Nóng: Đại sứ Ukraine tại Anh hé mở lối thoát cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine? Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh Vadym Prystaiko miễn cưỡng đưa ra một lối thoát: Ukraine "có thể" cân nhắc từ bỏ việc gia nhập liên minh NATO.
Việc xin gia nhập NATO đã được đưa vào hiến pháp Ukraine và trở thành nút thắt trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Trong ảnh: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Zelensky (Ảnh: Getty).
Việc xin gia nhập NATO đã được đưa vào hiến pháp Ukraine và trở thành nút thắt trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Trong ảnh: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Zelensky (Ảnh: Getty).

Theo tin của các cơ quan truyền thông Nga Russia Today (RT)Sputnik ngày 14/2, ông Vadym Prystaiko đã nhận lời trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Kênh 5 Hãng truyền hình Anh (BBC) phát trực tiếp vào ngày 13/2 theo giờ địa phương (14/2 theo giờ Hà Nội). Khi được người phỏng vấn hỏi liệu Ukraine có "cân nhắc việc không gia nhập NATO" để tránh xảy ra chiến tranh hay không, ông Prystaiko đã không phủ nhận giả thuyết này.

“Chúng tôi có thể… (We might…) ông biết đấy, đặc biệt là trong tình hình bị đe dọa như vậy, bị tống tiền như vậy và bị dồn ép vào tình thế không thể khác”. Prystaiko tiếp tục đề cập rằng một số đại diện của khối quân sự (NATO) dường như cũng đồng ý với cách tiếp cận này: "Ông biết đấy, đôi khi chúng tôi nghe thấy một số tiếng nói từ NATO, những người này ... có thể ...cũng thực sự ..."

Ông Vadym Prystaiko đang trả lời phỏng vấn kênh 5 Đài BBC (Ảnh: ES).

Ông Vadym Prystaiko đang trả lời phỏng vấn kênh 5 Đài BBC (Ảnh: ES).

Sau khi tạm dừng giây lát, ông Prystaiko tiếp tục nói, Ukraine, không giống như một số quốc gia khác có biên giới với Nga, không thuộc bất kỳ liên minh quân sự nào. Do đó, nếu một cuộc khủng hoảng như hiện nay leo thang thành xung đột quân sự, Kiev sẽ buộc phải đối phó với nó một mình.

"Chúng tôi một lần nữa sẽ không được bất kỳ quốc gia nào hay bất kỳ người bạn nào bảo vệ, chúng tôi không phải là thành viên của bất kỳ liên minh nào trong khi tất cả các nước láng giềng của chúng tôi đã tham gia tổ chức này (NATO)."

Rõ ràng, nhà ngoại giao này nhận thức rõ sức ép to lớn mà Ukraine đang phải chịu đối với "giấc mơ NATO", nhưng ông vẫn kiên quyết bảo vệ cho việc Ukraine trở thành thành viên NATO.

Ông Prystaiko nói rằng Ba Lan, Slovakia, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã trở thành thành viên NATO, điều này không làm thay đổi môi trường an ninh ở Nga. Như vậy, ngay cả khi Ukraine "gia nhập" NATO, an ninh của Nga cũng không bị ảnh hưởng.

RT đưa tin về vụ việc.

RT đưa tin về vụ việc.

Khi nghe ông Vadym Prystaiko nói Ukraine có thể từ bỏ việc gia nhập NATO, để "đề phòng sai sót phiên dịch", người dẫn chương trình BBC vội vàng yêu cầu vị đại sứ này nói rõ lập trường của mình và lặp lại câu hỏi trước đó.

Prystaiko cũng nhắc lại rằng Kiev "có thể" xem xét lại lựa chọn gia nhập NATO.

Nhưng lần này, ông cũng thừa nhận rằng ông nói như thế có vẻ "hơi vi phạm" hiến pháp Ukraine: "Những gì tôi đang cố gắng truyền đạt là chúng tôi linh hoạt và cố gắng tìm ra lối thoát tốt nhất. Nếu chúng tôi buộc phải đưa ra một số nhượng bộ lớn, thì có lẽ chúng tôi sẽ làm như thế, đó là điều chắc chắn."

Ngay từ tháng 2/2019, Quốc hội Ukraine đã thông qua sửa đổi hiến pháp xác định phương châm Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu và NATO.

Hãng Sputnik đưa tin về phát biểu của ông Vadym Prystaiko.

Hãng Sputnik đưa tin về phát biểu của ông Vadym Prystaiko.

Tuy nhiên, con đường “gia nhập NATO” của Ukraine còn dài và gian nan. Cựu Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen từng cho rằng, để gia nhập NATO, Ukraine cần đáp ứng một loạt tiêu chuẩn, và việc thực hiện các tiêu chuẩn này sẽ mất rất nhiều thời gian. Vào thời điểm đó, một số ý kiến phân tích cho rằng Ukraine sẽ không thể xin gia nhập NATO cho dù trong 20 năm tới.

Ngày nay, vấn đề này đã châm ngòi cuộc khủng hoảng với Nga. Trong sáng kiến ​​an ninh do Nga đề xuất vào tháng 12 năm ngoái, yêu cầu chính của Nga là không cho phép NATO mở rộng hơn nữa về phía đông và kết nạp Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích NATO lừa dối Nga, vì họ trong những năm 1990 từng hứa sẽ không mở rộng về phía đông. Kết quả là sau 5 đợt mở rộng về phía đông, NATO đã tiến đến sát biên giới Nga, đây là một "sự lừa dối trơ trẽn và vô sỉ" .

Quân đội Ukraine luyện tập quân sự (Ảnh: AP).

Quân đội Ukraine luyện tập quân sự (Ảnh: AP).

Ngoài ra, mặc dù Mỹ và NATO không ngần ngại bày tỏ ủng hộ Ukraine nhưng đã nhiều lần nhấn mạnh trong vấn đề nhạy cảm gửi quân là sẽ không đưa quân tới Ukraine tham chiến.

Vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang ở thăm Nga rằng, nếu Ukraine gia nhập NATO, các nước châu Âu sẽ bị kéo vào cuộc xung đột quân sự.

Đây là lần đầu tiên một quan chức Ukraine đề cập đến khả năng thỏa hiệp, chấp thuận yêu cầu của Nga. Hiện chính phủ Ukraine chưa lên tiếng về ý kiến này của Đại sứ Vadym Prystaiko.