Nhật chịu sức ép tăng ngân sách quốc phòng trên 1% GDP
Tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản ngày 1 tháng 2 cho rằng cùng với việc chính quyền Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ, các cuộc thảo luận về ngân sách quốc phòng của Nhật Bản ngày càng gia tăng.
Mặc dù cho đến nay Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa để ngân sách quốc phòng vượt qua tiêu chuẩn 1% GDP, nhưng ông Donald Trump nếu yêu cầu đồng minh tăng chi phí, phát huy vai trò lớn hơn thì sức ép tăng chi của Nhật Bản có thể sẽ tăng cường.
Năm 1976, nội các Takeo Miki đã đưa ra quyết định ngân sách quốc phòng không vượt 1% GDP để tránh đưa Nhật Bản trở thành nước lớn về quân sự. Quyết định này bị bỏ qua từ sau năm 1987, nhưng xét tới hiện thực tài chính khó khăn, chiếm 1% GDP vẫn trở thành tiêu chuẩn cơ bản của kinh phí quốc phòng.
Nội các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiều năm tăng liên tục ngân sách quốc phòng với tốc độ bình quân hàng năm là 0,8%, trong năm 2017 là 4.900 tỷ yên. Nhưng, nhìn vào tỷ lệ trong GDP đều không vượt 1%, cụ thể là 0,955% vào năm tài khóa 2015, 0,937% vào năm tài khóa 2016, 0,885% trong năm tài khóa 2017.
Chi tiêu quốc phòng mà NATO yêu cầu các nước thành viên phải đạt mục tiêu 2% GDP. Nhưng, so với Mỹ (3,4%), Anh (1,9%) và Pháp (1,8%) đều không đạt mục tiêu. Do đó, Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê phán những nước này "đi nhờ xe" về bảo đảm an ninh.
Trong bối cảnh này, Viện nghiên cứu hòa bình thế giới Nhật Bản tháng 1 công bố báo cáo đề nghị Nhật Bản cần theo đuổi ngân sách quốc phòng chiếm 1,2% trong GDP.
Ngày 25 tháng 1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh quan điểm nỗ lực hoàn thiện sức mạnh phòng vệ: "Căn cơ của bảo đảm an ninh là dựa trên tự nỗ lực, tăng cường khả năng phòng vệ, nỗ lực tăng thêm chức trách tự mình có thể đảm đương".
Đa số ý kiến trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng tăng ngân sách quốc phòng với tốc độ bình quân hàng năm 0,8% sẽ khó mà ứng phó được với sự thay đổi của môi trường an ninh.
Cũng có quan điểm cho rằng trong bối cảnh ông Donald Trump lên nắm quyền, giá cả các trang bị như máy bay chiến đấu F-35 sẽ tăng lên. Điều này cho thấy ngoài mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên, còn trông đợi vào "sức ép bên ngoài" từ Mỹ. Nhưng, nếu ngân sách quốc phòng tăng lên rõ rệt thì có thể dẫn tới sự phản đối của phe đối lập và dư luận.
Ngoài ra, theo hãng tin Kyodo ngày 31 tháng 1, tại hội nghị Ủy ban ngân sách Thượng viện cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết khi tổ chức hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 10 tháng 2 sắp tới, sẽ tiếp tục xác nhận tính hiệu quả của Điều 5 Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ quy định nghĩa vụ của Mỹ đối với Nhật Bản, việc này đã cân nhắc đến áp dụng điều khoản này cho đảo Senkaku.
Về việc ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Shinzo Abe cho rằng: “Tính có thể dự đoán của tình hình thế giới đang giảm đi. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng, đang tồn tại tâm lý bất an ‘nếu đồng minh Nhật - Mỹ bị lung lay thì tình hình sẽ rất gay go’”.
Ngoài ra, ông Shinzo Abe cho biết: “Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ cực kỳ quan trọng. Hy vọng thông qua cuộc hội đàm lần này để tiếp tục xác nhận và khẳng định với thế giới rằng, phương châm cơ bản ‘Quân đội Mỹ sẽ đến chi viện khi xảy ra các tình huống bất ngờ’ sẽ không thay đổi”.
Thủ tướng Nhật Bản đồng thời cho rằng “khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần sự hiện diện của Mỹ”, xác nhận vai trò của Quân đội Mỹ ở tiền phương, thể hiện tầm quan trọng của Mỹ trong toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Mỹ tiếp tục duy trì chính sách coi trọng châu Á
Trên các phương tiện truyền thông quốc tế những ngày gần đây đã cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa tiến hành chuyến thăm đến hai nước đồng minh thân cận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố yêu cầu Hàn Quốc và Nhật Bản tăng chi phí cho lực lượng quân Mỹ đóng tại hai nước này, nhưng ông James Mattis đã không đề cập đến việc này trong chuyến thăm. Báo chí Trung Quốc giải thích là để an ủi hai đồng minh này.
Trong chuyến thăm này, ông James Mattis coi vấn đề Triều Tiên là vấn đề ưu tiên nhất trong chính sách khu vực của Mỹ. Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ khu vực THAAD ở Hàn Quốc trong năm 2017. Ông James Mattis đã đưa ra những tuyên bố rất cứng rắn với Triều Tiên và coi quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn là “trụ cột” của an ninh khu vực.
Trong chuyến thăm Nhật Bản của ông James Mattis, hai bên xác nhận tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, đồng thời tái khẳng định đảo Senkaku là đối tượng được bảo vệ theo Điều 5 của Hiệp ước bảo đảm an ninh Nhật - Mỹ.
Ông James Mattis là người có quan điểm cứng rắn trong nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, bao gồm vấn đề Biển Đông. Do đó, chính sách coi trọng châu Á của Mỹ vẫn sẽ được tiếp tục duy trì.