Người ta đã chứng kiến rất nhiều lần mong muốn thay đổi chế độ và gia tăng các hành động can thiệp quân sự là một sự đầu tư thất bại của Mỹ. Sau nhiều năm Mỹ chiếm đóng Afghanistan, Iraq và Libya, tại những nước này không có gì được gọi là ổn định và thịnh vượng. Việc kéo dài các hành động can thiệp quân sự khiến Mỹ phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD với 7.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và nhiều triệu dân thường bị chết với lý do an ninh quốc gia.
Thực tế, một chiến lược khôn ngoan đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc những cái giá phải trả trong quá khứ cùng những lợi ích đạt được trước khi quyết định thực hiện các chiến dịch trong tương lai.
Vào tháng này, chính quyền của tổng thống Donald Trump đã tự đưa mình vào một chiến dịch vô thời hạn của việc kiến thiết quốc gia (nỗ lực kiến thiết các nhà nước theo mô hình dân chủ tự do của Mỹ ở nước ngoài) tại khu vực Mỹ kiểm soát ở đông bắc Syria. Khiến nhiều người phải e ngại vì không thể xác định được kết cục những hành động của Mỹ ở trong khu vực.
Mỹ đã sa lầy vào cuộc chiến tại Afghanistan trong nhiều thập kỷ.
Tại Afghanistan, một chiến dịch khiêm tốn và hạn chế ban đầu để loại trừ ảnh hưởng của al-Qaeda đã chuyển thành nỗ lực viển vông để tái thiết lại một đất nước đang tan nát sau hàng thập kỷ nội chiến. Nỗ lực của Mỹ để rập khuôn một đất nước có quyền lực tập trung vào chính phủ ở một nơi có lịch sử lâu đời trong việc tự trị và thừa kế quyền lực sẽ rất khó có cơ hội thành công. Hiện tại, sau 17 năm đối mặt những vụ đánh bom liên tiếp tại trung tâm thủ đô Kabul và số lượng kỷ lục các tỉnh, quận huyện của Afghanistan đang nằm dưới sự kiểm soát của Taliban hoặc đang bị tấn công, rõ ràng chiến dịch thay đổi chế độ đầu tiên của Mỹ sau vụ 11.09 đã phá sản.
Chiến dịch Đất nước Iraq tự do cũng chứng minh sự thất bại. Gạt bỏ những thông tin tình báo không chính xác và ý tưởng mở rộng dân chủ sẽ có thể thực hiện và đồng thời bảo vệ nước Mỹ, sự chiếm đóng của Mỹ là một thảm họa. Hơn 4.500 lính Mỹ bị giết trong các cuộc nổi dậy, hàng trăm nghìn thường dân bỏ mạng trong cuộc nội chiến và chính phủ của người Shia được dựng lên từ đống tro tàn đã nuôi nấng mầm mống IS. Sự phát triển của những hậu quả không thể dự tính vẫn đang tiếp tục với chiến dịch quân sự của Mỹ tại đất nước này.
Bài học về việc "thay đổi chế độ" chưa bao giờ là một vấn đề được cân nhắc thận trọng. Những nhân vật xuất chúng đã ủng hộ cuộc xâm lược Iraq bao gồm cả lãnh tụ thiểu số đảng Dân chủ Thượng nghị sĩ Chuck Schumer. Nhóm lãnh đạo diều hâu Mỹ đã ra lệnh thực hành bài học "thay đổi chế độ" lần thứ 3 của Mỹ tại Libya. Tại đây, chiến dịch được thực hiện âm thầm với danh nghĩa can thiệp nhân đội và ngay lập tức đã hất cẳng chính phủ Gaddafi.
Chính quyền ông Obama đã can thiệp vào Libya để hất cẳng ông Gaddafi.
Do không suy tính trước, đất nước Libya bị rạn nứt như tình trạng hiện tại: bạo lực, bất ổn do nội chiến và là nam châm cho những thành phần Hồi giáo cực đoan. Sự chia rẽ giữa các nhóm dân quân đối nghịch với chính phủ và hậu quả đã lan tỏa từ đất nước Libya bất ổn sang thành các cuộc xung đột ở các nước khác như Mali và Niger. Mỹ và các đồng minh vẫn đang phải vật lộn với mớ hỗn độn này.
