|
Quân đội Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì các kênh liên lạc để tránh tính toán sai lầm (Ảnh: US Navy) |
Một số chuyên gia quốc phòng và hàng hải cũng nhận định rằng sự va chạm giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc trong suốt nhiều năm liền đã giúp đảm bảo sự kiềm chế thay vì khiến hai bên đưa ra những hành động hung hăng.
Khả năng Mỹ tung một đòn tấn công bất ngờ nhằm vào các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở khu vực Biển Đông là “khá thấp” bởi tất cả các bên đều muốn tránh những rủi ro chiến lược; theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Knowfar (KISDS), được thành lập bởi các sĩ quan quân đội về hưu của Trung Quốc.
Trong suốt hơn 1 thập kỷ, Hải quân Mỹ đã có ý định sử dụng một tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke để thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải trên các vùng biển tranh chấp, mặc dù họ sở hữu nhiều nhóm tác chiến lưỡng cư mạnh mẽ hơn nhiều trong khu vực; theo báo cáo mới được công bố bởi KISDS.
“Hạm đội tàu lưỡng cư của Mỹ đang ở Biển Đông, nhưng chúng chưa từng tham gia vào các chiến dịch tự do hàng hải trong khu vực” – báo cáo nói, thêm rằng người Mỹ thực sự đã giảm sự hiện diện quân sự trong khu vực, giữa bối cảnh COVID-19.
Mỹ đã duy trì 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của họ trong khu vực để kiểm soát Hải quân Trung Quốc, do quan ngại Bắc Kinh sẽ có hành động hung hăng trên eo biển Đài Loan và Biển Đông.
“Trung Quốc nên cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân trước” do sức ép từ Mỹ
Collin Koh – chuyên gia an ninh hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Singapore – nói rằng việc cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke làm nhiệm vụ tự do hàng hải là lựa chọn tốt nhất đối với Mỹ.
“Thực hiện chiến dịch tự do hàng hải nên được thực hiện và hoàn thành bởi nỗ lực vừa phải nhưng vẫn đáng tin cậy – để không khiến họ mất tập trung với các nhiệm vụ quan trọng hơn” – ông Koh nhận định.
Tian Shichen – Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế về Chiến dịch quân sự ở Bắc Kinh – nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn bắt đầu một cuộc xung đột vũ trang.
“Ở Biển Đông, quân đội Mỹ có xu hướng áp dụng kiểu răn đe chiến lược và khiêu khích chiến thuật nhằm gây sức ép với phía Trung Quốc” – ông Tian nhận định.
Ông Koh thêm rằng các vụ chạm trán giữa quân đội hai nước tính đến thời điểm này vẫn “an toàn và chuyên nghiệp”, tuân thủ Bộ Quy tắc về Tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) năm 2014.
“Phía Mỹ và Trung Quốc đã trao đổi các cuộc gọi radio và thậm chí trao đổi thông tin cho bớt chán khi hoạt động ở đó” – ông Koh cho hay.
Lu Li-shih – một cựu giáo quan tại học viện hàng hải Đài Loan – cho rằng các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ chỉ nhằm thể hiện sự phản đối của họ đối với Trung Quốc, khi Bắc Kinh biến các bãi đá và rặng san hô trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo một cách phi pháp, với mục đích quân sự - chứ không nhằm khơi mào một cuộc chiến tranh.
“Chúng ta có thể thấy rằng cả quân đội Trung Quốc lẫn quân đội Mỹ đều tự kiềm chế rất tốt, ngay cả khi căng thẳng giữa hai bên tăng đột biến trong năm ngoái, trong lúc Mỹ đang tổ chức bầu cử Tổng thống” – ông Lu nói.
Trung Quốc sắp ra mắt máy bay tác chiến điện tử có thể áp chế hệ thống phòng không của đối phương
Tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - từng thực hiện 2 cú điện đàm cho đối tác Trung Quốc Lý Tác Thành trong khoảng thời gian đó (khi mà ông Donald Trump còn đang trong nhiệm kỳ Tổng thống) hứa hẹn rằng phía Mỹ sẽ không tung ra bất kỳ “đòn tấn công bất ngờ” nào nhằm vào Trung Quốc, ngay giữa lúc mà Mỹ triển khai nhiều máy bay ném bom chiến lược và chiến đấu cơ tới sát bờ biển phía Nam của Trung Quốc.
Một nguồn tin thân với quân đội Trung Quốc nói với SCMP rằng, Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc với quân đội Mỹ thông qua rất nhiều kênh, nhằm ngăn chặn rủi ro tính toán sai lầm.
“Quân đội Mỹ từng lo ngại rằng PLA sẽ nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu đến mức cao nhất, trong khi người Mỹ còn đang đi bỏ phiếu. Điều đó làm tăng rủi ro xảy ra xung đột” – nguồn tin này cho hay.