Lá bài quyền lực nào được chơi?
Trái với chính quyền Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary, Tổng thống Donald Trump luôn tỏ ra hữu nghị với Nga và cá nhân Tổng thống Nga Putin, cho rằng một nước Trung Quốc đang trỗi dậy là mối đe dọa đối với việc làm của người lao động Mỹ cũng như quyền lực của Mỹ trên thế giới. Một số phương tiện thông tin đại chúng bằng cách so sánh lịch sử, dự đoán chính sách của chính quyền Donald Trump sẽ đi ngược lại chính sách của chính quyền Nixon năm 1972 đối với Trung Quốc, tức là không chơi “lá bài Trung Quốc” chống Nga.
Ông Trump có thể ngược lại tìm cách tăng cường quan hệ Mỹ-Nga, đưa Nga ra khỏi danh sách đối tác hợp tác chiến lược của Trung Quốc, như vậy Mỹ sẽ không cần cùng lúc đối phó với Nga và Trung Quốc. Nếu Điện Kremlin không còn coi Trung Quốc là đối tác thương mại và chiến lược có giá trị, Nga thậm chí có thể giúp Mỹ kiềm chế một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.
Thật vậy, mặc dù giả thiết này hấp dẫn để so sánh sự xích lại gần Putin và thái độ thù địch với Trung Quốc đang trỗi dậy của Trump với nền chính trị thực dụng trong cách tiếp cận Bắc Kinh của Nixon và Kissinger, nhưng mối quan hệ kinh tế và thực lực quân sự của ba quốc gia này giờ đây cho thấy một câu chuyện khác. Sự lệ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt xa giữa Mỹ và Nga.
Ngoài ra, trong một cuộc xung đột tiềm tàng, sức mạnh quân sự của Nga có khả năng đe dọa lợi ích chính trị của Mỹ hơn quân đội Trung Quốc, ví dụ như việc Nga sáp nhập Crimea và bị phương Tây cáo buộc liên quan khủng hoảng ở miền Đông Ukraine cũng như thông qua các biện pháp như gây nhiễu thông tin trên mạng Internet để can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Cuối cùng điều cần chỉ ra là, sự rạn nứt trong quan hệ Trung Quốc-Liên Xô cũng như những tranh cãi, bất đồng về lãnh thổ, địa lý và hệ tư tưởng từng đẩy hai bên vào bờ vực cuộc chiến tranh hạt nhân năm 1969, vì vậy Nixon và Kissinger đã tận dụng có hiệu quả mối bất hòa này. Nhưng ngày nay, Mátxcơva và Bắc Kinh không còn tranh chấp lãnh thổ hay xung đột ý thức hệ. Vì vậy đã có người so sánh việc Trump “chơi lá bài Nga” chống Trung Quốc với việc Nixon “chơi lá bài Trung Quốc” chống Liên Xô năm 1972, từ đó cho rằng Trump là người theo đường lối thực dụng. Thực tế cho thấy không thể so sánh quan hệ Trung-Mỹ-Nga hiện nay với mối quan hệ này trong những năm 1970.
Toan tính Donald Trump
Theo học giả Yaacov Y.I Vertzberger, sự tham khảo lịch sử của nhà hoạch định chính sách là một phần cấu thành quan trọng trong việc đưa ra chính sách, là một cách để thuyết phục chính mình và người khác.
Một số học giả theo đường lối thực dụng có tiếng như John Mearsheimer và Stephen Walt lý luận rằng Trung Đông hay một nước Nga đang suy yếu đều không tạo thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ về phương diện quyền lực tương đối. Mối đe dọa đó chỉ có thể đến từ châu Á-Thái Bình Dương, nơi Mỹ “là quốc gia không thể thay thế” và sẽ hỗ trợ các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc...để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì những nước này không đủ lực để tạo ra cán cân đối trọng với Trung Quốc. Do ông Trump từng đưa ra nhiều bình luận tích cực đối với Nga hơn là với Trung Quốc, ông nhiều khả năng sẽ tăng cường quan hệ Nga-Mỹ để ngăn chặn Bắc Kinh và Mátxcơva hình thành một trục chống Mỹ.
