Mỹ đối phó Trung Quốc với “NATO châu Á”

VietTimes -- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tiếp tục phát đi những tín hiệu về việc muốn thiết lập một đối thoại an ninh bốn bên bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc nhằm đối phó với các thách thức an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, The Diplomat (Nhật Bản) ngày 9/4 cho biết.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Trước chuyến công du tới Ấn Độ và Philippines, ông Carter phát biểu với The Diplomat rằng sự trở lại của “bộ tứ” là vấn đề mang tính tự nhiên. Đối thoại an ninh bốn bên hay “bộ tứ” là một sáng kiến chỉ tồn tại ngắn ngủi được đề xuất năm 2007, bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN. Nhưng sau đó sáng kiến này sớm chết yểu do lo ngại Trung Quốc coi đó là một liên minh được lập ra để kiềm chế Bắc Kinh. Một số người đã kêu gọi phục hồi lại sáng kiến này trong lúc các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương ngày càng quan ngại về sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc.

“Đây là điều tự nhiên”, ông Carter nói trên khoang chiếc Boeing 737 bay từ New York trở về Washington, D.C. Trước đó, trong bài phát biểu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại tại New York về hệ thống an ninh đang được mở rộng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, ông Carter đã đề cập hợp tác ba bên, đặc biệt liên quan Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ trong cuộc tập trận MALABAR.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng Mỹ có những mối lo ngại nghiêm trọng về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang có tranh chấp. Ông Carter cho biết những nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bày tỏ mối lo ngại về những hành động quân sự của Trung Quốc, "nổi bật về kích cỡ và quy mô" theo lời ông. Ông nói những nước này đang bày tỏ lo ngại của họ với Mỹ một cách công khai và riêng tư, và ở những cấp cao nhất.

Cũng trong bài phát biểu của mình tại Hội đồng quan hệ đối ngoại, ông Carter nói rằng một kế hoạch được đề xuất đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc sắp sửa diễn ra, bất chấp những phản đối quyết liệt của Trung Quốc. Ông nói rằng hệ thống phòng thủ này là điều "cần thiết" để bảo vệ lực lượng của Mỹ và đồng minh của họ, và nói rằng việc này "không liên quan gì đến Trung Quốc”. Hàn Quốc đã quyết định thảo luận về Hệ thống phòng thủ khu vực giai đoạn cuối, còn được gọi là THAAD, sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công một vệ tinh vào không gian.

Ông Carter gọi khu vực châu Á-Thái Bình Dương "là vùng hệ trọng bậc nhất đối với tương lai của nước Mỹ." Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, nói rằng nó sẽ ràng buộc nước Mỹ chặt hơn với Châu Á và sẽ mở ra những cơ hội kinh tế cho tất cả các nước tham gia. Ông Carter cũng nêu bật mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ và Philippines.

Một quan chức quân sự cao cấp Mỹ cho biết rằng việc hình thành “bộ tứ” sẽ tiếp tục được thảo luận và mặc dù mới là ý tưởng thai nghén, Mỹ hy vọng sẽ sớm khai sinh trong tương lai.

Trong một bài phát biểu gần đây tại hội nghị an ninh tại New Delhi hồi tháng 3/2016, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã hối thúc các bên tham gia xem xét ý tưởng mở rộng hợp tác ba bên gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Úc thành “nhóm bộ tứ” cùng với Mỹ.

Phát biểu của đô đốc Harris cũng như ông chủ Lầu Năm Góc Carter cho thấy Mỹ ráo riết thúc đẩy sáng kiến thành lập bộ tứ hay còn gọi là “NATO châu Á” vào thời điểm sớm nhất có thể, theo phương thức đối thoại an ninh giữa bốn cường quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng tại New Delhi, hai bên Mỹ- Ấn sẽ bàn về khả năng hợp tác trong lãnh vực tàu sân bay, chiến đấu cơ và động cơ máy bay. Riêng tại Philippines, đỉnh cao chuyến thăm sẽ là phát biểu của ông Carter ngay trên hiện trường, nơi đang diễn ra cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Philippines Balikatan 2016, huy động đến 7.000 lính của cả hai nước, cùng với một số đơn vị Úc.

Không thấy Trung Quốc trong chương trình chuyến thăm mặc dù tháng 11 vừa qua ông Carter đã chính thức nhận lời mời của đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook, chuyến thăm chỉ bị dời lại mà thôi vì lý do «lịch trình làm việc phức tạp».

Theo giới phân tích được nhật báo Mỹ The Wall Street Journal hôm 8/4 trích dẫn, rất có thể là bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hủy chuyến công du Trung Quốc để bày tỏ thái độ bất đồng tình đối với một loạt hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông trong những tháng gần đây. Nhận định trên như được chính ông Carter gián tiếp xác nhận khi vào hôm 8/4, ông đã một lần nữa lên tiếng tố cáo Trung Quốc thổi bùng căng thẳng tại Biển Đông.

T.N