Mỹ chuốc họa lớn nếu dồn Nga vào chân tường

VietTimes -- Sự thật là chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ tấn công lẫn nhau, hay nếu tên lửa hành trình của Mỹ tấn công vào căn cứ của Nga ở Syria. Nga có thể trả đũa bất đối xứng, có thể ở miền đông Ukraine.Nga cũng có thể trang bị và hỗ trợ cho Hezbollah, Hamas và Taliban..., National Interest cảnh báo.
Lính Mỹ trong một cuộc tập trận ở châu Âu. NATO đang ngày càng tiến sát biên giới nước Nga.
Lính Mỹ trong một cuộc tập trận ở châu Âu. NATO đang ngày càng tiến sát biên giới nước Nga.

Việc cải thiện mối quan hệ bất ổn hiện nay với Nga tuy khó khăn nhưng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Sự thù địch lẫn nhau hiện nay đe dọa sẽ nổ ra một cuộc đối đầu lớn, có thể hủy hoại nền văn minh của cả hai nước. Nếu không, Nga cũng có thể hành động mạnh tay hơn làm phương hại đến lợi ích và giá trị của Mỹ. Do đó Mỹ nên tìm cách bình thường hóa quan hệ với Nga.

National Interest cho rằng Mỹ nên hành động bớt ảo tưởng và xuất phát từ sức mạnh hiện nay của mình.

Hiện nay, Mỹ và Nga đang là đối thủ với các cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề quốc tế, hai nước cũng có hệ thống chính trị khác nhau và các hệ giá trị khác nhau. Những khó khăn này là trở ngại cho những nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.

Những trở ngại này đặc biệt hết sức thách thức trong nội bộ nước Mỹ, nơi quốc hội, truyền thông chính thống và dư luận Mỹ đều coi nước Nga và Putin là kẻ thù gần như Saddam Hussein của Iraq. Không giống Trung Quốc, Nga chỉ có quan hệ kinh tế hạn chế với Mỹ, do đó hầu như người dân Mỹ không nhận ra khía cạnh tích cực trong quan hệ với Nga.

Trong thời gian qua, Tổng thống Putin đã có những động thái mới trong việc định hình chính sách đối ngoại quốc gia, bao gồm việc tìm cách tái khởi động quan hệ với Washington. Cho dù trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn về kinh tế trước thềm bầu cử năm 2018, ông Putin vẫn không muốn tỏ ra yếu kém trước áp lực từ bên ngoài.

Đồng thời, cả Mỹ và Nga đề liên tục tính toán xem liệu quan hệ giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến các đối tác thân thiết ra sao. Chẳng hạn Nga không thể lờ đi phản ứng của Trung Quốc và Iran nếu họ coi Nga đang chấp nhận Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, Syria và các vấn đề khác, đặc biệt là nếu sự linh động của Mátxcơva có ảnh hưởng đến lợi ích của các nước này.

Dẫu vậy, việc không ngăn chặn được sự đi xuống trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ tạo ra những nguy hiểm khó lường, trong đó đáng sợ nhất là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp, dẫn tới leo thang mất kiểm soát và có thể gây ra thảm kịch toàn cầu. Rất nhiều người đã loại trừ nguy cơ này vì cho rằng cả Mỹ và Nga đều không muốn tự hại mình nên sẽ biết cách kiềm chế. Tuy nhiên hãy nhìn lại Thế chiến I, có bên nào lùi lại vào phút cuối hay không?

Sự thật là chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ tấn công lẫn nhau, hay nếu tên lửa hành trình của Mỹ tấn công vào căn cứ của Nga ở Syria. Nga có thể trả đũa bất đối xứng, có thể ở miền đông Ukraine, hoặc chiến sự có thể leo thang và mở rộng theo cách kích hoạt Điều 5 của NATO.

Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo, Syria
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo, Syria

Trong khi chính quyền Obama coi vũ khí hạt nhân là điều gì đó quá đáng sợ để sử dụng thì học thuyết quân sự của Nga lại coi vũ khí hạt nhân là lựa chọn nếu Nga bị tấn công nghiêm trọng. Liệu điều này sẽ đưa thế giới về đâu?

Bỏ qua cuộc tranh luận về vấn đề hạt nhân, việc từ chối quan hệ với Mátxcơva (vì điều này tức là Mỹ công nhận chính phủ Nga và khen ngợi các hành vi mà Mỹ cho là tồi tệ) sẽ khiến các lãnh đạo Nga cảm thấy mình chẳng còn gì để mất và phải đối đầu với chính sách thù địch của Mỹ.

