ĐÔ ĐỐC TÔN KIẾN QUỐC CHẲNG TRẢ LỜI CÂU HỎI NÀO!
Bà đánh giá thế nào về việc đô đốc Tôn Kiến Quốc của Trung Quốc đã né hết các câu hỏi từ cử tọa?
- Tôi nghĩ đây là cơ hội bị bỏ lỡ. Những người có mặt ở đây dù là học giả đặt câu hỏi hay các bộ trưởng quốc phòng trên khắp thế giới đều đã bày tỏ quan ngại về hành động chiếm đất ở biển Đông của Trung Quốc, về những thách thức đối với tự do hàng hải. Vị đô đốc hải quân Trung Quốc đã được chuẩn bị rất kỹ để phát biểu nhưng ông ấy chẳng trả lời câu hỏi nào (từ cử tọa). Tôi nghĩ mọi người sẽ rời đối thoại này với những lo lắng về ý đồ của Trung Quốc.
Tôi thất vọng với việc Trung Quốc không sẵn lòng trả lời những quan ngại của khu vực. Tôi đã dự đối thoại Shangri-La chín lần rồi và phía Trung Quốc lúc nào đến hội nghị cũng chuẩn bị quá kỹ - họ đến có chiến lược rõ ràng - nhưng có vẻ như năm nào họ cũng thất bại (tại đối thoại). Tôi nghĩ chiến lược năm nay của họ cũng thất bại y hệt năm ngoái khi tướng Vương Quán Trung đáp trả rất trực diện và quyết liệt với bài phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hagel khi đó.
Chiến lược năm nay thậm chí còn đáng thất vọng hơn vì khi chỉ đơn thuần đọc lại những câu trả lời đã được chuẩn bị ra giấy cho thấy họ hoàn toàn lờ đi những lo ngại mà cộng đồng quốc tế nêu ra. Đó là thất vọng rất lớn, có những câu hỏi rất hay mà Trung Quốc né tránh. Trung Quốc có thật sự muốn là thành viên quốc tế có trách nhiệm như đô đốc Tôn nói hay không? Liệu Trung Quốc có thay đổi hành vi của mình sau đối thoại?
Câu hỏi về làm rõ đường chín đoạn của bà đã không được trả lời?
- Tôi nghĩ đô đốc Tôn đã được các thuộc cấp chuẩn bị cho rất kỹ - có lẽ là quá kỹ. Ông ta có quyển sách dày phía trước với các đề mục rất rõ về Triều Tiên, về mạng, về biển Đông..., ông ta đọc từ đó. Chẳng có câu hỏi nào ông ta trả lời một cách trực tiếp cả. Thật thất vọng. Tôi không nghĩ đó là hành động của một nước lớn. Mọi người sẽ rời đây mà càng lo lắng thêm vì có vẻ như Trung Quốc có một kế hoạch, một chiến lược và mục tiêu để khẳng định chủ quyền (ngoài biển) và họ không thèm quan tâm là khu vực và thế giới đang nghĩ gì. Đó là điều rất đáng lo lắng - một thông điệp tệ mà Trung Quốc mang đến đối thoại.
Mỹ ở vị thế tốt hơn sau đối thoại lần này?
- Điều quan trọng là đã có nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh ở biển Đông, đặc biệt là với quyền tự do hàng hải. Tôi nghĩ phía Trung Quốc ghi chép cẩn thận những lần đối thoại này, họ có lắng nghe, họ có đưa những thông điệp này về (cho cấp cao của họ). Chúng ta sẽ chờ xem là họ có tiêu hóa hết những gì họ nghe thấy ở đây hay không và liệu họ có thay đổi cách tiếp cận của họ hay không. Chúng ta đã từng thấy Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận của mình trong quá khứ khi họ thấy cách đó không có lợi cho mình. Điều này có thể mất chút thời gian nhưng tôi nghĩ những lo ngại được nêu ra ở đây, Trung Quốc đều nghe thấy hết.
Bà nghĩ gì về 18 tháng còn lại của Tổng thống Obama và những diễn biến trên biển Đông?