Theo Ivan Eland, Giám đốc Trung tâm hòa bình và tự do thuộc Viện Độc lập có trụ sở tại Mỹ, các cố vấn của Donald Trump có lẽ xem Nga như là một “người giữ cân bằng có giá trị trước một Trung Quốc đang trỗi dậy” và một đồng minh hữu hiệu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Lập trường này có điểm giống so với quan điểm giá trị coi trọng Trung Quốc là đối trọng với Liên Xô của Kissinger và Nixon. Do đó, theo Vertzberge, Trump và đội ngũ cố vấn của ông có khả năng sẽ lợi dụng chính sách của Kissinger và Nixon đối với Trung Quốc như là một điểm đối chiếu lịch sử để lý giải một cách đơn giản mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc hiện nay.
Vì vậy, khi kết hợp giữa yếu tố so sánh lịch sử và chủ nghĩa thực dụng, có thể nói với việc Nga với tiềm lực quân sự đã không còn là “siêu cường đang lên” và ảnh hưởng địa chính trị và địa kinh tế của Trung Quốc có thể tiếp tục tăng lên ở châu Á-Thái Bình Dương, điều này rất dễ khiến người ta đặt ngang hàng Trung Quốc ngày nay với Liên Xô trong những năm 1970. Ngoài ra, việc chính quyền Nixon tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc được xem là một yếu tố quan trọng làm sụp đổ toàn bộ khối xã hội chủ nghĩa, dù quan hệ Liên Xô-Trung Quốc trên thực tế đã xuất hiện rạn nứt từ đầu những năm 1960.
Vì thế, việc kết luận Nga-Mỹ cùng nhau nỗ lực cải thiện quan hệ là để kiềm chế Trung Quốc có vẻ như cũng có cơ sở. Vì vậy, đúng như lời của Vertzberger, ông Trump và đội ngũ cố vấn có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận của Nixon và Kissinger đối với Trung Quốc, bằng việc đối chiếu lịch sử, đơn giản hóa tính phức tạp của quan hệ Mỹ-Nga-Trung trong thời điểm hiện nay, coi đó là bước đi đúng đắn trong môi trường chính trị quốc tế hiện tại và xây dựng thành chính sách. Cuối cùng, các ví dụ trong lịch sử là điểm tham chiếu để các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ tình hình trong quá khứ và hiện tại, sử dụng nó để đối phó với tính khó đoán định của mối quan hệ ba bên này.
Biến động tam giác quyền lực Mỹ-Nga-Trung
Ngoài những so sánh lịch sử đơn giản, Vertzberger cũng lên tiếng cảnh báo việc các nhà hoạch định chính sách chỉ biết dựa vào lịch sử và các trải nghiệm quá khứ có thể sẽ đưa đến đánh giá sai lệch, thiếu hoàn chỉnh về cục diện đang diễn ra, điều này có thể dẫn tới việc đưa ra những quyết định chính sách có nguy cơ tiềm ẩn. Dựa trên phân tích này, cần lưu ý rằng quan hệ Trung-Mỹ-Nga hiện nay đã hoàn toàn khác so với năm 1972, đặc biệt là trong việc phân phối sức mạnh kinh tế và quân sự. Như vậy, việc sử dụng các ví dụ của Nixon và Kissinger như là điểm tham chiếu để lý giải quan hệ mối quan hệ ba bên nói trên là đã bỏ qua sự khác nhau giữa quá khứ và hiện tại.
Ví dụ trong phương diện kinh tế, nền kinh tế Mỹ năm 1972 không phụ thuộc vào thương mại đối với Trung Quốc và Liên Xô, nhưng từ năm 2011 đến nay, xuất khẩu hàng hóa hàng năm của Mỹ sang Trung Quốc đạt hơn 100 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc 400-480 tỷ USD. Ngoài ra, đến năm 2015 tổng vốn đầu tư và dịch vụ của Mỹ tại Trung Quốc đã đạt trên 85 tỷ USD. Theo Hội đồng thương mại Trung-Mỹ, trao đổi thương mại với Trung Quốc giúp tạo ra 2,6 triệu việc làm tại Mỹ, nhưng mặt khác Mỹ chỉ xuất khẩu sang Nga không quá 11,2 tỷ USD trong cùng kỳ.