Cáo buộc Nga can thiệp vào vụ bầu cử năm 2016 của Mỹ có thể chưa là gì so với các cuộc tấn công lâu dài và nghiêm trọng vào các hệ thống tài chính, cơ sở vật chất và các tổ chức xã hội khác của Mỹ, những tổ chức này rất dễ bị tấn công không gian mạng.

National Interest cho rằng sự trả đũa mạnh tay từ phía Mỹ có thể chẳng giúp gì được hàng triệu người dân Mỹ bị ảnh hưởng và cũng thẳng thể trấn an được người dân. Tương tự, Nga có thể hỗ trợ cho Bình Nhưỡng và các đối thủ của Mỹ phát triển khả năng quân sự và hạt nhân.

Nga cũng có thể trang bị và hỗ trợ cho Hezbollah, Hamas và Taliban. Nếu lãnh đạo Nga cảm thấy bị dồn vào chân tường, họ có thể cân nhắc một thỏa thuận với IS và bất kỳ bên nào dù hiện nay họ có đang phản đối, tạp chí Mỹ khuyến cáo.

Cuối cùng, Nga có thể tăng cường liên kết với Trung Quốc. Nga và Trung Quốc vẫn còn nghi kỵ lẫn nhau, và Trung Quốc hiện nay đã mạnh hơn Nga về nhiều mặt. Cho dù cả hai bên đều muốn bình thường hóa quan hệ bình đẳng với Mỹ và không muốn đi quá xa để dẫn tới xung đột nghiêm trọng, thì trên thực tế cả hai nước đều sợ hãi và lo lắng về Washington.

Do đó, Trung Quốc và Nga đang vạch ra sự hợp tác mạnh hơn về kinh tế và quân sự, ngày càng phối hợp với nhau về chính sách đối ngoại. Hai nước cũng quan ngại về sự bao vây của Mỹ và đặc biệt là mở rộng các hệ thống chống tên lửa của Mỹ hiện đang đe dọa đến các khả năng đối phó của hai nước.

Theo National Interest, ít nhất nếu quan hệ Nga- Mỹ càng xấu đi thì Trung Quốc càng có thể dựa vào sự hỗ trợ của Nga trong những bất đồng với Mỹ. Khiến Trung Quốc mạnh lên rõ ràng không phải là điều có lợi cho Mỹ.

Quân đội Nga và Trung Quốc thường xuyên có các cuộc tập trân chung, thể hiện sự xích lại gần nhau trong quan hệ
Quân đội Nga và Trung Quốc thường xuyên có các cuộc tập trân chung, thể hiện sự xích lại gần nhau trong quan hệ

Để tránh những điều này, chính phủ Mỹ nên bình thường hóa quan hệ với Nga. Mục tiêu không phải để trở thành đồng minh hay bạn bè thân thiết mà là để Mỹ có thể tránh được một cuộc đối đầu quân sự không mong đợi thông qua đối thoại, kiểm soát sự khác biệt một cách hiệu quả hơn và hợp tác với nhau ở nơi lợi ích hai bên chồng lấn, National Interest gợi ý.

Việc theo đuổi cách tiếp cận như vậy đòi hỏi Mỹ phải giải thích rõ ràng về lợi ích quốc gia Mỹ để Quốc hội và công chúng hiểu rõ. Điều này cũng sẽ đòi hỏi sự chú tâm từ phía tổng thống và nỗ lực chung từ phía các lãnh đạo muốn đi theo hướng này và có khả năng hiện thực hóa cách tiếp cận này. Quan hệ giữa tổng thống hai nước Nga-Mỹ là một tín hiệu mừng, nhưng nền tảng vẫn phải là chính sách của hai nước.

Có quá nhiều thách thức trong việc tìm kiếm cách tiếp cận mới với Nga khiến nhiều người cảm thấy rằng cố gắng không phải là cách sử dụng khôn ngoan thời gian, sức lực và động lực chính trị có hạn của ông Trump. Tuy nhiên nếu đi sai cách, quan hệ hai nước có thể dẫn tới xung đột hạt nhân.

National Interest khẳng định nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất với chính quyền Mỹ là bảo vệ an ninh và sự tồn tại của người dân Mỹ. Đó là lý do vì sao không có chính quyền nào có thể ngừng theo đuổi mối quan hệ ổn định hơn với Nga. Đó cũng là lý do vì sao mọi chính quyền Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh đều cố thực hiện điều đó.