Đây là cáo buộc thứ 3 trong vòng chưa đến hai tháng của Bộ Tư pháp Mỹ, trong nỗ lực ngăn chặn các hoạt động ăn cắp bí mật công nghệ được cho là khởi nguồn từ Trung Quốc.
Theo cáo buộc này, 10 người trong đó có các đặc vụ của Bộ An ninh Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô đã tìm cách thâm nhập vào hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng tại thành phố Tô Châu.
Hai công ty này đều sản xuất động cơ phản lực cho các máy bay thương mại. Nhóm này cũng nhắm tới các công ty Mỹ khác sản xuất bộ phận cho 2 công ty nói trên.
Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vụ việc nhiều khả năng diễn ra trong giai đoạn từ tháng 1/2010 đến tháng 5/2015. Ông John Brown, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI tại San Diego, nhận định: “Mối đe dọa từ các hoạt động tấn công mạng được bảo trợ bởi chính phủ Trung Quốc là có thật và diễn ra liên tục”.
Trong số 12 công ty bị nhắm đến, 8 có trụ sở tại Mỹ, chuyên về công nghệ hàng không vũ trụ và những “cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng” khác. Ngoài ra danh sách còn có hai công ty Pháp và một công ty Anh, đều là những công ty liên quan đến lĩnh vực hàng không. Cái tên cuối cùng là một công ty công nghệ Australia cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền.
10 người Trung Quốc trong cáo buộc này đã sử dụng rất nhiều cách để thâm nhập vào hệ thống máy tính của các công ty trong danh sách, trong đó có việc cài đặt nhiều chuỗi phần mềm độc hại để chuyển dữ liệu, sử dụng website của các công ty để hack dữ liệu người dùng, và tìm cách thâm nhập qua công ty đăng ký tên miền. Hai đặc vụ của Bộ An ninh Trung Quốc được nêu tên trong cáo buộc này là Zha Rong và Chai Meng.
Những người này được cho là nhắm đến loại động cơ phản lực cánh quạt sản xuất bởi liên doanh của một công ty Pháp có văn phòng tại Tô Châu và một công ty Mỹ. Cáo buộc nhận định mục đích của việc này là để cung cấp dữ liệu quan trọng cho các công ty Trung Quốc, để họ có thể sản xuất một động cơ tương tự mà không phải bỏ tiền và thời gian nghiên cứu.
Cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra chỉ hơn 2 tuần sau khi bộ này thông báo một vụ dẫn độ “chưa từng có tiền lệ” diễn ra ở Bỉ với một nhân viên tình báo của Bộ An ninh tại tỉnh Giang Tô. Người này được cho là đã có ý định đánh cắp bí mật thương mại của General Electric Aviation và một số công ty hàng không khác của Mỹ.
Xu Yanjun được đặc vụ Mỹ dụ đến Bỉ và bị bắt tại đây vào ngày 1/4 trước khi bị dẫn độ tới Mỹ với sự giúp đỡ của nhà chức trách Bỉ. Người này bị buộc tội tìm cách “đánh cắp bí mật thương mại và các thông tin nhạy cảm của một công ty Mỹ đứng đầu trong lĩnh vực hàng không”, theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 10/10.
Trung Quốc từ lâu đã coi hàng không là ngành quan trọng trong kế hoạch mang tên “Made in China 2025” để biến nước này thành quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng các chuyên gia cho rằng công nghệ hàng không của nước này đang tụt hậu, đi sau 20-30 năm so với các quốc gia khác.