Vì vậy, mặc dù năm 1972 Mỹ không có nhiều trao đổi kinh tế với Trung Quốc hay Liên Xô, nhưng hiện nay Trung Quốc lại là đối tác quan trọng đối với Mỹ hơn so với Nga, nên chúng ta không thể dễ dàng tìm ra điểm giống nhau trong lịch sử của mối quan hệ kinh tế hồi năm 1972 và quan hệ kinh tế giữa ba bên hiện nay. Do đó, nếu ông Trump và đội ngũ cố vấn xem nhẹ thực tế Trung Quốc, chứ không phải Nga, là đối tác thương mại quan trọng hơn, thì đúng như nhận định của Vertzberge, họ đang đánh giá sai và bỏ qua thực tại và có lẽ không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Trong khi quan hệ kinh tế giữa ba nước lớn đã thay đổi, sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay cũng không tạo thành mối đe dọa với Mỹ như Liên Xô trong những năm 1970. Ngoài Mỹ vẫn có tiềm lực quân sự đứng đầu thế giới, Nga là nước duy nhất có số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược ngang hàng với Mỹ, còn khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn. Trung Quốc hiện có 260 đầu đạn hạt nhân, và một số ít tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, trong khi Nga có khoảng 1.790 đầu đạn hạt nhân có thể triển khai bất cứ lúc nào và hàng trăm ICBM. Trên thực tế, năm 1972 Liên Xô và Mỹ đã có trên 15.000 đầu đạn hạt nhân có thể hoạt động bất cứ lúc nào, khi đó năng lực hạt nhân của Trung Quốc là hạn chế nhất.
Những năm gần đây, tuy mối đe dọa của quân đội Trung Quốc đối với các đồng minh và căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á tăng lên, nhưng Nga vẫn là nước duy nhất có khả năng tấn công toàn bộ nước Mỹ, tương tự như vị thế của Liên Xô năm 1972. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford chỉ ra rằng Nga vẫn là mối đe dọa bên ngoài duy nhất đối với Mỹ, chứ không phải Trung Quốc có khả năng trực tiếp đe dọa Mỹ như Liên Xô. Xét theo ý nghĩa này, lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc hiện nay không thể so sánh với Liên Xô hồi năm 1972.
Nga so kè Mỹ, Trung Quốc chưa thể bì
Trên thực tế, trong những thập kỷ gần đây, mặc dù quân đội Trung Quốc đã tiến hành công cuộc cải cách và hiện đại hóa to lớn, nhưng sức mạnh quân sự của Nga vẫn là mối đe dọa đối với trật tự thế giới dưới sự thống trị của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh. Năm 2014, sau khi tổng thống thân Nga bị lật đổ trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã nhân cơ hội sáp nhập bán đảo Crimea. Nga còn bị cáo buộc can thiệp vào miền Đông Ukraine, đồng thời tạo ra một cuộc xung đột lạnh, coi đó là điểm gây áp lực lên chính phủ thân phương Tây mới được thành lập tại Kiev. Từ năm 2014, mặc dù Trung Quốc đã thiết lập một số căn cứ quân sự lớn ở Biển Đông (một cách phi pháp), nhưng Trung Quốc chưa chứng minh được khả năng quân sự tương tự Nga.
Nga còn bị cáo buộc tiến hành các hoạt động can thiệp trên mạng Internet nhằm vào Mỹ. Mặc dù Trung Quốc đã đánh cắp thành công bí mật công nghiệp của Mỹ, chẳng hạn như thông tin chi tiết máy bay chiến đấu F-35, nhưng tin tặc Trung Quốc thường xuyên bị đối phương tìm ra. Mặt khác, Mỹ cũng cáo buộc Cơ quan tình báo quân sự Nga đã lợi dụng tin tặc tấn công trụ sở của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đồng thời công bố những thông tin sai lệch để gây nhầm lẫn cho các cử tri Mỹ, gây ảnh hưởng đến quá trình bầu cử tổng thống Mỹ.
Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng chứng minh Điện Kremlin đã giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, nhưng các hoạt động gây nhiễu thông tin của Cơ quan tình báo quân sự Nga đã khiến cử tri Mỹ dao động. Xét theo ý nghĩa này, Nga đã bị cáo buộc lợi dụng thành công khả năng chiến tranh mạng của mình để phá hoại và chia rẽ nền chính trị Mỹ, vì vậy Nga càng có khả năng phát động chiến tranh thông tin hơn Trung Quốc.
