|
Binh sĩ Iran |
Khái quát 12 điểm “Kế hoạch B” của Mỹ đối với Iran
(1) Phải vĩnh viễn từ bỏ các hoạt động hạt nhân dưới sự kiểm chứng của bên ngoài, trước hết là dừng ngay mọi họa động làm giàu urani, cam kết không tái chế plutoni và đóng cửa các lò phản ứng nước nặng.
(2) Báo cáo công khai trước Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về toàn bộ nội dung quân sự trong chương trình hạt nhân mà Iran cam kết đã dừng hoàn toàn.
(3) Cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận theo kế hoạch hoặc bất thường mà không bị hạn chế tới bất kỳ cơ sở nào trên lãnh thổ Iran, trong đó trước hết là các cơ sở liên quan tới chương trình hạt nhân.
(4) Ngừng mọi hoạt động liên quan tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, trước hết là tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân.
(5) Ngừng mọi hoạt động liên quan tới phổ biến tên lửa đạn đạo (ngụ ý xuất khẩu) sang các nước khác.
(6) Tôn trọng nhà nước Iraq (ngụ ý chấm dứt mọi hành động gây ảnh hưởng tới Iraq)
(7) Không được cản trở sự giải thể tất cả các tổ chức và lực lượng vũ trang theo dòng Hồi giáo Shiite và chấm dứt mọi hoạt động ủng hộ, tài trợ và huấn luyện cho những lực lượng này.
(8) Rút tất cả các lực lượng nằm dưới quyền kiểm soát và chỉ huy của Iran ra khỏi Syria.
(9) Ngừng hỗ trợ tất cả các nhóm mà Mỹ coi là khủng bố ở Trung Đông, bao gồm tổ chức Hezbollah của Lebanon, phong trào Hamas của Palestine và lực lượng người Housi ở Yemen.
(10) Hoàn toàn từ bỏ mọi hành động đe dọa và kế hoạch hủy diệt nhà nước Israel.
(11) Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran phải chấm dứt sự ủng hộ đối với lực lượng của Phong trào Al-Quds (thường được gọi là “Lữ đoàn Jerusalem” của dân quân Palestine được thành lập vào giữa năm 2013 để giúp quân đội và chính phủ Syria chống khủng bố).
(12) Giải phóng tất cả các công dân Mỹ và các đồng minh cũng như các đối tác của Mỹ từng bị Iran giam giữ do bị cáo buộc vô căn cứ hoặc bị mất tích ở Iran [1].
“Kế hoạch B” nhằm mục đích gì?
Nghiên cứu “Kế hoạch B” của Mỹ, có thể thấy đây là một kiểu “tối hậu thư” của Mỹ gửi tới Iran, hoàn toàn vượt ra khỏi khuôn khổ chương trình hạt nhân của Teheran [2]. Như vậy, ngoài các biện pháp cấm vận sẽ áp đặt sau khi có quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran, Mỹ sẽ áp đặt thêm nhiều biện pháp cấm vận mới gắt gao chưa từng có nhằm đạt được nhiều mục đích khác nhau.
Một là, hủy hoại toàn diện tiềm lực quân sự của Iran, chứ không chỉ là tiềm lực hạt nhân.
Hai là, đặt chủ quyền quốc gia của Iran nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ núp dưới chiêu bài “thanh sát các cơ sở hạt nhân” của quốc gia này.
Ba là, gây sức ép cấm vận gắt gao chưa từng có như đã được đề ra trong Đạo luật HR-3364 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê duyệt trong tháng 8/2017 với cáo buộc Iran là “quốc gia xâm lược” và “tài trợ khủng bố”. Từ đó, sẽ đẩy Iran lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện và trên cơ sở đó thúc đẩy cuộc “cách mạng đường phố” để lật đổ chính thể hiện nay và dựng lên ở Teheran chính quyền mới nhất cử nhất động nghe theo chỉ thị từ Washington.
Bốn là, làm phá sản chủ trương của Iran hình thành liên kết các quốc gia đi theo đạo Hồi dòng Shiite, trong đó có các quốc gia chủ chốt là Syria, Iraq, Yemen. Theo toan tính của Washington, liên kết các lực lượng Hồi giáo dòng Shiite ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng tới vị thế của Arab Saudi-quốc gia đi theo đạo Hồi dòng Sunni. Trong chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Trung Đông, Arab Saudi là một trong những khâu then chốt trong trục liên minh Mỹ-Arab Saudi-Israel-IS.
Năm là, loại bỏ vai trò của Iran, lực lượng Hezbollah, phong trào Hamas và Al-Quds là những đồng minh then chốt và đắc lực của Nga và Syria trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, tạo điều kiện cho Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria và duy trì sự tồn tại của IS.
