Trong báo cáo gửi thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mới đây, giám đốc Tình báo Quốc gia James Claper cho biết những hải đảo ở Biển Đông bị Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền và bồi đắp làm căn cứ quân sự đã giúp cho Bắc Kinh có “tiềm năng tấn công đáng kể” trong vài tháng tới đây.
Theo Reuters ngày 1/3, khả năng “tấn công quân sự ” của Trung Quốc vượt xa những gì được xem là “ tiền đồn phòng thủ”.
Cụ thể, ông Claper thẩm định ngay trong năm nay, với nhịp độ xây dựng “các tiền đồn” này, Trung Quốc sẽ đủ sức bố trí, triển khai một loạt phương tiện tấn công và phòng thủ, cũng như tăng cường yểm trợ cho hải quân và lực lượng tuần duyên. Một khi các cơ sở tiền phương này hoàn tất vào cuối năm nay hay đầu năm 2017 thì lúc đó Trung Quốc thừa khả năng phát huy nhanh chóng sức mạnh tấn công quan trọng trong vùng.
Nếu Hoàng Sa và Trường sa là ngư trường sinh tử của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc thao túng, thì Biển Đông nói chung là đường giao thương chiến lược của thương mại thế giới. Các căn cứ tiền đồn của Trung Quốc biến Trường Sa thành điểm nóng, nhất là Bắc Kinh không che giấu tham vọng thống trị 80% diện tích Biển Đông.
Khi gặp tổng thống Barack Obama tại Washington vào tháng 9/2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trấn an Mỹ rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Trường Sa , nào là Trung Quốc đã ngừng bồi đắp từ tháng 8. Tuy nhiên thực tế Trung Quốc làm hoàn toàn ngược lại.
Theo Reuters, cho dù lãnh đạo Trung Quốc gạt bỏ mọi cáo buộc, nhưng đích thân Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình dương Harry Harris hồi tháng hai đã xác nhận là hành động quân sự hóa Biển Đông đã rõ ràng là nằm trong mục tiêu “thống trị Đông Nam Á”.
Trong thư gửi chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ, giám đốc Tình báo Mỹ James Claper cho biết thêm là tuy chưa thấy Trung Quốc bố trí trang thiết bị và vũ khí quan trọng trên quần đảo Trường Sa, nhưng các cơ sở đã xây xong có khả năng đón tiếp máy bay chiến đấu và các loại vũ khí yểm trợ.
Trong số các trang bị đã được đưa ra các đảo nhân tạo, có trạm ra đa quân sự và cơ sở dành cho tên lửa địa-không và địa đối hải. Mỹ cũng chưa thấy máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động trong vùng, nhưng tàu chiến đủ loại, kể cả tàu trang bị tên lửa, hiện diện rất đông trong khu vực. Đường băng trên đá Chữ Thập đủ khả năng đón máy bay chiến đấu và vận tải.
Giám đốc Tình báo Mỹ cho biết, tuy không có bằng cớ Trung Quốc sẽ chiếm thêm và bồi đắp đảo đá ngầm tại Trường Sa, nhưng ông cho biết trong vùng còn ít nhất 400 ha có thể khai thác được. Theo bộ quốc phòng Mỹ, cho đến nay Trung Quốc đã xây xong 1.170 ha đảo nhân tạo tại Trường Sa trong ý đồ lấn chiếm hầu hết Biển Đông.