Mỹ “cởi trói” vũ khí, Việt Nam giành thế chủ động bảo vệ Biển Đông

VietTimes -- Sự kiện Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam thật sự khiến vị thế của Việt Nam trên thế giới sẽ được nâng lên rõ rệt. Việt Nam hoàn toàn giành thế chủ động trong việc nhập khẩu vũ khí để bảo vệ chủ quyền biển Đông, Đa Chiều nhận định.

 

Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard với trực thăng chống ngầm của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard với trực thăng chống ngầm của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh

Ngày 23/5, trong cuộc họp báo với Chủ tịch nước của Trần Đại Quang của Việt Nam, tổng thống Mỹ Obama đã bất ngờ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng chục năm qua đối với quốc gia này. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh họp báo cho biết, với vai trò là nước láng giềng của Việt Nam, Trung Quốc vui mừng khi nhìn thấy Việt Nam phát triển mối quan hệ bình thường với tất cả các quốc gia – trong đó có Mỹ, hy vọng điều này sẽ có lợi cho nền hòa bình, sự ổn định và phát triển của khu vực.

Sự “bình tĩnh” của Bộ ngoại giao Trung Quốc khiến không ít hãng truyền thông cảm thấy bất ngờ, họ cho rằng thái độ của Trung Quốc là “khó tin”.

Tổng thống Obama (trái) hội ngộ Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội hôm 23/5. Ảnh: Reuters


Trong cuộc họp báo, tổng thống Obama cũng nêu rõ, hành động này không nhằm vào Trung Quốc. Quyết định của Mỹ là chuyện cần làm giữa hai quốc gia có mối quan hệ bình thường, việc Trung Quốc bày tỏ thái độ như thế cũng không có gì là lạ. Tuy nhiên, Đa Chiều cho rằng đứng trước thực tế quan hệ Mỹ - Việt Nam đang ngày càng gần gũi hơn, Trung Quốc không thể coi nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực do điều này gây ra.

Ưu thế quân sự tuyệt đối của Trung Quốc trên biển Đông bị đe dọa

Trước hết, mấy chục năm qua, Việt Nam luôn kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận này, do nền công nghiệp và trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn nhiều hạn chế, Việt Nam phải đi con đường kết hợp vừa nhập khẩu vũ khí vừa tự nghiên cứu, chế tạo. Trong nhiều năm qua, lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ ban hành với Việt Nam đã trở thành rào cản khiến Việt Nam không thể mua nhiều vũ khí mà phải mua hầu hết vũ khí của Nga, kênh mua rất hạn hẹp.

Theo Đa Chiều, giống như Việt Nam, Trung Quốc cũng vấp phải lệnh cấm vận vũ khí của các nước châu Âu, nguồn vũ khí mà Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu cũng là từ Nga. Hay nói cách khác, ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc đã nghiên cứu tường tận các loại vũ khí do Nga chế tạo, trong bối cảnh này, Trung Quốc rất dễ tìm ra cách thức mô phỏng vũ khí của Việt Nam do Nga chế tạo. Mỹ với vai trò là một trong những cường quốc quân sự đứng đầu thế giới, Việt Nam được mua vũ khí do Mỹ sản xuất, điều này sẽ giúp trình độ trang bị vũ khí của Việt Nam được nâng lên rõ rệt, thậm chí có thể vượt trội, gây bất ngờ với Trung Quốc.

Mỹ “cởi trói” vũ khí, Việt Nam giành thế chủ động bảo vệ Biển Đông ảnh 2

Việt Nam là một trong nhóm 3 nước nhập khẩu nhiều nhất vũ khí và thiết bị quân sự của Nga 

Một thực tế là Việt Nam rất muốn giảm thiểu sự lệ thuộc về quân sự vào Nga, nguyên nhân cũng là do lo ngại nếu một thời điểm nào đó, Việt Nam và Trung Quốc xảy ra xung đột, rất có thể sẽ biến thành vật hy sinh khi các nước lớn đối đầu với nhau. Nếu hai bên xảy ra xung đột trên biển, rất có thể Trung Quốc sẽ ép Nga cắt đứt nguồn cung linh kiện vũ khí quan trọng cho Việt Nam, như thế Việt Nam sẽ rơi vào hoàn cảnh hết bất lợi, Đa Chiều phân tích.

Trong khi khuynh hướng chiến lược của Mỹ và Nga lại khác nhau, Trung Quốc rất khó tạo sự ảnh hưởng tới Mỹ, do đó, có thêm một lựa chọn, hệ số an toàn cho Việt Nam cũng tăng lên rất nhiều. Xét trên góc độ này, có thể Trung Quốc sẽ lạc hậu hơn Việt Nam về trình độ trang bị vũ khí hoặc rơi vào hoàn cảnh bị động, tờ báo này nêu viễn cảnh.