- Việc lấn đất đã được tiến hành 18 tháng nay rồi. Và tôi thừa nhận là cần thời gian để chính quyền Obama đạt được đồng thuận về cách phản ứng với Trung Quốc. Nhưng đã có những bước mới mà Washington tiến hành gần đây. Đã có nhiều chuyến bay quân sự qua khu vực đảo nhân tạo trong vài tháng gần đây, chúng ta đã nghe những tuyên bố cứng rắn hơn từ phía Mỹ trong vài tuần vừa rồi. Tôi hi vọng những gì Mỹ đang làm sẽ được duy trì để các nước trong khu vực thấy là Mỹ giữ cam kết về đảm bảo tự do hàng hải, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Đồng thời, nếu các nước đã thấy Mỹ cam kết vậy thì họ có thể sẽ sẵn lòng làm nhiều hơn, ví dụ như Úc cũng rất quan tâm tới đảm bảo tự do hàng hải ở đây. Và tôi hi vọng ASEAN cũng sẽ hành động nhiều hơn. Đây là tiến trình vẫn đang tiếp diễn.
Tôi nghe nói bà cho Bộ trưởng Carter điểm A với bài phát biểu của ông?
- (Cười) Thật ra là người khác. Tôi nghĩ ông ấy cố đưa ra thông điệp cân bằng để nói về những vấn đề với Trung Quốc, đặc biệt là ở biển Đông. Tôi nghĩ ông đã làm đúng. Ông không chỉ trích Trung Quốc thái quá. Ông kêu gọi mọi bên tuân thủ theo quy định chung, “mọi người cùng vươn lên, mọi người cùng có lợi”. Thông điệp là vừa đủ và trúng. Nhưng cuối cùng thì điều quan trọng là hành động. Câu hỏi là liệu Mỹ đã làm đủ hay chưa ở trên không và trên mặt biển ở biển Đông? Các nước khác có sẵn sàng tham gia cùng (đi tuần) hay không để có thể thay đổi tính toán của Trung Quốc? Tôi nghĩ Trung Quốc vẫn tin họ không bị hề hấn gì với những gì đang làm ở biển.
Chúng ta đã nghe đại diện Trung Quốc tuyên bố những gì họ làm là “hợp pháp, hợp lý”. Từ quan điểm của luật quốc tế, khi mà hải quân Trung Quốc nói với máy bay Mỹ là “có khu cảnh báo quân sự” ở quanh các đảo nhân tạo, vốn là các rặng san hô ngầm trước kia, thì đó chính là cản trở đối với tự do đi lại. Tôi hài lòng khi Bộ trưởng Carter kêu gọi không được quân sự hóa các điểm này, phải ngưng các hoạt động lấn đất. Nhưng chúng ta phải đảm bảo là phải có những hành động khác nữa để đẩy lùi các hành động Trung Quốc đang làm.
NẾU TRUNG QUỐC CỨ CÂU GIỜ VỚI COC, CÁC NƯỚC PHẢI TỰ TIẾN LÊN
Những nước nhỏ không có nhiều lựa chọn. Và kể cả có hành động gì đi nữa thì sẽ rất khó mà chặn Trung Quốc làm những gì họ đang làm.
- Tôi nghĩ là sẽ không thể chặn được việc lấn đất. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể điều chỉnh dần hành động của Trung Quốc. Phải áp đặt thêm những tổn thất với Trung Quốc nếu họ có các hành vi gây bất ổn. Tôi nghĩ Trung Quốc cho rằng những gì chính quyền Obama đang làm là rất hạn chế (yếu). Trung Quốc dường như rất lì (với các phản ứng) và vì vậy chúng ta cần phải có thêm những biện pháp khác mạnh hơn. Đã đến lúc chúng ta cần thể hiện là sẵn sàng chống trả lại với Bắc Kinh. Trung Quốc đến giờ phần lớn là dùng các tàu quân sự mạnh trong khi Mỹ khá ngần ngừ trong việc đáp trả các đe dọa bằng các tàu hải quân của mình. Sẽ có những tình huống mà Mỹ cần phải thật sự đáp trả.
Đến giờ Mỹ mới nói cân nhắc về chuyện đi tàu và bay máy bay vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo - và họ chưa làm điều đó. Tuyên bố thì cũng tốt thôi nhưng chúng ta rất cần các hành động để thực hiện các tuyên bố. Tôi nghĩ nếu các nước khác cũng hành động như Mỹ (đi vào khu vực 12 hải lý) thì Trung Quốc có lẽ sẽ phải nghĩ khác về quan điểm và hành động của mình.
