Một bản báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ mặc dù không đưa ra chứng cứ cụ thể nhưng chỉ ra bằng chứng gián tiếp cho thấy xuất hiện hoạt động cải tạo cùng nhiều hoạt động khác ở bãi thử nghiệm Lop Nur của Trung Quốc.
“Trung Quốc có khả năng đã chuẩn bị để vận hành bãi thử nghiệm Lop Nur quanh năm, việc sử dụng các buồng chứa chất nổ, các hoạt động cải tạo tăng cường ở Lop Nur và sự thiếu minh bạch trong các hoạt động thử nghiệm hạt nhân…đã làm dấy lên nhiều quan ngại liên quan tới tiêu chuẩn bằng không” – báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, được tờ Wall Street Journal dẫn lại, có đoạn.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều ký kết Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện (CTBT), hoàn tất vào năm 1996, nhưng không có nước nào phê chuẩn nó; và kết quả là thỏa thuận này không đi vào hiệu lực. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cam kết tuân thủ một số điều khoản của CTBT và Mỹ cũng tuân thủ một biên bản ghi nhớ về thử nghiệm hạt nhân.
Theo giới chuyên gia, nếu CTBT có hiệu lực, nó sẽ bao gồm cả cơ chế thanh sát thực địa ở những khu vực nghi có hoạt động thử nghiệm hạt nhân.
Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ hồi tháng 5/2019 cũng từng đưa ra cáo buộc tương tự với Nga, nhưng sau đó không được xác thực. Một số chính trị gia mang tư tưởng diều hâu còn đang thúc giục Tổng thống Donald Trump chính thức rút khỏi CTBT để Mỹ tự do thực hiện các vụ thử hạt nhân; theo hãng tin Guardian của Anh.
“Bắc Kinh đang hiện đại hóa khả năng hạt nhân trong lúc nước Mỹ đang tự trói mình bằng một hiệp ước kiểm soát vũ trang một bên” – Thượng nghị sĩ Tom Cotton viết trên Twitter – “Trung Quốc đã cho thấy rằng họ không thể làm việc với chúng ta một cách trung thực”.
Jeffrey Lewis, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nói rằng bằng chứng mà Mỹ đang có cho thấy rằng có khả năng diễn ra các vụ thử hạt nhân cấp độ thấp hoặc “các vụ thử cận tới hạn”, tức không có sự phân rã, được cho phép dưới các điều khoản của CTBT.
“Càn phải nhấn mạnh rằng chứng cứ cho các tuyên bố này là rất ít” – ông Lewis nhận định – “Mỹ, Nga và Trung Quốc đều thực hiện các vụ thử cận tới hạn…từ vệ tinh cho tới các trạm địa chất, các vụ thử cận tới hạn không thể phân biệt được với các vụ thử hạt nhân mức độ thấp”.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn đưa ra bằng chứng nói rằng Bắc Kinh thường xuyên chặn dòng chảy dữ liệu từ các bộ cảm ứng liên kết với trung tâm kiểm soát quốc tế (IMS). Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Tổ chức CTBT chuyên xác nhận việc thực thi hiệp ước này nói với Wall Street Journal rằng kể từ tháng 9/2019 đến nay, dòng chảy dữ liệu từ 5 trạm cảm ứng của Trung Quốc không bị gián đoạn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, phát biểu tại cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh hôm 16/4, nói rằng Trung Quốc cam kết tuân thủ biên bản ghi nhớ về thử nghiệm hạt nhân đồng thời thêm rằng phía Mỹ đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ.
“Trung Quốc luôn có thái độ đầy trách nhiệm, tuân thủ các cam kết quốc tế và những lời hứa mà chúng tôi đưa ra” – ông Triệu Lập Kiên nói – “Lời chỉ trích mà Mỹ đưa ra với Trung Quóc là hoàn toàn vô căn cứ, không có cơ sở”.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, những quan ngại về các hoạt động thử nghiệm của Trung Quốc càng khiến cho Tổng thống Trump muốn kéo Trung Quốc tham gia vào các vòng đàm phán về hiệp ước kiểm soát vũ trang cùng với Mỹ và Nga để thay thế cho hiệp ước New START 2010 giữa Washington và Moscow – dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
New START hạn chế Mỹ và Nga chỉ được triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và hạn chế cả số lượng các tên lửa – phóng trên đất liền hay từ tàu ngầm – cùng máy bay ném bom có khả năng mang vác chúng.
Trung Quốc – ước tính sở hữu khoảng 300 vũ khí hạt nhân – liên tục từ chối đề xuất tham gia đàm phán của ông Trump, cho rằng lực lượng hạt nhân của họ chỉ mang mục đích phòng thủ và không gây ra mối đe dọa nào.
Theo Guardian