Trung-Mỹ chỉ mới bắt đầu đánh cờ ở Biển Đông
Đa Chiều, tờ báo tiếng Trung có trụ sở tại Mỹ ngày 8/5 cho rằng, đánh cờ Biển Đông ngày càng khó khăn. Bài báo đặt câu hỏi: Nhân vật chính là Philippines và Việt Nam đối đầu với Trung Quốc, Đông Nam Á đối đầu với Trung Quốc hay Mỹ đối đầu với Trung Quốc?
Bài viết cho rằng, nhân vật chính thực sự của tranh chấp Biển Đông là Mỹ và Trung Quốc. Mỹ lấy lý do bảo vệ tự do hàng hải, đạt được đồng thuận với Philippines và Việt Nam.
Ngoài hai nước này, Mỹ triển khai chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương cũng đã xây dựng mạng lưới bạn bè ở Tây Thái Bình Dương để bao vây Trung Quốc. Trong mạng lưới này có Đông Nam Á, Nhật Bản và Australia.
Đa Chiều cho rằng đối với Philippines và Việt Nam, Trung Quốc là bên áp đặt sức mạnh. Đối với Trung Quốc, mạng lưới bạn bè do Mỹ xây dựng đã tạo ra thế đè nén đối với Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc đã tìm cách sử dụng thủ đoạn "chia để trị" hòng thoát khỏi vòng vây.
Từ ngày 21 đến ngày 23/4/2016, Trung Quốc cử bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đến thăm 3 nước Đông Nam Á gồm Brunei, Campuchia và Lào. Sau khi kết thúc chuyến thăm, Bắc Kinh tự cho rằng, 3 nước này đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong xử lý vấn đề Biển Đông.
Đến cuối tháng 4/2016, ngoài các nước trong khu vực, Trung Quốc cũng tích cực lôi kéo các nước ngoài khu vực. Bắc Kinh cũng tự khoe rằng một số nước như Nga, Ấn Độ, Pakistan đã bày tỏ ủng hộ Trung Quốc, cho rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các nước đương sự.
Đáng chú ý, Bắc Kinh tương đối quan tâm đến lập trường của Singapore, mặc dù nước này không liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Trong một diễn đàn vào ngày 25/4/2016, hai đại sứ Singapore cho rằng Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN, có ý đồ chia rẽ ASEAN.
Ngày 28/4, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết, quan chức Bộ Ngoại giao Singapore đã xác nhận, phát biểu của hai vị đại sứ này "hoàn toàn là phát biểu cá nhân, không đại diện cho Chính phủ Singapore".
Đến ngày 29/4, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc lại lên tiếng bằng một bài viết cho rằng "Singapore cũng cần ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông".
Nhìn vào những hành động này, Trung Quốc thực sự đã vô cùng vất vả phải chạy đi chạy lại, đã phải ra sức biện hộ cho mình trước sức ép to lớn từ cộng đồng quốc tế vào thời điểm Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sắp ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines.
Đa Chiều cho rằng, xem ra, Trung Quốc vô cùng hoài nghi về lập trường thống nhất của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Đánh cờ ở Biển Đông đã có "chiều hướng mới". Trung Quốc một mực tuyên bố họ "không thừa nhận" phán quyết sắp đưa ra của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc. Điều này cho thấy, Trung Quốc chỉ muốn lựa chọn những cách thức giải quyết tranh chấp có lợi cho mình, bất chấp luật pháp quốc tế.
Theo Đa Chiều, điều kỳ lạ là, bất kể là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Philippines, Việt Nam hay các nước Đông Nam Á, rõ ràng biết lập trường của Trung Quốc, nhưng vẫn kiên quyết ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực The Hague.
Mạng lưới bạn bè của Mỹ dùng để bao vây Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không chỉ dừng lại ở các nước châu Á-Thái Bình Dương, mà còn bao gồm hầu như tất cả thế giới phương Tây. Hệ thống đồng minh khổng lồ này cùng đối phó Trung Quốc, do đó, Trung Quốc đã áp dụng các thủ đoạn "ra chiêu nào tiếp chiêu đó", "chia để trị".
