỹ sẵn sàng cung cấp các khoản vay và nhiều khoản hỗ trợ tài chính lên tới hàng tỷ USD, như một chính sách mũi nhọn của nước này trong việc kêu gọi các quốc gia khác mua phần cứng từ các nước dân chủ, thay vì Trung Quốc.
Bà cho biết USAID - cơ quan nổi tiếng với hoạt động hỗ trợ lương thực hơn là công nghệ - sẽ cử nhân viên đến gặp đội ngũ chính trị gia và cơ quan quản lý tại các quốc gia đang phát triển, để thuyết phục họ từ bỏ việc sử dụng thiết bị viễn thông của hai gã khổng lồ Trung Quốc là Huawei và ZTE.
Các gói hỗ trợ tài chính được xem là "món đòn" mới của Washington, càng làm gia tăng căng thẳng vốn đã leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Donald Trump nỗ lực hạn chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc với lý do đưa ra vì lo ngại các hoạt động gián điệp và thương mại.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đã tác động nghiêm trọng tới TikTok và Huawei, cũng như ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Mỹ đang sản xuất và trao đổi thương mại tại Trung Quốc. Ảnh: WSJ. |
Hai năm qua, Mỹ vận động nhiều đồng minh cùng thực hiện lệnh cấm thiết bị viễn thông 5G do Trung Quốc sản xuất. Công nghệ không dây 5G vốn hứa hẹn tốc độ phát triển siêu nhanh của các phương tiện không người lái, gia tăng hiệu suất tại nhà máy cùng nhiều đổi mới khác.
Quan chức Mỹ nhận định chính phủ Trung Quốc có thể đã hạ lệnh cho Huawei và ZTE do thám hoặc tiến hành các cuộc tấn công mạng, tuy nhiên, phía Trung Quốc nói chung và các công ty này nói riêng đều bác bỏ nhận định này, cho rằng đó là kịch bản không bao giờ xảy ra.
Chiến dịch tẩy chay của Mỹ ban đầu nhắm vào hoạt động triển khai 5G ở châu Âu và thu được thành công nhất định, trong đó Mỹ kêu gọi được đồng minh Anh và Ba Lan. Các quốc gia khác, đáng chú ý là Đức, vẫn đang tranh luận về việc có nên hạn chế hoặc cấm các thiết bị do Trung Quốc sản xuất hay không.
Với các quốc gia đang phát triển, có thể Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn. Ví dụ, tại châu Phi, các nhà sản xuất thiết bị mạng không dây Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường. Theo công ty nghiên cứu Dell’Oro Group vào đầu năm nay, nhiều nhà mạng vốn ưu tiên yếu tố giá thành đã ồ ạt tìm đến Huawei và ZTE, hai công ty đang nắm tổng cộng 50 đến 60% thị phần ở châu Phi và vùng Trung Đông. Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng họ có thể đánh bại Trung Quốc khi tung ra những khoản vay "hấp dẫn khó cưỡng" cho các quốc gia đang phát triển này.
Nỗ lực của Mỹ trong việc kìm hãm tham vọng công nghệ của Trung Quốc ngày càng lớn và thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau. Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số công nghệ Mỹ khi muốn xuất sang Trung Quốc, đặc biệt là những công nghệ thiết yếu cho quá trình sản xuất thiết bị viễn thông và chất bán dẫn tiên tiến. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra chỉ thị cho các nhà ngoại giao nước này phải vận động đồng minh cùng "tránh xa" Huawei và ZTE.
Tháng này, USAID vừa ký một thỏa thuận với Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) để cùng chống lại nỗ lực triển khai 5G sử dụng thiết bị Trung Quốc tại các nước đang phát triển. Đây là nỗ lực hợp tác giữa đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, chính sách của FCC và mạng lưới khoảng 10.000 nhân viên USAID tại 100 quốc gia.
Bà Glick cho biết thông điệp Mỹ muốn gửi tới các quốc gia đang phát triển gồm hai nội dung chính: Thiết bị Trung Quốc dễ bị gián điệp tấn công và các nước này có thể mắc bẫy khi nhận khoản vay từ cơ quan tài chính Trung Quốc do chính phủ nước này hậu thuẫn.
Chính phủ Tập Cận Bình tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả hành động này của phía Mỹ.
Lãnh đạo các công ty thiết bị viễn thông phương Tây nhận định cơ quan tài chính Trung Quốc thường đưa ra mức giá thấp hơn thị trường, trong khi lộ trình thanh toán mà Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đưa ra không thể cạnh tranh lại.
Do thiếu vắng những đơn vị sản xuất thiết bị mạng không dây có khả năng phát triển thiết bị 5G, Mỹ đã lên kế hoạch tài trợ các hợp đồng thương mại với những công ty lớn bên ngoài Trung Quốc, như Nokia Corp. của Phần Lan, Ericsson AB của Thụy Điển và Samsung Electronics Co., của Hàn Quốc. Bà Glick cũng tiết lộ USAID có thể hỗ trợ các công ty Mỹ quy mô nhỏ hơn ở giai đoạn đầu phát triển công nghệ 5G tiêu chuẩn mở.
Một số doanh nghiệp như Nokia, Ericsson và Samsung hoan nghênh đối với sáng kiến của chính quyền Washington, nhưng lại từ chối đưa ra bình luận về tác động của nó đối với doanh nghiệp mình.
Mỹ được nhận định sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu, bất kể kết quả bầu cử tổng thống vào tháng tới có ra sao. Hạ nghị sĩ Dutch Ruppersberger thuộc Đảng Dân chủ tại Maryland, người có tiếng nói hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị viễn thông Trung Quốc, cho hay, "việc kêu gọi Mỹ, các đồng minh của chúng ta và tất cả quốc gia khác, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển, ngưng hợp tác với Huawei và ZTE không phải nhiệm vụ chỉ của riêng Đảng Cộng hòa hay Dân chủ, mà đó là sứ mệnh của toàn nước Mỹ".
Theo VnExpress