Mỹ sẽ tăng sức ép chiến lược lớn hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Đài Loan, Đông Bắc Á

VietTimes -- Chính quyền Donald Trump có thể gây sức ép chiến lược lớn hơn cho Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Triều Tiên, không giống như mong muốn của Trung Quốc; nhưng cần có chiến lược lớn hơn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: guancha
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: guancha

Tờ Thời báo New York Mỹ bản tiếng Trung ngày 8/12 có bài viết cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có một bước đi quan trọng về chính sách ngoại giao thông qua gọi điện cho nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn.

Cuộc gọi điện này đã phá vỡ thông lệ ngoại giao vài chục năm, gây chú ý cho dư luận về chiến lược của ông Donald Trump đối với Trung Quốc.

Ai chủ động gọi điện?

Chủ nhiệm Paul Haenle của Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa, Trung Quốc cho rằng để chuyển hướng sự phê phán của dư luận đối với cuộc gọi điện này, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh cuộc gọi điện này do nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn chủ động tiến hành, điều này trúng ý của Chính phủ Trung Quốc.

Ngày thứ hai, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gọi cuộc gọi điện này là "chỉ là một động tác nhỏ của phía Đài Loan". Trung Quốc hiện có thể đang tìm cách để trừng phạt bà Thái Anh Văn về việc này.

Nếu việc trừng phạt này xảy ra thì liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có đứng ra ủng hộ Đài Loan hay không? Đây là một trong những lo ngại thực sự của những người phản đối công khai cuộc gọi điện này.

Chủ nhiệm Paul Haenle của Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa, Trung Quốc. Ảnh: Thời báo New York.
Chủ nhiệm Paul Haenle của Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa, Trung Quốc. Ảnh: Thời báo New York.

Ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung - Đài

Từ kinh nghiệm làm việc tại Nhà Trắng trong thời gian ông Trần Thủy Biển là lãnh đạo Đài Loan, nhà nghiên cứu Paul Haenle cho rằng tình hình căng thẳng của eo biển Đài Loan đã làm tiêu hao rất nhiều nguồn lực của quan hệ Mỹ - Trung.

Khi tình hình căng thẳng của Đài Loan trở thành vấn đề chính của quan hệ Mỹ - Trung, vấn đề này có thể sẽ chiếm lấy chương trình nghị sự của hai bên, ngăn cản hai bên thực hiện các mục tiêu chính sách quan trọng khác, chẳng hạn đạt được tiến triển về vấn đề mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên ngày càng tăng lên.

Phản ứng của Trung Quốc

Trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ, rất nhiều người Trung Quốc đã đưa ra kết luận rằng ông Donald Trump trúng cử có lợi cho Trung Quốc, bởi vì ông sẽ là một nhà lãnh đạo làm giao dịch và thiết thực.

Khác với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ông Donald Trump có thể sẽ không đưa ra vấn đề nhân quyền và quan niệm giá trị trong quan hệ Mỹ - Trung.

Với khẩu hiệu tranh cử của ông Donald Trump, người Trung Quốc cho rằng ông Donald Trump sẽ rút khỏi châu Á, giảm mức độ coi trọng của Mỹ đối với các cam kết đồng minh, từ đó giảm sức ép chiến lược đối với Trung Quốc.

Ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn gọi điện cho nhau là một kiểm nghiệm thực tế của giả thiết này. Đối với Trung Quốc, điều ngày càng rõ ràng là tầm nhìn của chính quyền Donald Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể tạo ra sức ép chiến lược lớn hơn, chứ không phải nhỏ hơn.

Điều này không chỉ thể hiện ở tín hiệu đã phát đi từ vấn đề Đài Loan, mà còn chịu sức ép lớn hơn từ vấn đề Biển Đông. Bởi vì cố vấn của ông Donald Trump đã thừa nhận muốn tăng cường xây dựng Hải quân Mỹ, xóa bỏ việc giảm thâm hụt tự động của ngân sách quốc phòng.

Trong vấn đề Triều Tiên cũng vậy. Ông Donald Trump đã cho biết để đạt được tiến triển trong xử lý vấn đề vũ khí hạt nhân thì phải tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc.

Triều Tiên bắn tên lửa (ảnh tư liệu)
Triều Tiên bắn tên lửa (ảnh tư liệu)

Vấn đề nổi lên trong 4 năm tới

Hiện nay, Triều Tiên là mối đe dọa ngắn hạn rõ ràng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 1 - 2 năm qua, đánh giá về loại mối đe dọa này đã thay đổi, ngày càng nhiều đồng thuận cần chính phủ khóa tới giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và biện pháp trừng phạt, răn đe tăng cường.

Đối với chính quyền Donald Trump, khả năng tiến hành hợp tác có hiệu quả với Trung Quốc trong vấn đề này rất quan trọng. Nếu Trung Quốc không muốn có các bước đi cần thiết thì Mỹ có thể phải triển khai các hành động đơn phương, đồng thời cùng đồng minh thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn và tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực này.

Vấn đề này có liên quan đến việc đánh giá thế nào về cuộc gọi điện giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn. Nếu lấy đối phó với mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hoặc Iran làm mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ, thì cùng với việc vạch ra chiến lược châu Á, cần cân nhắc tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc trong việc thực hiện những mục tiêu này.

Nhìn vào điểm xuất phát này, rất khó lý giải cuộc gọi điện với bà Thái Anh Văn là chính quyền Donald Trump thông suốt về chiến lược trong sự việc đầu tiên này. Chính quyền Donald Trump cần xây dựng được một chiến lược liên quan đến lợi ích và mục tiêu khu vực của Mỹ rộng lớn hơn.

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ từng tiến hành tuần tra trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ từng tiến hành tuần tra trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Xử lý quan hệ Mỹ - Trung

Mặc dù cần cạnh tranh với Trung Quốc và kiên định xử lý những lĩnh vực mà ý kiến còn khác biệt hoặc Mỹ cho rằng lợi ích của Mỹ bị phá hoại. Nhưng, trên thế giới có rất nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích của Mỹ đều phải quay trở lại với khả năng hợp tác giữa Mỹ với Trung Quốc.

Xuất phát từ lập trường này, theo báo chí nhà nước Trung Quốc, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhanh chóng gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để xây dựng quan hệ cá nhân với ông Tập sẽ rất quan trọng.