Trước đó, chính phủ Ukraine đã yêu cầu mua hệ thống NASAMS bao gồm: 1 radar Sentinel AN/MPQ-64F1, một Trung tâm phân phối hỏa lực (FDC); các bệ phóng hộp container tên lửa, hệ thống thông tin liên lạc bảo mật, thiết bị thu GPS, bộ tải mã và cáp mạng; bộ dụng cụ chuyên dụng; thiết bị kiểm tra tình trạng kỹ thuật; thiết bị hỗ trợ; xe kéo; máy phát điện; tài liệu kỹ thuật; phụ tùng thay thế; Hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Mỹ và nhà thầu cùng những yếu tố liên quan khác trong hậu cần và hỗ trợ triển khai, khai thác sử dụng và huấn luyện đào tạo.
Thương vụ được đề xuất này nhằm hỗ trợ các mục tiêu trong chính sách đối ngoại và mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ bằng phương thức tăng cường an ninh của một quốc gia đối tác, được cho là động lực cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Âu.
Theo Military Leaks, đề xuất bán thiết bị và hỗ trợ này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực. Ukraine có nhu cầu cấp thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ trước những cuộc tấn công liên tục bằng tên lửa và máy bay của Nga.
Hệ thống vũ khí này khi được triển khai sẽ tăng cường khả năng bảo vệ hạ tầng cơ sở quan trọng của Ukraine. Nhà thầu chính sẽ là các công ty Raytheon Missiles and Defense, Tucson, AZ. Không có thông tin về những thỏa thuận bổ sung cho hợp đồng bán vũ khí tiềm năng này.
NASAMS, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến của Na Uy, còn được gọi là Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến quốc gia, là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn – tầm trung được phân phối trên địa hình rộng và kết nối mạng do tập đoàn Kongsberg Defense & Aerospace (KDA) và Raytheon đồng phát triển.
Hệ thống phòng không NASAMS được thiết kế để chống lại máy bay không người lái (UAV), trực thăng tấn công, tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) và máy bay cánh cứng, có thể phóng được nhiều loại tên lửa hiện có của NATO.
NASAMS là ứng dụng mặt đất đầu tiên của của tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM phóng từ bề mặt. NASAMS 2 là phiên bản nâng cấp của hệ thống, có khả năng sử dụng mạng liên kết dữ liệu chiến thuật quân sự của NATO và các quốc gia đồng minh như Ukraine Link 16, hoạt động từ năm 2007. Kể từ năm 2022, NASAMS 3 là bản nâng cấp mới nhất, được triển khai năm 2019, bổ sung khả năng phóng các tên lửa không đối không và phòng không khác như AIM-9X Sidewinder, IRIS-T SLS và AMRAAM-ER,
Ngày 1/7/ 2022, Lầu Năm Góc tuyên bố chuyển giao các hệ thống phòng không NASAMS thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 820 triệu USD cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thông báo, Canada sẽ mua NASAMS và nhiều loại vũ khí liên quan từ Mỹ để viện trợ cho Ukraine. Khoản viện trợ này trị giá 406 triệu USD. Tháng 3/2023, Na Uy tuyên bố sẽ cung cấp 2 hệ thống NASAMS khác cho Ukraine. Tháng 4/2023, Lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố, NASAMS đã phá hủy hơn 100 tên lửa và UAV của đối phương.
Theo Military Leaks