Washington và Đài Bắc đã đồng ý thiết lập một khuôn khổ mới để thúc đẩy đầu tư và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như chất bán dẫn. Động thái này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận vì nước này gần đây kêu gọi Mỹ chấm dứt việc tiếp xúc với các quan chức Đài Loan.
Trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ - Gina Raimondo và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan - Wang Mei-hua, cả hai bên đã đồng ý thiết lập một khuôn khổ Hợp tác Đầu tư và Thương mại Công nghệ (TTIC), theo thông tin từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Hai.
Theo đó, thỏa thuận tập trung vào công nghệ sẽ cho phép cả hai bên “phát triển các chương trình thương mại và nghiên cứu nhằm tăng cường các chuỗi cung ứng quan trọng”, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào Hoa Kỳ, SCMP cho biết.
Mặc dù Trung Quốc không được nhắc đến trực tiếp trong thoả thuận này, tuy nhiên thỏa thuận mới giữa Mỹ và Đài Loan trong chính sách bán dẫn có thể có tác động không nhỏ tới Bắc Kinh vì các công ty công nghệ Trung Quốc hiện chủ yếu dựa vào nhà sản xuất chip của Đài Loan để làm ra những loại chip tiên tiến, ví dụ như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC).
Việc TSMC tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Huawei Technologies Co đã giáng một đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của gã khổng lồ này. Bên cạnh đó, việc TSMC quyết định sẵn sàng cung cấp dữ liệu chuỗi cung ứng cho chính phủ Mỹ cũng gây thêm bất an cho Bắc Kinh, phương tiện truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã gọi đây là một phần “âm mưu” của Washington nhằm kiềm chế sự phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc.
Vào tháng 11, Mỹ và Đài Loan đã tổ chức hội nghị đối thoại kinh tế thường niên lần thứ hai, tập trung vào các vấn đề như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, an ninh mạng 5G, cũng như hành vi cưỡng bức kinh tế bị cáo buộc của Bắc Kinh. Đáp lại cuộc hội đàm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Zhao Lijian cho biết Mỹ nên ngừng việc tiếp xúc với các quan chức Đài Loan.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn cần phải được lấy lại bằng vũ lực nếu cần thiết.
Thỏa thuận mới nhất giữa Washington và Đài Bắc cũng được đưa ra vào thời điểm Mỹ đang cố gắng củng cố ngành sản xuất chip trong nước.
Những ưu đãi hào phóng đã lôi kéo các nhà sản xuất chip hàng đầu như TSMC và Samsung Electronics xây dựng các nhà máy sản xuất wafer trên đất Mỹ. TSMC hiện đang xây dựng một xưởng đúc 5 nanomet tiên tiến ở Arizona với chi phí 12 tỉ USD, trong khi Samsung tháng trước đã đồng ý đầu tư vào một nhà máy chip trị giá 17 tỉ USD ở Texas. Tuy nhiên, dự luật trị giá 52 tỉ USD để cung cấp tài trợ liên bang cho các nhà máy bán dẫn mới đang bị đình trệ tại Quốc hội.
Vào tháng 6, Mỹ và Đài Loan đã thảo luận về chủ đề chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt trong cuộc họp lần thứ 11 của Hội đồng Thỏa thuận về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Cả hai bên bày tỏ sự ủng hộ đối với các hoạt động chung nhằm “tăng cường khả năng phục hồi và an ninh chuỗi cung ứng quan trọng”.
Ảnh: South China Morning Post |
Người đứng đầu các vấn đề kinh tế - Wang nói với truyền thông Đài Loan hôm thứ Ba rằng khuôn khổ TTIC sẽ cho phép hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Đài Loan trong lĩnh vực 5G, xe điện và chất bán dẫn - những lĩnh vực mà Trung Quốc cũng muốn dẫn đầu. Wang cho biết việc xuất khẩu công nghệ từ Đài Loan sang Mỹ đã tăng lên trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bao gồm thông tin nhạy cảm và các sản phẩm viễn thông.
“Các chuỗi cung ứng đang thay đổi do chiến tranh thương mại, nhưng Mỹ sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa viễn thông”, bà Wang nói thêm.
Năm 2020, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đài Loan, trong khi hòn đảo này đứng thứ 9 trong danh sách thương mại của Mỹ, theo Cục Ngoại thương thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan. Mỹ cũng là một nguồn cung cấp chính công nghệ cho Đài Loan.
Cuộc họp đầu tiên của TTIC dự kiến sẽ được bắt đầu vào tháng tới.
Theo South China Morning Post