Đa chiều nhận định, trình độ trang bị vũ khí của Việt Nam tăng lên rất có thể sẽ khiến cục diện Biển Đông phức tạp hơn. Con đường căn bản nhất để bảo vệ chủ quyền vẫn là sức mạnh quân sự, hiện tại Trung Quốc đã thông qua con đường phi pháp lấp biển xây đảo và bố trí lực lượng quân sự để thay đổi sự cân bằng về thế lực trên biển Đông, cho dù Việt Nam hay Philippines, đều khó có thể tạo thế cân bằng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, với vai trò là quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất Đông Nam Á, trong mấy thập kỷ qua, ngoài việc duy trì sự hợp tác về quân sự với Nga, Việt Nam còn hợp tác với Pháp, Đức, Nhật Bản, Thụy Điển, Israel, Ấn Độ..., thông qua các hoạt động giao lưu về quân sự với Mỹ và các quốc gia khác, Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi được trình độ trang bị vũ khí cho mình, thậm chí có thể khiến khu vực Đông Nam Á bước vào một cuộc chạy đua quân sự mới.

Đa Chiều suy diễn một cách vô lối vì Việt Nam không hề gây chuyện với nước nào, chỉ bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình một cách hoàn toàn chính đáng, tuân thủ luật pháp quốc tế và Việt Nam vốn là một quốc gia yêu chuộng hòa bình nên không bao giờ gây chiến với ai. Chính Trung Quốc mới là nước yêu sách chủ quyền ngang ngược, bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép hòng độc chiếm Biển Đông, đẩy cục diện tình hình khu vực leo thang căng thẳng rối lại vu vạ cho nước khác.

Phái đoàn quân sự Việt Nam thăm tàu sân bay USS Georges Washington của Mỹ

Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận quân sự đối với Việt Nam, Việt Nam càng có nhiều cơ hội mua vũ khí từ khắp nơi trên thế giới, có những thiết bị quân sự này, Việt Nam càng tự tin hơn trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc. So với hoạt động hợp tác về quân sự với các nước như Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ, các cuộc giao lưu quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức ít ỏi. Việt Nam rất ít khi nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc, sự giao lưu giữa hai nước chủ yếu tập trung vào vấn đề làm thế nào để giải quyết những tranh chấp ở khu vực biên giới và Biển Đông.

Theo Đa Chiều, cho dù là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn hay Phó Tổng tham mưu trưởng quân Giải phóng Trung Quốc Tôn Kiến Quốc sang thăm Việt Nam, về cơ bản đều tập trung vào những mối bất đồng giữa hai nước, không gian hợp tác trên góc độ quân sự giưa hai nước rất hạn hẹp. Việt Nam hợp tác về quân sự với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, chắc chắn sẽ khiến vấn đề Biển Đông được các nước quan tâm nhiều hơn. Do đó, Trung Quốc không thể không coi trọng sức ép chiến lược mà Việt Nam tạo ra trong chiến lược Biển Đông.

TPP đẩy Trung Quốc ra rìa

Thứ hai, bên cạnh chính sách cấm vận vũ khí được dỡ bỏ sẽ tăng thêm sức mạnh quân sự cho Việt Nam, Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ phê chuẩn cho Việt Nam gia nhập cũng không thể coi thường. Với vai trò là một trong 12 quốc gia ký kết hiệp định TPP do Mỹ đóng vai trò chủ đạo, trong chuyến thăm lần này của ông Obama, Việt Nam đã thể hiện rõ ý nguyện hợp tác. Chủ tịch Trần Đại Quang nói: “Chúng tôi chuẩn bị phê chuẩn TPP, đồng thời chuẩn bị thực hiện mọi cam kết của TPP, hy vọng trong thời gian tới, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam”.

Đa Chiều cho rằng Mỹ chủ trương gạt Trung Quốc ra ngoài TPP, việc hai nước Việt – Mỹ thắt chặt mối quan hệ là biểu hiện cho thấy Việt Nam đang nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, đồng thời cũng là tín hiệu cho thấy Mỹ đang bao vây Trung Quốc thêm một bước trong bản đồ kinh tế.

Thứ ba, xét về cục diện châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, về cơ bản là ba nước Trung Quốc, Mỹ, Nga đứng ở vị thế kiểm soát. Mỹ đưa ra quyết định này, về cơ bản đã xóa đi rào cản lớn nhất giữa Mỹ và Việt Nam, sẽ nâng tầm ảnh hưởng cho Việt Nam tại Đông Nam Á. Hiện tại những tranh chấp về vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang hết sức căng thẳng, Việt Nam rất dễ ngả sang phía Mỹ và Nga, để thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của mình.

Tờ báo này suy diễn một cách vô lối rằng Mỹ rất muốn cùng Việt Nam “trị” Trung Quốc. Mặc dù quan hệ giữa Nga với Trung Quốc ngày càng mật thiết vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tuy nhiên, sự kiện Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN sau nhiều năm cũng cho thấy, Nga cũng mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực châu Á.

Đa Chiều đơm đặt rằng với vai trò là quốc gia có thực lực khá mạnh ở Đông Nam Á, Việt Nam rất dễ hình thành nên sự ngăn chặn đối với Trung Quốc. Một quốc gia không thể coi nhẹ khác là Ấn Độ, Ấn Độ luôn đứng giữa các dòng nước Trung Quốc – Mỹ - Nga, áp dụng chiến thuật cân bằng để duy trì lợi ích cho mình, khi Việt Nam và Ấn Độ hình thành nên sự ngăn chặn ở cả hai phía Nam và Tây đối với Trung Quốc thì chắc chắn độ ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị suy yếu.

Đ.Q