|
Bà Thái Anh Văn nhấn nút khởi công đóng chiếc tàu ngầm đầu tiên của Đài Loan tại nhà máy đóng tàu Cao Hùng hôm 24/11 (Ảnh: Dwnews). |
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 25/11, với sự có mặt của ông Brent Christensen, Giám đốc Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã chủ trì "Lễ khởi công đóng tàu ngầm quốc gia" tại nhà máy Cao Hùng của Tập đoàn đóng tàu quốc tế Đài Loan. Bà nhấn nút khởi động, máy uốn cuộn tấm thép đầu tiên thành hình, tượng trưng cho việc đóng tàu ngầm đã chính thức bước vào giai đoạn thi công. Chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho Hải quân Đài Loan vào năm 2025.
Bà Thái Anh Văn phát biểu tại lễ khởi công nói: “Tàu ngầm là một trang bị quan trọng để Hải quân Đài Loan phát triển sức mạnh tác chiến phi đối xứng và răn đe tàu đối phương bao vây Đài Loan. Giờ đây, với việc Đài Loan triển khai dự án tự chế tạo tàu ngầm trang bị cho quân đội trong tương lai, nhất định thế giới sẽ thấy được Đài Loan kiên quyết bảo vệ chủ quyền”.
|
Bà Thái Anh Văn từ khi lên nắm quyền rất quan tâm đến việc tự đóng tàu ngầm trang bị cho hải quân Đài Loan. Trong ảnh: bà Thái Anh Văn xuống thăm tàu ngầm năm 2017 (Ảnh: Reuters). |
Sau khi được bầu làm người lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, bà Thái Anh Văn đã không công nhận “nguyên tắc một Trung Quốc” và “sự đồng thuận năm 1992”, dẫn đến quan hệ hai bờ eo biển nhanh chóng xấu đi. Vào thời điểm quan hệ Trung-Mỹ liên tục căng thẳng, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã tăng cường ủng hộ Đài Loan, khiến Bắc Kinh tức giận, thậm chí còn xuất hiện tin tức nói rằng Trung Quốc Đại lục đang lập một bản "danh sách những phần tử ngoan cố chủ trương Đài Loan độc lập".
Được biết, một tàu ngầm mô hình đã được đặt tại nhà máy Cao Hùng, nơi chịu trách nhiệm chế tạo con tàu ngày hôm đó. Nó được cho là nguyên mẫu của chiếc tàu ngầm đầu tiên được chế tạo, nhưng đuôi bánh lái sử dụng hình chữ thập truyền thống chứ không phải đuôi hình chữ X như trong mô hình ra mắt vào tháng 5 năm 2019. Không có ngư lôi hoặc các cửa sập phóng vũ khí nào được nhìn thấy trên con tàu mẫu này, không rõ liệu con tàu nguyên mẫu có phải chỉ được sử dụng để thử nghiệm hay không.
|
Giám đốc Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (phải) tham dự lễ khởi công đóng tàu ngầm của Đài Loan khiến Bắc Kinh tức giận (Ảnh: Dwnews). |
Về các hệ thống như hệ thống chiến đấu, động cơ diesel, ngư lôi, tên lửa được đồn đoán là Đài Loan không thể tự sản xuất, có tin vẫn chưa nhận được sự chấp thuận cho xuất khẩu của Mỹ; nhưng phía hải quân Đài Loan tiết lộ rằng phía Mỹ đã bật đèn xanh và sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ đóng tàu.
Điều đáng chú ý là có nhiều vị khách đã đến tham dự lễ khởi công trong đó có Giám đốc AIT tại Đài Bắc Brent Christensen và các đại diện nhà máy gốc nước ngoài. Đối với lễ khởi công hôm nay, hãng đóng tàu Đài Loan đã làm riêng một mẫu khẩu trang kỷ niệm đặc biệt in hình chiếc tàu ngầm, tất cả những người có mặt đều đeo nó, trong đó bao gồm bà Thái Anh Văn và ông Brent Christensen.
