Mỹ lên kế hoạch “che trời” cứu Trái Đất

Các chuyên gia đến từ Đại học Harvard và Đại học Yale, Mỹ mới đây đã đề xuất một kế hoạch vô cùng táo bạo "che lấp Mặt Trời để giảm nhiệt cho Trái Đất".
hình minh họa

Dự án được gọi là thí nghiệm gây nhiễu có kiểm soát tầng bình lưu (SCoPEx), sẽ dùng 3 triệu USD để thử nghiệm mô hình bằng cách phóng một quả bóng bay có thể di chuyển lên độ cao 20km ở phía Tây Nam Hoa Kỳ. Một khi quả bóng được đặt đúng chỗ, nó sẽ giải phóng các hạt canxi cacbonat nhỏ. Sớm nhất là vào mùa Xuân năm 2019, kế hoạch sẽ được triển khai.

Cơ sở của thí nghiệm này là từ nghiên cứu ảnh hưởng của các vụ phun trào núi lửa lớn, gây tác động đến nhiệt độ của hành tinh xanh. Năm 1991, núi lửa Pinatubo ở Philippines đã phun trào, giải phóng 20 triệu tấn lưu huỳnh điôxit vào tầng bình lưu. Lưu huỳnh điôxít tạo ra một tấm chăn xung quanh tầng bình lưu của Trái đất, làm mát toàn bộ hành tinh xuống 0,5°C trong khoảng một năm rưỡi.

Theo các chuyên gia, kế hoạch này có thể dẫn tới các nguy cơ tiềm ẩn tác động tới mưa, tầng ozone và sự phát triển của thảm thực vật trên Trái Đất nhưng ở một mặt nào đó, nó sẽ đem lại lợi ích vô cùng to lớn đối với việc làm giảm nền nhiệt trên hành tinh của chúng ta hiện nay.

Mặc dù các tác động tiêu cực tiềm ẩn không được mô tả đầy đủ, nhưng khả năng kiểm soát nhiệt độ Trái đất bằng cách phun các hạt nhỏ vào tầng bình lưu là một giải pháp hấp dẫn bởi chi phí thực hiện. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) gần đây đã ước tính rằng, việc liên tục giải phóng các hạt vào tầng bình lưu có thể bù đắp 1,5°C sự nóng lên với chí phí chỉ từ 1 - 10 tỷ USD/năm.

Khi so sánh các chi phí này với việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc hấp thụ carbon toàn cầu, phương pháp này trở nên rất hấp dẫn. Do đó, các nhà khoa học, cơ quan chính phủ và các nhà tài trợ độc lập của công nghệ này phải cân bằng giữa tính hiệu quả và không tốn kém của phương pháp này với các rủi ro tiềm ẩn đối với cây trồng toàn cầu, điều kiện thời tiết và hạn hán. Cuối cùng, cách duy nhất để mô tả đầy đủ các rủi ro là các thí nghiệm trong thế giới thực, giống như nhóm Harvard đang bắt tay vào thực hiện.

Theo Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

http://www.sohuutritue.net.vn/my-len-ke-hoach-che-troi-cuu-trai-dat-d41837.html

Theo Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo