Mỹ lo ngại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trở thành vụ “siêu lây nhiễm COVID-19”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ hôm nay (21/9) kỳ họp 76 Đại hội đồng LHQ kéo dài một tuần sẽ bắt đầu tại New York. Do đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, Mỹ đã khuyến cáo lãnh đạo các nước không nên đến dự họp.
 Kỳ họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khai mạc ngày 21/9 với khoảng 1/3 lãnh đạo các quốc gia dự họp với hình thức trực tuyến (Ảnh: Xinhua).
Kỳ họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khai mạc ngày 21/9 với khoảng 1/3 lãnh đạo các quốc gia dự họp với hình thức trực tuyến (Ảnh: Xinhua).

Tuy nhiên, bất chấp sự khuyên ngăn của chính phủ Mỹ, hơn một trăm chính khách quan trọng của các quốc gia khác nhau vẫn tới Mỹ trực tiếp tham dự cuộc họp. Vì vậy, đang làm dấy lên những lo ngại liệu kỳ họp 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có trở thành một "sự cố siêu lây nhiễm dịch COVID-19" hay không?

Chính quyền New York yêu cầu đại biểu đến họp xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine

Các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York trong tuần này để tập trung bàn các chủ đề như biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19... Bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm ngoái, các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia khác nhau đã phải tham gia cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ xa thông qua cầu truyền hình. Sau một năm, đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành khắp thế giới trong bối cảnh việc phân phối vaccine không đồng đều. Trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, lần này có khoảng một phần ba quốc gia vẫn có kế hoạch dự họp qua truyền hình, trong đó có Pháp, Trung Quốc, Indonesia, Nam Phi và một số nước khác.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tới New York tối 20/9 tham dự kỳ họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: TTXVN).

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tới New York tối 20/9 tham dự kỳ họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: TTXVN).

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (20/9) thông báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự cuộc tranh luận chung của khóa họp 76 của Đại hội đồng LHQ và có bài phát biểu quan trọng qua truyền hình. Tổng thống, Thủ tướng và Ngoại trưởng của 2/3 số quốc gia thành viên còn lại sẽ vẫn đến Mỹ để tham dự trực tiếp cuộc họp tại Phòng họp Đại hội đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới New York tối 20/9 để dự Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76. Chủ tịch sẽ có bài phát biểu tại phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào khoảng 9h ngày 22/9 (theo giờ địa phương).

Hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ vẫn cao nhất trên thế giới. Theo thống kê của Đại học Hopkins, Mỹ, tính đến ngày 20/9, số ca nhiễm mới tại Mỹ trong vòng 28 ngày là 4.291.156 với 44.898 ca tử vong. (Riêng ngày 20/9 có 86.072 ca nhiễm mới, 746 ca tử vong). Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, tổng số ca nhiễm ở Mỹ đã vượt quá 43 triệu người với 694.619 người tử vong.

Trước thực tế là dịch bệnh trên toàn cầu vẫn chưa được kiểm soát, Mỹ đang cố gắng khuyên ngăn các nhà lãnh đạo quốc gia khác đến New York để ngăn kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc biến thành một "sự cố siêu lây nhiễm". Nhưng đích thân Tổng thống Joe Biden sẽ tới phát biểu tại hội nghị. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Liên Hợp Quốc kể từ khi lên nhậm chức.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đến New York dự họp nhưng kiên quyết không tiêm chủng (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đến New York dự họp nhưng kiên quyết không tiêm chủng (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Brazil sẽ có mặt mà không tiêm phòng

Thị trưởng New York Bill de Blasio tuần trước cho biết, cách đây nửa tháng ông đã thông báo với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres rằng New York sẽ yêu cầu tất cả đại diện của các nước đến tham dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng. Ông Guterres cũng bày tỏ tán thành.

Thị trưởng De Blasio nói rằng ông hiểu rằng Liên Hợp Quốc có các quy tắc và quyền quản lý riêng của mình, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo tính nhất quán của các quy tắc tiêm chủng của thành phố New York để bảo vệ những thành quả của thành phố trong việc chống lại dịch bệnh.

Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người kiên quyết không tiêm chủng, đã tuyên bố ông sẽ đến tham dự kỳ họp và có bài phát biểu khai mạc. Vào tuần trước Bolsonaro tuyên bố rằng ông đã có được kháng thể sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và ông không cần phải tiêm vaccine.

