Vậy kho vũ khí hiện đại khiến thế giới lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ có những gì? Tổng thống Nga có chủ đích gì khi tiết lộ những “vũ khí tối tân” này? Liệu sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới không?
Tổng thống Nga đã sử dụng rất nhiều đồ họa và video để thuyết trình tổng thể và về sức công phá của các loại trang thiết bị quân sự mới. Trước hết là một tên lửa hành trình có động cơ hạt nhân, với tầm bắn vô hạn và có thể di chuyển không theo lộ trình vạch trước.
Tổng thống Nga cũng giới thiệu Sarmat, một tên lửa liên lục địa nặng 200 tấn có thể mang đầu đạn hạt nhân. Loại tên lửa này sẽ thay thế kho tên lửa mà Nga sở hữu từ thời Liên Xô. Tên lửa Sarmat có khả năng tấn công mọi mục tiêu qua ngả Bắc Cực hoặc Nam Cực. Và trong đoạn video minh họa cho bài diễn văn của tổng thống Putin, mục tiêu nhắm đến của tên lửa Sarmat có vẻ giống một địa điểm như... bang Florida, Mỹ.
Trong số những trang thiết bị khác được giới thiệu, còn có một loại xe lặn được, nhanh hơn cả tàu ngầm, hai loại tên lửa siêu thanh
và một loại vũ khí laser bí ẩn mà tổng thống Nga cho rằng “còn quá sớm để nêu chi tiết”. Ngoài ra còn có một hạm đội thiết bị ngầm không người lái có thể mang “các hệ thống vũ khí nguyên tử mới với đạn dược vô cùng mạnh”.
Vẫn theo ông Putin, Nga còn sở hữu một tên lửa siêu thanh không thể bị hệ thống phòng chống tên lửa của NATO phát hiện được, như đoạn video minh họa cho thấy tên lửa có thể “lách” qua các hệ thống phòng thủ ở Đại Tây Dương, bay qua cực nam của châu Mỹ rồi bay ngược lên phía bắc.
Ông Putin khẳng định: “Không nước nào có được loại tên lửa này. Và khi họ làm ra được thì chúng ta đã có thời gian để phát triển một loại vũ khí mới”. Theo tuyên bố của tổng thống Nga, “ở nước ngoài, có lẽ không có những loại vũ khí công nghệ cao như những loại đã được sáng chế ở Nga”.
Nếu tin vào các nhà lãnh đạo Nga thì kho vũ khí mới này có tầm bắn “gần như vô hạn”. Thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu còn nhấn mạnh là vũ khí Nga từ giờ có thể “lách được mọi hệ thống chống tên lửa đang hoạt động trên thế giới. Như vậy, lá chắn phòng thủ tên lửa đã bị xuyên thủng”.
Trong thông điệp liên bang tại Quốc hội, tổng thống Nga tuyên bố phương Tây “phải lắng nghe sức mạnh quân sự của Nga”, đồng thời lại cam đoan ông “không đe dọa ai cả”.
Về phần mình, nhiều chuyên gia quân sự Nga giải thích rằng những loại vũ khí này không thật sự là sản phẩm mới, trong khi một số nhà quan sát nhận định, thậm chí chúng còn chưa được phát triển hoàn toàn. Nhà phân tích quân sự Nga Alexandre Golts cho biết: “Chúng tôi đã biết về Sarmat và chúng tôi cũng biết là loại tên lửa này gặp rất nhiều khó khăn”.
Khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ NBC, ông Putin cũng thừa nhận là những vũ khí được giới thiệu vẫn đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng vẫn cam đoan là một số vũ khí đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng.
Phát biểu trước báo giới về kho vũ khí mới của Nga, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ Dana White nhấn mạnh: “Những loại vũ khí trên nằm trong quá trình phát triển từ lâu rồi. Chúng tôi không ngạc nhiên về tuyên bố này (của tổng thống Nga) và người dân Mỹ có thể yên tâm là chúng tôi đã được chuẩn bị hoàn toàn”. Hơn nữa, chiến lược hạt nhân mới, được Mỹ công bố vào đầu tháng 2/2018, cũng đã tính đến những loại vũ khí mới được Nga giới thiệu.
Bài diễn văn mang của ông Putin được cho là “tập trung nhắm vào công luận trong nước”, theo nhận định của nhà nghiên cứu chính trị Nga Alexei Makarkine, vì chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Nga, ngày 18/3/2018.
Trong bài diễn văn, ông chủ điện Kremlin cũng dụng ý nhắc lại thời kỳ mà nước Nga bị làm nhục trong khoảng thời gian sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khi “không nước nào lắng nghe” Matxcơva.
Dù vậy, ông Putin nắm chắc chiến thắng để tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm 6 năm trong nhiệm kỳ thứ tư do không có đối thủ thật sự. Danh tiếng của tổng thống Putin vẫn đang lên như diều gặp gió ở Nga. Trong mắt nhiều người dân, ông là người đã nâng tầm nước Nga trên trường quốc tế, mặc dù kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt kinh tế và cô lập của phương Tây.
Ông Putin giải thích nỗ lực của Nga trong lĩnh vực trang thiết bị quân sự là lời đáp trả đối với hoạt động quân sự của Mỹ trên thế giới và ngay sát sườn biên giới với Nga, trong đó có cả việc Mỹ triển khai hệ thống chống tên lửa tại Đông Âu và Hàn Quốc.
Dù Nga vẫn bác bỏ muốn thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang, tổng thống Putin lại nói với đài NBC rằng cuộc chạy đua đã bắt đầu khi Washington rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) nhằm mục đích hạn chế vũ khí chiến lược được ký dưới thời tổng thống Georges W. Bush. Chuyên gia Alexei Makarkine nhận định “tại Mỹ, sau một bài diễn văn như vậy, toàn bộ tầng lớp chính trị sẽ bỏ phiếu cho việc tăng ngân sách quân sự”. Ông cũng cho rằng tổng thống Nga đã tung “đòn thách thức” với Washington.
Bài diễn văn của tổng thống Putin làm xấu thêm quan hệ Nga-Mỹ, hiện đang chìm trong những bất đồng về vấn đề Ukraine và Syria, cũng như nghi án Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Washington đã nhanh chóng lên tiếng cáo buộc Matxcơva “vi phạm trực tiếp” các hiệp ước quốc tế mà Nga ký kết.
Theo nhà phân tích quân sự Nga Alexandre Golts, nếu như những thông báo của ông Putin có thể góp phần nâng cao vị trí của Nga trên trường quốc tế trong ngắn hạn, thì kế hoạch này cũng có thể phản lại Matxcơva. Ông Golts cho rằng “cuộc chạy đua vũ trang trong thời Chiến Tranh lạnh đã mang lại một kết cục xấu cho Liên Xô. Nó làm kiệt quệ nền kinh tế Liên bang Xô Viết và nước Nga ngày nay không có những nguồn tài nguyên dồi dào như Liên Xô”.