Trong vấn đề Biển Đông, để bảo vệ tự do hàng hải, Mỹ đã liên tiếp điều tàu chiến, máy bay đến tuần tra Biển Đông, thậm chí có cả biên đội tàu sân bay, đồng thời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lên tàu sân bay tuần tra Biển Đông. Trung Quốc tức tối cáo buộc các hoạt động này là "quân sự hóa" hòng biện hộ cho chính mình.
Trên thực tế, Trung Quốc đã ra sức tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách xây dựng các đường băng sân bay, triển khai các máy bay chiến đấu (J-11, JH-7), các hệ thống tên lửa phòng không (HQ-9), radar cao tần (ở đá Châu Viên)... Những hành động quân sự hóa bất hợp pháp này đã bị Mỹ và cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Cuộc chiến về dư luận giữa hai bên phản ánh tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang trầm trọng hơn. Trong cuộc chiến này, giữa Trung Quốc và Philippines hay giữa Trung Quốc và Mỹ đang sử dụng khẩu chiến chứ không phải "động thủ", đã duy trì tư thế lý tính, kiềm chế và hòa bình - Đa Chiều bình luận.
Đa Chiều đổ lỗi cho Mỹ đến hiện diện ở khu vực này chính là nguyên nhân làm cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng, không còn "hòa bình" như trước đây.
Trên thực tế, cùng với sức mạnh quân sự ngày càng mạnh lên, Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng hung hăng, hăm dọa ở Biển Đông, tính chất bành trướng của yêu sách "đường chín đoạn" ở Biển Đông ngày càng bộc lộ, thể hiện rõ trong các hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Chính các hành động bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc mới là nguyên nhân chính làm cho tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng.
Mỹ sẽ không vì Philippinese hay Việt Nam mà gây chiến
Đa Chiều cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ tạo thế bao vây đối với Trung Quốc là sách lược quan trọng của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, họ muốn dựa vào lập trường thống nhất đối với Trung Quốc của các nước Đông Nam Á.
Tờ này nhận định các nước như Philippines, Việt Nam cũng muốn dựa vào sức mạnh Mỹ để tăng cường năng lực "chơi cờ" với Trung Quốc. Vì vậy, tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang giống như một trò chơi sách lược giữa các nước liên quan - Đa Chiều bình luận.
Song Đa Chiều chủ quan cho rằng Mỹ sẽ không vì Philippinese và Việt Nam mà gây chiến với Trung Quốc, Trung Quốc cũng không thể đụng tới Mỹ. Nhưng, Mỹ nếu muốn làm tiên phong và các nước Đông Nam Á đứng về phía Mỹ, tình hình Biển Đông sẽ rất khó dự đoán.
Chiến lược bao vây tập thể xem ra rất có hiệu quả, hơn nữa, Mỹ cũng đã thể hiện được khả năng lãnh đạo rất mạnh. Nhưng, ở Đông Nam Á, Biển Đông thậm chí Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng không phải bị cô lập hoàn toàn.
Điều vướng mắc nhất của các nước Đông Nam Á hiện nay là Biển Đông không chỉ có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, mà còn có hợp tác kinh tế thương mại. “Philippines, Việt Nam hay bất kể nước Đông Nam Á nào khác cũng đều không thể tách rời Trung Quốc về kinh tế thương mại” - Đa Chiều nhận định.
Do đó, Đa Chiều cho rằng, trong vấn đề Biển Đông không cần tới sự bao vây tập thể của Mỹ, cũng không thể để Trung Quốc áp dụng thủ đoạn "chia để trị", mà phải "ngồi xuống đàm phán hữu nghị". Nhưng tình hình "đánh cờ" hiện nay cho thấy, đàm phán hầu như không có đáp án.
Đa Chiều nói như vậy rõ ràng phần nào bênh vực cho Trung Quốc và quên rằng, một con đường giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông khác chính là con đường pháp lý mà Philippines đang đi.
Dưới ánh sáng của công pháp quốc tế, các quốc gia dù lớn hay nhỏ, về cơ bản cũng đều được phán xử một cách công bằng, bình đẳng, không để xảy ra tình trạng kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu.
Lê Việt Dũng