Tôi vừa mới ở Úc và có vẻ người Úc đang rất cân nhắc việc đi vào vùng 12 hải lý của các đảo này. Nhật Bản có thể là ứng viên khác cho việc này. Nói như Bộ trưởng Carter thì phải có sự hành động cùng nhau giữa các nước chứ không nên chỉ là mình nước Mỹ. Một số nước có thể làm nhiều hơn, một số có thể làm việc khác nhưng chúng ta cần phải có một liên minh lớn để thể hiện với Trung Quốc rằng hành động của họ là không chấp nhận được và sẽ có hậu quả với các hành vi gây bất ổn này.
Cho đến nay, hầu hết các nước, trong đó có Mỹ, đã đánh giá sai quyết tâm của Trung Quốc trong việc tiếp tục làm những gì họ đang làm ở biển.
Các nước lớn và các nước tầm trung cân nhắc việc cùng Mỹ tuần tra. Còn những nước nhỏ có vẻ có ít lựa chọn?
- Philippines đã tiến hành bay ở khu vực này. Ít nhất có ba điểm Trung Quốc đang lấn đất nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, họ có đầy đủ quyền để bay ở các khu vực đó. Đó là dấu hiệu tốt.
Có lẽ Việt Nam và Philippines có thể làm nhiều hơn. Chúng ta đã thấy xu hướng đó trong hợp tác (hai bên). Có những việc các nước lớn làm, có những việc các nước vừa và nhỏ cũng có thể làm. Kể cả về đối ngoại, có thể Việt Nam, Malaysia, Philippines có thể bắt đầu nghiêm túc việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung COC giữa họ rồi các nước ASEAN tham gia sau. Nếu Trung Quốc cứ câu giờ với COC hiện tại thì các nước khác phải tự tiến lên thôi. Chúng ta không thể ngồi và suốt ngày đợi COC (từ Trung Quốc). Tôi vui mừng khi bộ trưởng quốc phòng Malaysia đã nhấn mạnh chuyện phải đoàn kết giữa 10 nước ASEAN. Tôi biết đó là việc rất khó. Nhưng nếu không có đoàn kết thì Trung Quốc sẽ thắng tất cả.
Bà có nghĩ là Trung Quốc sẽ thay đổi hành động của mình?
- Phía Trung Quốc đã phân tích chính sách của chính quyền Obama trong rất nhiều vấn đề, trong phản ứng với Nga, với Syria... và họ kết luận là chính quyền Obama thường không thích liều lĩnh, Obama muốn quan hệ tốt với Trung Quốc nên sẽ không đáp trả lại các bước tiến của Bắc Kinh. Họ nhìn 18 tháng còn lại của chính quyền Obama là cơ hội để củng cố những gì có thể chiếm và làm được trên biển. Và đó là vấn đề, họ nghĩ là họ có thể dấn bước, đe dọa các nước mà không bị hề hấn gì. Giá như tôi có thể nói với phía Trung Quốc rằng họ đã tính toán sai.
Bà nghĩ sao về nỗ lực của Mỹ kêu gọi sự ủng hộ nhằm ngăn chặn Trung Quốc ở biển Đông? Bộ trưởng Quốc phòng Carter đưa ra hai sáng kiến. Một là ngưng các hoạt động lấn đất ngoài biển. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là việc rất khó đạt được. Đề xuất thứ hai là không được quân sự hóa các đảo nhân tạo. Đó là đề xuất được nhiều nước ủng hộ. Tôi nghĩ cần phải có hạn chế về hệ thống vũ khí nào có thể triển khai ở các điểm lấn đất ở biển Đông. Các vấn đề này vẫn chưa được nêu ở Đối thoại Shangri-La này. Trợ lý ngoại trưởng Danny Russel khi điều trần ở thượng viện cách đây vài tuần cũng kêu gọi không được triển khai tên lửa trên các đảo này. Tôi nghĩ đây chính là điểm mà mọi người phải chú ý ở biển Đông: cần có hạn chế về loại vũ khí nào có thể triển khai ở đó. |
Theo: Tuổi Trẻ