Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là thỏa thuận được ký kết chính thức giữa 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an cùng với Đức và Iran, hơn nữa lại được chứng nhận của Liên hợp quốc. Nhưng Mỹ có Tổng thống mới và đã quyết định từ bỏ thỏa thuận. Bất kể thế nào, việc chính quyền Donald Trump làm như vậy đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của siêu cường này.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ, Nga và Iran, các nước ký kết khác đều là nước lớn châu Âu, họ nhất trí phản đối Mỹ làm như vậy. Thỏa thuận hạt nhân Iran đã đàm phán gần 2 năm, không dễ dàng đạt được. Rất có khả năng Nhà Trắng hành động như vậy là xuất phát từ nguyên nhân bên trong nội bộ Mỹ và do Donald Trump không thích Iran.
Cộng với rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, rút khỏi Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc, tiến hành chiến tranh thương mại khá tiêu cực…, Mỹ hiện nay thực sự đã trở thành siêu lực lượng có tính bất định cao. Họ có khả năng hành động rất mạnh và tính tùy ý không ai có thể hạn chế, vì vậy khả năng họ làm những việc “động trời” ngày càng lớn.
Rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái khởi động trừng phạt Iran rốt cuộc đem lại lợi ích gì cho Mỹ? Một số quốc gia thù địch với Iran ở khu vực Trung Đông hoan nghênh Washington làm như vậy, nhưng sự tác động của sự kiện này đối với Triều Tiên chắc chắn sẽ rất lớn, cho dù Triều Tiên chưa chắc sẽ nói ra.
Nhìn thấy ông chủ Nhà Trắng dễ dàng xé bỏ thỏa thuận quốc tế do người tiền nhiệm ký kết như vậy, Triều Tiên càng không tin tưởng vào sự cần thiết đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran, rất nhiều công ty châu Âu đã lần lượt làm ăn với Iran. Mỹ khôi phục trừng phạt Iran sẽ làm cho những công ty này đối mặt với nguy cơ. Vào thứ Ba vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Đức đã kêu gọi các công ty Đức nhanh chóng rút khỏi Iran.
Mỹ mặc dù không yêu cầu các nước khác cùng rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng mối đe dọa gián tiếp đã xuất hiện. Các công ty châu Âu nếu từ chối phối hợp với yêu cầu của Mỹ thì rất có thể sẽ bị Mỹ trừng phạt.
Lẽ nào Nhà Trắng muốn tấn công các công ty của châu Âu? Dù sao Mỹ không sẵn sàng để công ty của họ đến Iran làm ăn, thì cũng không muốn các công ty châu Âu làm như vậy.
Rất nhiều quốc gia châu Âu đều là đồng minh của Mỹ, nhưng họ không thể phát huy được vai trò kiềm chế đối với các hành động của Mỹ. Họ đi cùng hoặc là có quan hệ "trứng chọi đá" với Washington. Trong vấn đề hạt nhân Iran, Nhà Trắng căn bản coi thường ý kiến của họ.
Chính quyền Donald Trump không hề khách khí với ngày càng nhiều quốc gia, nguyên nhân căn bản là thế giới này không thể đoàn kết khi đối mặt với Washington. Mỹ không chỉ có thực lực mạnh nhất thế giới, mà còn là nước lớn có đồng minh nhiều nhất.
Từ lâu, khi bị Mỹ uy hiếp, bất kể là thế giới Ả rập hay các nước châu Âu đều rất ít có chung một tiếng nói. Châu Âu già và châu Âu mới, phái Sunni và phái Shia đều là những "lỗ hổng" để Mỹ "đóng cọc" vào.
Ý đồ lớn nhất của Washington khi rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran chính là làm suy yếu Iran. Iran luôn là lực lượng Trung Đông bị Mỹ tập trung tấn công. Hiện nay, Nhà Trắng không muốn hòa giải với họ. Nhà Trắng có lẽ cho rằng tấn công Iran có thể tiếp tục chia cắt Trung Đông, làm cho các nước ở đó kính nể họ hoặc lệ thuộc vào họ.
Nhưng Iran chắc chắn sẽ sử dụng vai trò ảnh hưởng của họ trong khu vực, tiến hành đáp trả phi đối xứng với Mỹ. Sức mạnh của họ đương nhiên nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, nhưng trường hợp các nước Trung Đông nhỏ hơn nhiều Iran gây phiền phức cho Mỹ là điều hoàn toàn không hiếm gặp. Đối đầu Mỹ - Iran sẽ tiếp tục làm bùng cháy "lò lửa" ở khu vực vùng Vịnh.