Mỹ đóng cửa sứ quán, hủy tài liệu; Duma Quốc gia Nga xem xét công nhận các nước ly khai Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình ở Ukraine hiện đang xấu đi nhanh chóng: Mỹ tuyên bố đóng cửa đại sứ quán ở Kiev và tiêu hủy các tài liệu liên quan, Duma Quốc gia Nga xem xét dự luật công nhận các nước cộng hòa tự trị ly khai Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán tại Kiev (Ảnh: AP).
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán tại Kiev (Ảnh: AP).

Theo báo Mỹ The Hill, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/2 (giờ Washington) tuyên bố, trước mối đe dọa từ việc Nga xâm lược Ukraine, Mỹ đã đóng cửa đại sứ quán tại thủ đô Kiev và chỉ thị cho các nhân viên công tác của đại sứ quán còn lại chuyển đến Lviv, một thành phố ở miền tây Ukraine.

Theo bản ghi các cuộc điện thoại giữa chính quyền Joe Biden và Quốc hội, đây là một phần của thỏa thuận về bảo vệ thông tin nhạy cảm, việc đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Kiev bao gồm việc tiêu hủy một số giấy tờ nhập cảnh và văn kiện về việc đi lại. Các tài liệu bị tiêu hủy bao gồm thẻ xanh và các tài liệu hộ chiếu chưa được xử lý.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong một cuộc họp báo ngày 14/2 rằng ông không thể cung cấp chi tiết về việc tiêu hủy tài liệu tại đại sứ quán Mỹ ở Kiev, nhưng cho biết không có hộ chiếu hợp lệ nào bị tiêu hủy.

Price nói: “Chúng tôi có một bộ quy trình tiêu chuẩn, ngay sau khi chúng tôi bắt đầu sơ tán đại sứ quán, chúng tôi bắt đầu hành động. Các hành động thận trọng sẽ được áp dụng đối với các tài liệu nhạy cảm và thiết bị nhạy cảm, nhưng không thể cung cấp toàn bộ chi tiết."

Ông Price cho biết đại sứ quán Mỹ ở Kiev đang được lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine canh gác và các nhà ngoại giao Mỹ cuối cùng cũng sẽ quay trở lại đại sứ quán ở Kiev.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký sắc lệnh lấy ngày 16/2 là "Ngày đoàn kết quốc dân" (Ảnh: AP).

Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký sắc lệnh lấy ngày 16/2 là "Ngày đoàn kết quốc dân" (Ảnh: AP).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14/2 nói, ông quyết định lấy ngày 16/2 là “Ngày đoàn kết quốc dân”, kêu gọi treo quốc kỳ trên các tòa nhà trên cả nước để thể hiện tình đoàn kết.

Zelensky nói rằng ông đã được thông báo rằng Ukraine sẽ bị xâm lược vào ngày 16/2, vì vậy ông đã ký sắc lệnh chỉ định ngày đó là "Ngày đoàn kết quốc dân". Theo sắc lệnh do Phủ Tổng thống công bố, tất cả các thị trấn và thành phố sẽ treo cờ Ukraine vào ngày hôm đó, và người dân sẽ hát quốc ca lúc 10 giờ sáng cùng ngày.

Hãng tin AP trước đó dẫn thông tin tình báo Mỹ cho biết Nga sẽ tiến hành một cuộc xâm lược vào ngày 16/2 tới. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14/2 cho biết họ sẽ không bình luận về ngày giờ chính xác, nhưng nhấn mạnh rằng một cuộc xâm lược của Nga sắp xảy ra. Nga có thể xâm lược mà không cần báo trước.

Nga đã tập kết hơn 100.000 quân ở biên giới với Ukraine, các quan chức Nga và các nước NATO đã tham gia vào các cuộc tiếp xúc ngoại giao trong nhiều tuần qua, nhưng các cuộc đàm phán không mang lại đột phá thực sự.

Dân chúng Ukraine đang được huấn luyện quân sự để đề phòng Nga tấn công. Trong ảnh, một người dân Kiev tập sử dụng bom xăng (Ảnh: AP).

Dân chúng Ukraine đang được huấn luyện quân sự để đề phòng Nga tấn công. Trong ảnh, một người dân Kiev tập sử dụng bom xăng (Ảnh: AP).

Mặt khác, ông Zelensky ngày 14/2 cũng nhắc lại rằng mục tiêu của Ukraine vẫn là gia nhập NATO, nói rằng việc này có thể đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Zelensky nói “nhiều nhà báo và nhà lãnh đạo đã gợi ý rằng Ukraine không thể mạo hiểm, nhưng Ukraine cần đi theo con đường mà mình đã chọn”.

Quốc hội Ukraine cuối năm 2014 đã thông qua một tu chính án để từ bỏ địa vị không liên kết của Ukraine. Vào tháng 2/2019, Quốc hội Ukraine lại thông qua việc sửa đổi hiến pháp, xác lập phương châm gia nhập Liên minh châu Âu và NATO.

Trong khi đó Duma Quốc gia Nga (Hạ nghị viện) ngày 15/2 sẽ xem xét hai dự luật yêu cầu Tổng thống Putin công nhận nền độc lập của hai nước “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” và “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng ở phía đông Ukraine - vấn đề quyền tự trị ở miền đông Ukraine đã bị vướng mắc trong nhiều năm.

Khu vực hai nước cộng hòa Lugansk và Donetsk tự xưng nằm ở miền đông Ukraine trở thành vùng đệm giữa Ukraine và Nga (Ảnh: Cunman).

Khu vực hai nước cộng hòa Lugansk và Donetsk tự xưng nằm ở miền đông Ukraine trở thành vùng đệm giữa Ukraine và Nga (Ảnh: Cunman).

Trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 15/2 dẫn lời Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Viktorovich Volodin nói rằng các nhà lập pháp Nga sẽ xem xét hai phiên bản của dự luật: thứ nhất là trực tiếp yêu cầu Tổng thống Putin công nhận quy chế độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk; thứ hai là xin Bộ Ngoại giao và các bộ khác cho ý kiến ​​trước về vấn đề này.

Nếu Moscow công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa ly khai khỏi Ukraine nêu trên, đồng nghĩa với việc tiến trình hòa bình Minsk mà Nga và Ukraine đạt được sẽ bị phế bỏ, một số nhà phân tích bày tỏ hoài nghi liệu ông Putin có muốn đi đến bước này hay không.

Đại sứ Ukraine tại Anh, Vadym Prystaiko, chỉ ra rằng những nhượng bộ mà Kiev có thể đưa ra đối với căng thẳng Nga-Ukraine hiện nay chỉ giới hạn trong các điều khoản được liệt kê trong Thỏa thuận Minsk, bao gồm việc công nhận một số vị thế đặc biệt ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine, phù hợp việc giải quyết chính trị cuối cùng khi an ninh và các điều kiện khác được đáp ứng.

Thành phố Donetsk ở đông Ukraine hiện do lực lượng ly khai kiểm soát Ảnh: Getty).

Thành phố Donetsk ở đông Ukraine hiện do lực lượng ly khai kiểm soát Ảnh: Getty).

Nhà lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng, ông Denis Pushilin tuyên bố, quân chính phủ Ukraine hiện đã nhanh chóng huy động các vũ khí trang bị do các nước phương Tây cung cấp tới triển khai ở khu vực do Kiev kiểm soát ở Donbass, gần với tuyến tiếp xúc giữa hai bên. Ông mô tả tình hình chung ở đây hiện “rất không ổn định”.