Mỹ đưa ra “tối hậu thư” về Kênh đào Panama cho Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người đứng đầu Lầu Năm Góc đã công bố một loạt "bước đi táo bạo" để "bảo vệ" tuyến đường thủy quan trọng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu trong chuyến thăm Panama hôm 8/4. Ảnh: Getty.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu trong chuyến thăm Panama hôm 8/4. Ảnh: Getty.

Mỹ đã cam kết sẽ "lấy lại" Kênh đào Panama khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và đã triển khai một loạt các hoạt động quân sự và tập trận chung với Panama để củng cố cam kết đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc đã tham dự lễ khánh thành một bến tàu mới do Mỹ tài trợ tại Căn cứ Hải quân Vasco Nunez de Balboa trong hôm 8/4, coi cơ sở này là biểu tượng của "cam kết chung về an ninh của kênh đào", sau những lời đe dọa liên tục của Tổng thống Donald Trump về việc "đòi lại" tuyến đường thủy quan trọng này.

"Trung Quốc không xây dựng kênh đào này. Trung Quốc không vận hành kênh đào này. Và Trung Quốc sẽ không thể biến kênh đào này thành vũ khí", ông Hegseth tuyên bố trong bài phát biểu của mình. "Cùng nhau, chúng ta sẽ lấy lại Kênh đào Panama khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Và chúng ta sẽ làm điều này cùng với các đồng minh và đối tác có năng lực và cùng chí hướng khác. Đây chính là hình ảnh của hòa bình thông qua sức mạnh".

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ đã từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự để kiểm soát kênh đào, tuyên bố rằng mọi lựa chọn đều được cân nhắc để bảo vệ lợi ích "an ninh quốc gia". Tháng trước, ông Trump đã chỉ đạo Lầu Năm Góc "cung cấp các lựa chọn quân sự đáng tin cậy để đảm bảo quyền tiếp cận thương mại và quân sự công bằng và không bị hạn chế của Mỹ".

Ông Hegseth xác nhận rằng nhiều tàu của Hải quân Mỹ, tài sản của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và máy bay đã được triển khai trong và xung quanh Panama như một phần của "những bước đi táo bạo đầu tiên nhằm khôi phục mối quan hệ quốc phòng và an ninh giữa hai quốc gia".

“Trong lúc chúng ta nói chuyện, các đơn vị quân đội Mỹ đang tham gia vào các cuộc tập trận chung, lập kế hoạch và các hình thức hợp tác khác với các đối tác Panama ở cả hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của kênh đào”, Bộ trưởng Hegseth tuyên bố.

Trong số các tài sản quân sự của Mỹ hiện đang hoạt động tại Panama có các tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chosin và USS Normandy, cũng như USCGC Kimball, một tàu tuần tra có sức bền cao của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ. Ngoài ra, Thủy quân Lục chiến Mỹ và máy bay của Hải quân đang tham gia vào các cuộc tập trận song phương nhằm tăng cường phối hợp trên không và trên biển.

Ông Hegseth nhắc lại cảnh báo của Washington về "các mối đe dọa đang diễn ra" do Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng xung quanh và cáo buộc Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy kinh tế để thu thập thông tin tình báo. Ông tuyên bố "Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc tiếp tục kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực kênh đào. Điều đó mang lại cho Trung Quốc tiềm năng tiến hành các hoạt động giám sát trên khắp Panama".

Các quan chức Panama trước đây đã bác bỏ những lời khẳng định và đe dọa của ông Trump, trong khi Cơ quan quản lý kênh đào Panama vẫn khẳng định rằng kênh đào này chỉ do người Panama điều hành, không có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố về quyền kiểm soát của Trung Quốc. Tổng thống José Raúl Mulino đã tuyên bố rằng kênh đào này là một phần "di sản bất khả xâm phạm" của Panama và nhấn mạnh rằng nước này vẫn duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các hoạt động của mình.

Tuy nhiên, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đích thân chuyển “tối hậu thư” của ông Trump tới Panama vào tháng 2, ông Mulino đã nhượng bộ Washington bằng cách từ chối gia hạn các thỏa thuận năm 2017 của nước này với Trung Quốc theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.