Những cuộc điều tra nhằm vào các vụ lộ dữ liệu người dùng của Facebook đã được tiến hành hơn một năm qua. Ủy ban thương mại Mỹ (FTC) và Facebook đã có những trao đổi về việc ai là người phải chịu trách nhiệm, và CEO Facebook là một trong số đó.
Theo Washington Post, việc nhắm tới CEO và nhà đồng sáng lập Facebook có thể gây ảnh hưởng rất lớn bởi Zuckerberg là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của Thung lũng Silicon. Án phạt đưa ra cho một nhân vật như Zuckerberg sẽ là một trường hợp rất hiếm gặp.
Việc nhắm vào CEO Facebook có thể là một cách nhắm gửi tới những nhà lãnh đạo của các công ty công nghệ khác rằng FTC không ngại quy kết trách nhiệm cho họ khi không thể bảo vệ, quản lý được dữ liệu của người dùng.
“Những ngày mà họ giả vờ mình chỉ là một nền tảng không liên quan đã hết rồi. Việc nhắm tới Mark là một nỗ lực để thay đổi điều đó”, ông Roger McNamee, một nhà đầu tư thời kỳ đầu và thường xuyên chỉ trích CEO Facebook chia sẻ.
Trong những cuộc điều tra của chính phủ trước đây, ông Mark Zuckerberg vẫn né tránh được trách nhiệm. Một số tài liệu của FTC cho thấy họ đã từng cân nhắc nhưng sau đó bỏ qua cho ông Zuckerberg trong một vụ việc vào năm 2011. Nếu đưa ra án phạt vào thời điểm đó, CEO của Facebook chắc chắn sẽ bị liên đới trách nhiệm trong những vụ lộ dữ liệu gần đây.
FTC bắt đầu điều tra Facebook từ tháng 3/2018, sau bê bối của công ty Cambridge Analytica khiến cho dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook bị lộ. Cơ quan này muốn làm rõ liệu Facebook có vi phạm thỏa thuận của họ với FTC từ năm 2011, trong đó Facebook cam kết sẽ cải thiện bảo mật dữ liệu cho người dùng.
Kể từ năm 2018, Facebook đã liên tục dính những scandal về lộ dữ liệu người dùng. Vào ngày 18/4, họ thừa nhận đã lộ hàng triệu mật khẩu người dùng Instagram. Tháng 3, Facebook cho biết họ đã không có biện pháp bảo mật thích hợp với hàng trăm triệu mật khẩu người dùng.
Sau vụ Cambridge Analytica, ông Zuckerberg đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Tại đây, CEO Facebook nhận trách nhiệm về những vụ lộ dữ liệu, nhưng cho rằng Facebook đã không vi phạm thỏa thuận với FTC.
Nếu kết quả điều tra cho thấy công ty này đã vi phạm thỏa thuận, họ sẽ phải chịu mức phạt lên tới hàng tỷ USD. Những người lãnh đạo như Zuckerberg có thể cũng phải thực hiện các cam kết để đảm bảo bảo mật, như báo cáo định kỳ về tình hình đảm bảo dữ liệu trước hội đồng quản trị.
Nhiều nhà làm luật của Mỹ đồng ý với ý kiến nên bắt Zuckerberg chịu trách nhiệm. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho rằng ông Zuckerberg “không chỉ biết rõ mà còn đồng ý với các hành vi xâm phạm quyền riêng tư người dùng của Facebook, và phủ nhận những nghi ngại chính đáng”.
“Bắt Mark Zuckerberg và các lãnh đạo khác của Facebook phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm sai sẽ là một thông điệp mạnh mẽ đối với những lãnh đạo công ty khác trên quốc gia này: Anh phải trả giá vì không tuân thủ luật pháp và lừa dối người dùng”, ông Blumenthal cho biết.
Tùy vào những thỏa thuận mới với FTC, Mark Zuckerberg có thể thoát tội, và đây cũng không phải lần đầu. Năm 2011, kết luận ban đầu của FTC chỉ rõ Mark Zuckerberg là 1 trong những người phải chịu trách nhiệm trong các vụ lộ dữ liệu của Facebook. Tuy nhiên, kết luận chính thức lại không có tên người sáng lập Facebook.
Lần này FTC có thể sẽ mạnh tay hơn. Ông David Vladeck, người đứng đầu ban bảo vệ người tiêu dùng của FTC vào năm 2011 tuần này đã lên tiếng chỉ trích Facebook vì không tôn trọng thỏa thuận với FTC năm 2011 và tiếp tục coi thường sự riêng tư của người dùng.
“Tôi hi vọng mọi kết luận sau này sẽ có tên Zuckerberg. Như vậy sẽ tạo sức ép để khiến các CEO phải chịu trách nhiệm”, ông Vladeck cho biết.
Theo Zing