Mỹ triển khai tên lửa ở Romania, Nga đã âm thầm phản đòn

VietTimes -- Việc Nga triển khai các biện pháp phản đòn với hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ ở Đông Âu đã được thực hiện trong âm thầm từ lâu.
Hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga (ảnh minh họa).
Hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga (ảnh minh họa).

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin cho biết, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania sát biên giới Nga vi phạm Hiệp ước thủ tiêu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
 
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga hôm 11/5 cũng tuyên bố rằng, động thái này của Mỹ là sai lầm và đe dọa trực tiếp nước Nga và chắc chắn nước này sẽ có biện pháp đáp trả.
 
Bộ Ngoại giao Nga cho hay, Moscow buộc phải áp dụng các biện pháp đáp trả để ngăn chặn mối đe dọa từ chiến lược triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

Giới chức quân sự Mỹ và NATO tuyên bố ngày 12/5 sẽ chính thức đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa tại một căn cứ không quân miền Nam Romania.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng việc kích hoạt hệ thống phòng thủ trên tại Romania là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Âu, cho thấy Mỹ đã có đủ khả năng để bảo vệ các đồng minh NATO tại châu Âu.

Tên lửa đạn đạo di động Topol-M của Nga.
Tên lửa đạn đạo di động Topol-M của Nga.

Mỹ và các đồng minh NATO cho rằng hệ thống đánh chặn tên lửa của họ là nhằm để đối phó với các tên lửa đạn đạo của Iran, trong khi đó Nga cho rằng Washington và các đồng minh đang thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa để ngăn chặn Nga.

Cách đây chỉ 1 ngày, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga - ông Sergey Karakayev tuyên bố rằng quân đội Nga đang phát triển các tên lửa đạn đạo (ICBM) cực mạnh đối địch Mỹ, hệ thống ICBM này có khả năng chọc thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào mạng nhất của Hoa Kỳ hiện nay.

Ông Sergey Karakayev cho hay, các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, trong đó chú trọng mạnh vào xây dựng khả năng chọc thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Quá trình phát triển các tên lửa mới của Nga đã bước vào giai đoạn rất tích cực, phương pháp để tên lửa có thể chọc thủng hệ thống phòng bị, đánh chặn của đối phương đã có và đang chờ đợi những lựa chọn cuối cùng.

Như vậy, việc Nga triển khai các biện pháp phản đòn với hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ ở Đông Âu đã được thực hiện trong âm thầm từ lâu bởi việc Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn đến gần lãnh thổ Nga đã rục rịch và dần dần được thực hiện từ cách đây vài năm.

Lê Dũng