Hiện nay áp lực đối với các bệnh viện ở Indonesia đã được giảm; số người mong muốn tìm được huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục truyền cho người thân và bạn bè tại bệnh viện cũng giảm hẳn. Linda Lukitari Waseso, một bác sĩ của Hội Chữ thập đỏ Indonesia, cho biết huyết tương từ những bệnh nhân được chữa khỏi có thể giúp 90% số bệnh nhân đang trong tình trạng nguy cấp hồi phục.
Ngày 13/9, trên cả nước Indonesia có 2.577 ca nhiễm mới được xác nhận trong vòng một ngày đêm. Đây là điểm thấp nhất của làn sóng dịch lần này kể từ khi nó nóng lên vào giữa tháng 5. Đỉnh điểm là ngày 15/7 có tới 56.757 trường hợp được chẩn đoán. Theo thống kê đến hết ngày 13/9, Indonesia có tổng số khoảng 4.170.088 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận, 3.931.227 người đã hồi phục, 139.165 người tử vong, 99.696 người đang điều trị và 286.000 người khác nghi nhiễm.
Một bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh đang hiến máu (Ảnh: CNA). |
Vào thời kì cao điểm của làn sóng dịch bệnh lần này, không chỉ các bệnh viện quá tải mà còn có hàng dài người xếp hàng tại các trung tâm hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Indonesia (PMI), mong muốn tìm được huyết tương của những bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi để sử dụng cho người thân và bạn bè bị nhiễm bệnh.
Bác sĩ Linda Lukitari Waseso, người phụ trách bộ phận hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Indonesia, trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Trung ương Đài Loan CNA vào cuối tháng 8 đã nói rằng theo dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của các bệnh viện, các bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy cấp nếu đang điều trị bằng thuốc, đồng thời được tiêm huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục kịp thời, thì 90% có thể khỏi bệnh.
Bác sĩ Linda Lukitari Waseso, người phụ trách bộ phận hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Indonesia (Ảnh: Chinatimes). |
Bà Linda chỉ ra rằng theo các kết quả nghiên cứu lâm sàng, huyết tương của người bệnh COVID-19 đã được chữa khỏi có chứa kháng thể, sau khi được truyền vào cơ thể người mắc bệnh sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của người bệnh và giảm thời gian nằm viện cho họ.
Bà cho biết, thời điểm dịch nặng, do người dân lo lắng bị lây nhiễm bởi chủng virus đột biến Delta rất dễ lây lan, nên người hiến máu cũng không nhiệt tình. Vào thời điểm đó, Hội Chữ thập đỏ Indonesia có 48 trung tâm hiến máu ở Jakarta, có nơi có lúc có từ 300 đến 400 người cùng đến tìm kiếm và chờ nhận huyết tương thích hợp để truyền cho người thân và bạn bè. Có một số trung tâm hiến máu mở cửa suốt 24 giờ trong ngày.
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin (Ảnh: CNA). |
Tuy nhiên, bà Linda cũng chỉ ra rằng không phải bệnh nhân COVID-19 nào đã khỏi bệnh cũng đủ điều kiện hiến máu. Người hiến máu sau hai tuần hồi phục phải hết mọi triệu chứng và phải làm thủ tục xét nghiệm máu của Trung tâm hiến máu Hội Chữ Thập đỏ. Tính ra, cứ 100 người có ý định hiến máu thì chỉ có 20 người đủ tiêu chuẩn. Tính đến cuối tháng 8, Hội Chữ Thập đỏ Indonesia đã thu được khoảng 85.000 túi huyết tương trên cả nước.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Trung tâm Hiến máu Chữ Thập đỏ vào cuối tháng 8, nam công dân Indonesia Liberti Sirhan nói cha anh qua đời ngay sau khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020; vào thời điểm đó chưa có phương pháp điều trị bằng huyết tương người bệnh đã khỏi. Năm nay anh được biết một số bạn bè và đồng nghiệp sau khi bị nhiễm COVID-19 đã được điều trị bằng huyết tương của người bệnh đã khỏi và hồi phục suôn sẻ, nên sau khi bản thân khỏi bệnh anh cũng muốn hiến máu của mình.
Liberdi Sirhan cho biết đây là lần hiến máu thứ 3 của anh kể từ sau khi khỏi bệnh. Khi anh đến hiến máu 2 lần trước, dịch vẫn đang ở mức đỉnh điểm, trung tâm hiến máu chật cứng người chờ lấy huyết tương. Lúc đó khi anh còn chưa hiến máu, máu của anh đã được dự kiến truyền cho những người phù hợp. Lần này anh đến hiến thì chưa có người nào đặt trước, máu của anh sẽ do Hội Chữ Thập đỏ cung cấp để bệnh viện sử dụng.
Indonesia sử dụng thành công liệu pháp huyết tương trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng (Video: CNA).
Shagova Maulana, một sinh viên đại học Jakarta kể anh đã mắc COVID-19 vào tháng 6 năm nay và rất may mắn chỉ bị bệnh nhẹ, anh đã dần hồi phục sau khi đi điều trị và phục hồi sức khỏe tại nhà. Anh xem thông tin qua báo chí và được biết nhiều người nhà của những người mắc bệnh đang cần huyết tương gấp nên đã đến đây hiến máu, hy vọng sẽ giúp được những người cần cứu sống.
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết dịch bệnh ở Indonesia hiện đã ổn định và đang diễn biến chậm lại. Số ca nhiễm mới được chẩn đoán trong một ngày đã duy trì ở mức dưới 5.000 ca và số ca tử vong trong một ngày đã giảm từ mức cao nhất 2.000 ca thời kì cao điểm xuống còn khoảng 200 ca những ngày gần đây. Tuy nhiên, ông nói chính phủ cần phải thực hiện kiểm soát tốt biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng đột biến khác như Lambda, Mu và chủng đột biến C.1.2.
Theo CNA