Theo trang weibo chính thức của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 25/11, khi một phóng viên hỏi về vấn đề này, bà Chu Phượng Liên, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã trả lời: “Chính quyền Đảng Dân Tiến (DPP) mưu đồ đối đầu vũ trang và đòi độc lập bằng vũ lực. Họ chắc chắn sẽ thất bại. Họ càng làm nhiều việc hơn thì ngày tự diệt vong càng đến gần!”.
|
Trang weibo của CCTV đăng tải tuyên bố của bà Chu Phượng Liên với lời lẽ đe dọa Đài Loan (Ảnh: Guancha). |
Trang tin Guancha của Trung Quốc ngày 25/11 đưa tin, có thông tin cho rằng năm 2017, nhà chức trách Đài Loan đã phê duyệt kế hoạch "tự đóng tàu ngầm" với tổng vốn đầu tư 400 tỷ Đài tệ (khoảng 89,1 tỷ NDT). Theo kế hoạch của Đài Loan, quân đội Đài Loan dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn thiết kế vào năm 2019, xây dựng nhà xưởng vào tháng 5 năm 2019, bắt đầu đóng tàu ngầm vào năm 2020, hạ thủy chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 2024 và "hình thành sức mạnh chiến đấu" vào năm 2025.
Báo này viết, ngày 24/11, nhà lãnh đạo khu vực Đài Loan Thái Anh Văn và các quan chức của Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan đã đến nhà máy đóng tàu Cao Hùng của Công ty đóng tàu quốc tế Đài Loan để chủ trì lễ khởi công “tự đóng tàu ngầm” của Đài Loan. Bà Thái Anh Văn nói rằng, cho đến nay vẫn có người nghi ngờ liệu dự án "tự đóng tàu ngầm" có thể thành công hay không, việc khởi công hôm nay chứng tỏ thành quả thực tế và là sự khởi đầu "đập tan tin đồn".
Guancha viết, trên thực tế, dự án “tự đóng tàu ngầm” của Đài Loan đã nhiều lần gặp trắc trở. Trong thời kỳ đầu của dự án, các nhà chức trách Đài Loan đầu tiên đàm phán với Hà Lan về bằng sáng chế vỏ tàu ngầm nhưng không thành, họ dự định mua tàu ngầm niêm phong từ Nhật Bản cũng không xong. Sau lại có tin cố vấn kỹ thuật là một "công ty ma" có trụ sở tại Gibraltar, bị nghi ngờ có liên quan đến vụ tham nhũng mua bán vũ khí "Lafayette".
Bị giới hạn bởi công nghệ quân sự và các yếu tố khác, nếu Đài Loan muốn tự chế tạo các tàu ngầm hiện đại, họ cũng cần nhập khẩu các vũ khí và trang thiết bị hiện đại.
Vào ngày trước khi khởi công (tức là ngày 23/11), Hải quân Đài Loan tuyên bố các "hệ thống sonar kỹ thuật số" và "hệ thống vũ khí trên tàu ngầm" cần thiết cho việc chế tạo tàu ngầm đã được Mỹ cấp giấy phép xuất khẩu: "Sẽ không ảnh hưởng đến việc đóng tàu của Đài Loan theo đúng tiến độ".
|
Ông Brent Christensen, Giám đốc Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (giữa) năm 2019 từng cùng các nhân viên xuống thăm tàu khu trục của hải quân Đài Loan ở Cơ Long khiến Trung Quốc rất tức giận (Ảnh: AIT). |
Guancha viết, về việc chính quyền của bà Thái Anh Văn thúc đẩy "tự đóng tàu ngầm", ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện, từng chỉ ra rằng, việc Đài Loan phát triển một số vũ khí tấn công để hộ tống đường lối chính trị sai lầm của họ chỉ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên eo biển và gia tăng sự đối kháng giữa hai bên bờ eo biển, không có lợi cho sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội của Đài Loan.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nhấn mạnh, “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào bán vũ khí cho Đài Loan và bất kỳ quốc gia nào có quan hệ quân sự với Đài Loan dưới mọi hình thức; quan điểm này là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc kêu gọi Mỹ và các nước có liên quan hãy nhận thức đầy đủ tính nhạy cảm và tác hại của vấn đề này, nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc; không cho phép các doanh nghiệp liên quan tham gia vào dự án “chế tạo tàu ngầm quốc gia” của Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào; dừng ngay mọi hình thức quan hệ quân sự với Đài Loan; xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan thận trọng và đúng mực để không làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương với Trung Quốc cũng như hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.
Được biết, hiện nay hải quân Đài Loan có hạm đội tàu ngầm 4 chiếc mua của Italy và Mỹ, tất cả đều là tàu chạy bằng động cơ thường, công nghệ đã lạc hậu. Theo Dự án tự đóng tàu ngầm này, với sự hỗ trợ của Mỹ, Đài Loan sẽ tự đóng 8 tàu ngầm, được trang bị công nghệ và vũ khí hiện đại.