Tiếp theo là sự thật nghiệt ngã về vị thế của Mỹ tại Syria. Dù người Mỹ muốn lật đổ như thế nào, tổng thống Syria Bashar al-Assad về cơ bản đã chiến thắng cuộc nội chiến và đảm bảo cho chế độ của mình trụ vững. Ông Assad có đồng minh Nga và Iran giúp cho ông có một kết quả tốt đẹp. Còn Mỹ và đồng minh dân quân người Kurd chỉ giữ một phần vùng đông bắc Syria và tạm thời bị kẹt trong thế bế tắc dọc sông Euphrates, đang nhìn chằm chằm vào người Nga, người Iran và quân đội của chính phủ Syria. Không cần nhiều để châm ngòi cho một cuộc xung đột thảm khốc.
Lính Mỹ đang hiện diện quân sự trái phép tại Syria.
Để thêm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, hiện Mỹ đang phải đối mặt với kẻ thù của người Kurd - Thổ Nhĩ Kỳ đang tấn công vào sườn bên tây bắc của Syria. Thực tế, đồng minh NATO của Mỹ đã cứng rắn cảnh báo Mỹ phải tránh xa con đường hành quân của Thổ Nhĩ Kỳ.
Và có rất nhiều vấn đề trong việc chiếm đóng quân sự tại vùng đất nằm lọt trong vùng đông bắc Syria. Mặc dù, IS về cơ bản đã bị tiêu diệt nhưng ý tưởng về một đất nước Hồi giáo vẫn đang tồn tại. Hơn nữa, quân đội Mỹ càng ở lâu sẽ càng phát sinh ra nhiều vấn đề. Điều tương tự đã từng xảy ra trong lịch sử, Mỹ ở lại sẽ là nguyên nhân nổ ra các cuộc nổi dậy tại địa phương hay có nguồn cảm hứng từ IS đặc biệt là ở những khu vực có nhiều người Sunni.
Lính Mỹ tại Iraq.
Hơn nữa, dù quân đội Mỹ có ý định cung cấp những trợ giúp cơ bản về cơ sở hạ tầng tại địa phương và các quan chức tuyên bố dứt khoát rằng họ có ý định "tránh những hoạt động tái thiết đất nước lớn" nhưng bài học Iraq vẫn còn đó. Quân đội Mỹ vẫn đóng vai trò chính về an ninh trong khu vực trông chờ người dân địa phương tới yêu cầu giúp đỡ. Dù điều gì xảy ra tại đông bắc Syria Mỹ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm: không có điện, thiếu thức ăn, nước uống... Việc hứa hẹn quá nhiều mà không có thành quả sẽ khiến dân địa phương nản chí. Những cuộc nổi dậy đã không còn xa. Đây chính là cái bẫy ở Syria.
Đó cũng là thời điểm để Mỹ ra những quyết định khó khăn và phân tích tình hình thực tế. Quân đội Mỹ đã hoàn thành tất cả những gì họ có thể làm tại Syria. Đây là thời điểm để bỏ ý định ngăn chặn Iran, thúc đẩy biện pháp ngoại giao tại Geneva và lặng lẽ tái thiết vùng đông bắc Syria. Mỹ có thể muốn tất cả những điều đó nhưng không có lợi ích nào về mặt an ninh quốc gia xứng đáng để đầu tư quân sự lớn vào Syria. Chủ nghĩa thực dụng đòi hỏi Mỹ phải cân nhắc đưa ra những cam kết với cái giá hợp lý.
Mỗi một tình huống đều khác nhau nhưng ba bài học về "thay đổi chế độ" là hướng dẫn cho tương lai, Washington cần nghiêm túc quyết định thực hiện những mục tiêu nhỏ nhất và tránh cái giá phải trả khi sa lầy vào Syria. Điều này sẽ không dễ chịu nhưng nó sẽ giúp Mỹ tránh được một thảm bại khác.