Sáu là, tạo điều kiện cho Arab Saudi-đồng minh chiến lược của Mỹ, giành lại ưu thế chiến lược trên chiến trưởng Yemen trong cuộc đối đầu với lực lượng của người Houthi được Iran ủng hộ.
Liệu Iran có chấp nhận “tối hậu thư” của Mỹ?
Ngay sau khi Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố về “Kế hoạch B” dành cho Iran, chính quyền Teheran đã ra tuyên bố chỉ trích gay gắt “tối hậu thư” của Mỹ và cho rằng kỷ nguyên Mỹ có thể “bắt nạt” các nước đã qua rồi.
Bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo về “Kế hoạch B” dành cho Teheran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố: “Các vị là ai mà dám đưa ra quyết định thay cho Iran và cả thế giới? Iran sẽ đi theo con đường mà mình đã chọn. Tất cả nhân dân Iran ủng hộ chính phủ. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép Mỹ đưa ra quyết định thay cho cộng đồng quốc tế”.
Mujtaba Zu Nuri, một thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia tối cao của Iran, bình luận về bài phát biểu của ông Mike Pompeo Pompeo: "Chúng tôi không cần sự cho phép của bất kỳ ai khi thực hiện vai trò của mình trong khu vực. Chúng tôi xây dựng và phát triển lực lượng tên lửa chỉ nhằm mục đích tự vệ và phạm vi hoạt động của lực lượng này được xác định xuất phát từ các mối đe dọa đối với an ninh của Iran".
Liên minh châu Âu lên tiếng phản đối bài phát biểu của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và tuyên bố vẫn tiếp tục tôn trọng Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) bởi cho tới thời điểm này không có một thỏa thuận nào có thể thay thế được Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran.
Trong khi đó hai đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực Trung Đông là Arab Saudi và Israel lên tiếng ủng hộ “Kế hoạch B” của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo. Thậm chí Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố:“Những ai muốn hòa bình thì phải chống lại Iran” [3].
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng “Kế hoạch B” của Mỹ vừa công bố chỉ là một “giấc mơ viển vông”. Robert Einhorn, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, một chuyên gia về chống phổ biến vũ khí, hiện là chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, bình luận:“Nếu Mỹ thei đuổi một thỏa thuận tốt hơn, lớn hơn JCPOA chỉ là giấc mơ viển vông”. Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về Iran của Viện Brookings, ông nhận định:“Mục tiêu thực sự của Mỹ không hẳn là một thỏa thuận lớn hơn và tốt hơn mà là gây sức ép mạnh mẽ với Iran để làm suy yếu chế độ ở Teheran”.
Theo giới phân tích, điều mà Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố là “thiết lập một liên minh toàn cầu” để gây áp lực mạnh mẽ tối đa đối với Iran, chỉ là ảo tưởng bởi những quốc gia đóng vai trò then chốt trong vấn đề hạt nhân cuaur Iran là Nga và Trung Quốc không có ý định rút khỏi JCPOA.
Nhiều nhà phân tích đã đặt ra nghi vấn về việc làm thế nào Iran, châu Âu và các nước như Triều Tiên có thể tin tưởng rằng chính quyền Mỹ có thể trở thành một đối tác đối thoại đáng tin cậy một khi họ sẵn sàng hủy bỏ các thỏa thuận đã được thiết lập và thậm chi đã từng được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc xác nhận như Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran hay Nghị quyết công nhận Jerusalem là thủ đô của Jerusalem. .
Suzanne Maloney, Phó Giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại của Viện Brookings, cho rằng bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo rõ ràng ám chỉ chiến lược nhằm thay đổi chế độ tại Iran và điều sẽ đẩy Mỹ ngày càng xa rời các đồng minh châu Âu.
Trita Parsi-Chủ tịch Hội đồng người Mỹ gốc Iran, cho rằng ý định của chính quyền Mỹ chẳng có gì tốt đẹp. Chính Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã từng phát biểu trước một nhóm bất đồng chính kiến ở Iran rằng ông ủng hộ việc lật đổ chính quyền Iran [4]./.
Tài liệu tham khảo
[1] США выдвинули ультиматум Ирану и потребовали его полной капитуляции. http://www.iarex.ru/articles/57854.html?utm_source=politobzor.nethttp://maxpark.com/community/13/content/6347465
[2] No guns blazing, Pompeo demands Iran’s unconditional surrender. https://www.timesofisrael.com/no-guns-blazing-pompeo-demands-irans-unconditional-surrender/
[3]Нетаниягу:"Тот, кто хочет мира, выступает против Ирана". https://abomus.de/ru/news/israel/352784-netaniyagu-tot-kto-hochet-mira-vystupaet-protiv-irana
[4] Mỹ với 'kế hoạch B' đối phó Iran. https://baomoi.com/my-voi-ke-hoach-b-doi-pho-iran/c/26125761.epi