Theo cái gọi là “chế độ danh dự” của LHQ, bất kỳ ai bước vào Hội trường LHQ tương đương với việc thông báo rằng mình đã được tiêm vaccine, nhưng không cần phải trình ra giấy chứng nhận. Trớ trêu thay, chế độ danh dự này sẽ bị phá vỡ khi ông Bolsonaro lên bục phát biểu. Theo tập quán tranh luận chung của Đại hội đồng, Tổng thống Brazil sẽ là người phát biểu đầu tiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự và phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự và phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Thật trùng hợp, Vassily Nebenzia, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, cũng bày tỏ sự không hài lòng với các yêu cầu tiêm chủng của New York. Ông phàn nàn rằng các quy định của Mỹ không công bằng và có thành kiến ​​đối với một số loại vaccine. Ví dụ, vaccine Sutnik V của Nga không được Mỹ thừa nhận.

Thị trưởng New York De Blasio phản pháo lại: "Nếu vaccine của họ không đủ tốt, họ nên sử dụng loại khác. Đó là những thứ chúng tôi đang cung cấp".

Trong tuần này Thành phố New York đã bố trí một xe tiêm chủng đậu bên ngoài tòa nhà LHQ để cung cấp xét nghiệm miễn phí và tiêm vaccine Johnson & Johnson cho các nhân viên LHQ.

"Khoảng cách vaccine" toàn cầu

Mặc dù tất cả những người nhập cảnh vào Mỹ đều phải xuất trình báo cáo kết quả xét nghiệm PCR âm tính, nhưng tình trạng thiếu vaccine ở nhiều khu vực trên thế giới đã khiến các phái đoàn từ những khu vực này đối mặt với nguy cơ sức khỏe nếu không được bảo vệ bằng vaccine. Đài truyền hình Mỹ CNN chỉ ra rằng hiện tượng này nhắc nhở mọi người rằng trong khi Mỹ và các nước lớn ở châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng, thì nhiều quốc gia nhỏ hoặc nghèo thiếu ngành công nghiệp dược phẩm vẫn không thể có được hoặc sản xuất được vaccine của riêng họ, nghiễm nhiên hình thành "Sự cách biệt vaccine". Tuần trước, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom đã chỉ ra rằng 5,7 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, nhưng 73% số vaccine này được tiêm ở 10 quốc gia và chỉ có 2% được tiêm ở châu Phi.

Bà Linda Thomas Greenfield, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, tuần trước đã bày tỏ lo ngại rằng kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể diễn biến thành một sự cố siêu lây nhiễm COVID-19. Bà kêu gọi tất cả các quốc gia "hãy đảm bảo rằng hành vi của mình sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của người dân New York và tất cả các nhân viên của Liên Hợp Quốc, cũng như không mang SARS-CoV-2 về nước".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đang xúc tiến kế hoạch toàn cầu với mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trong nửa đầu năm tới (Ảnh: AFP).

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đang xúc tiến kế hoạch toàn cầu với mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trong nửa đầu năm tới (Ảnh: AFP).

Tổng thư ký LHQ Guterres bày tỏ rằng cuộc thảo luận xung quanh "bao nhiêu nhà ngoại giao đã có kháng thể" cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng bất bình đẳng trong tiêm chủng vaccine COVID-19 hiện nay. Ông đang xúc tiến một kế hoạch toàn cầu với mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trong nửa đầu năm tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì một hội nghị ảo tại Washington vào thứ Tư (22/9) để thảo luận với các nhà lãnh đạo toàn cầu về cách thúc đẩy phân phối vaccine trên toàn cầu.

Tập trung vào khí hậu, dịch bệnh và nhân quyền

Ông Joe Biden dự kiến ​​ở lại New York khoảng 24 giờ, gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres vào thứ Hai, và phát biểu tại cuộc tranh luận chung của Đại hội đồng LHQ vào thứ Ba, ngay sau Tổng thống Brazil Bolsonaro.

Đại diện thường trực Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc Thomas Greenfield nói rằng ông Biden sẽ "nói về nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi: chấm dứt đại dịch COVID-19; ứng phó với biến đổi khí hậu ... bảo vệ nhân quyền, dân chủ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Do đại dịch COVID-19 chưa lắng xuống, các phái đoàn dự kỳ họp Liên Hợp Quốc bị hạn chế ở một số lượng người nhất định và hầu hết các hoạt động bên ngoài phòng họp sẽ được tiến hành dưới dạng ảo hoặc ảo kết hợp hiện trường.

(Theo Reuters, Bloomberg, CNN)