Ngoài ra, theo các học giả người Mỹ Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth, so với Nga, Liên Xô và Mỹ, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể chuyển hóa sức tăng trưởng kinh tế thành sức mạnh quân sự, đó là vì so với các nước công nghiệp phát triển này, công nghệ của Trung Quốc vẫn tương đối lạc hậu. Ví dụ, năm 2012 Mỹ đầu tư 79 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sự, gấp 13 lần của Trung Quốc. Mỹ nắm giữ 14.000 phát minh sáng chế trong lĩnh vực công nghệ mới, trong khi Trung Quốc chỉ có khoảng 2.000.
Ngoài ra, việc phân bổ nguồn vốn và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không thỏa đáng, bao gồm hiệu quả thấp của nguồn nhân lực (kỹ năng, giáo dục và y tế) trong nước sẽ tiếp tục cản trở Trung Quốc đuổi kịp phương Tây, Nga và Nhật Bản trong việc phát triển công nghệ. Do đó, muốn trở thành một siêu cường, Trung Quốc vẫn cần phải đưa ra một chính sách dài hạn chính xác hơn, đó là chuyển tốc độ tăng trưởng GDP thành nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ hợp lý. Sự đổi mới như vậy sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, và điều này vẫn dựa vào những linh kiện quan trọng do các nhà sản xuất nước ngoài cung cấp như Nga, chẳng hạn như động cơ phản lực tiên tiến cho các loại máy bay chiến đấu như J-10 và J-20, cung cấp cho không quân Trung Quốc.
Quan hệ Trung-Nga tốt hơn thời điểm 1972
Tóm lại, do toàn cầu hóa kinh tế kể từ những năm 1980 và cải cách mở cửa của Trung Quốc vào năm 1978, Trung Quốc đã trở thành một động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc và Mỹ có sự phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ. Tuy nhiên, đúng như lời Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth, so với Nga, Liên Xô và Mỹ, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa chuyển được sự tăng trưởng kinh tế thành sức mạnh quân sự.
Theo quan điểm của những người theo đường lối thực dụng, sức mạnh quân sự vẫn là chìa khóa để thể hiện sức mạnh quốc gia. Mặc dù bài viết này không loại trừ việc Trung Quốc cuối cùng vượt qua những khiếm khuyết kỹ thuật và chuyển hóa những thành quả kinh tế thành tiềm lực quân sự, nhưng quá trình chuyển đổi như vậy sẽ mất thời gian, vì vậy trong ngắn hạn quân đội Nga vẫn là lực lượng quân sự lớn thứ hai thế giới, cũng là quốc gia duy nhất có thể thông qua sức mạnh kết thúc trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
Quan hệ Trung-Nga hiện nay mang tính xây dựng hơn. Từ khi quan hệ Trung Quốc-Liên Xô chia rẽ năm 1960, hai nước luôn là đối thủ địa chính trị và ý thức hệ cho đến cuối năm 1980. Trong thời gian này, quân đội Trung Quốc và quân đội Liên Xô đều tiến hành can thiệp quân sự quy mô nhỏ vào biên giới của nhau và đe dọa tấn công hạt nhân lẫn nhau. Đồng thời, Trung Quốc và Liên Xô vẫn kình địch ý thức hệ ở thế giới thứ ba. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990, Nga và Trung Quốc đã giải quyết ổn thỏa tranh chấp biên giới giữa hai nước. Hai nước còn thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào đầu những năm 2000 để đối phó với sự nổi lên của lực lượng Hồi giáo cực đoan và các lực lượng khác thách thức sự ổn định của Trung Á.
Cuối cùng, hai nước phản đối “mở rộng các ý tưởng dân chủ tự do” và can thiệp công việc nội bộ nước khác dưới danh nghĩa truyền bá dân chủ. Theo cách này, không hề có đối đầu hệ tư tưởng Trung Quốc-Liên Xô như trong năm 1972. Về cạnh tranh địa chính trị, Nga vẫn cung cấp cho Trung Quốc máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không (SAM) tiên tiến và động cơ máy bay chiến đấu, điều này có nghĩa là Trung Quốc không phải là đối thủ địa chính trị chính của Điện Kremlin.
Dựa trên những phân tích trên, rõ ràng là quan hệ Trung-Mỹ hiện nay không giống với quan hệ Mỹ-Liên Xô năm 1972, hiện nay sự cộng sinh kinh tế giữa hai nước vượt xa giữa Mỹ với Nga. Trên thực tế, ông Trump thậm chí đã thừa nhận Trung Quốc là “khách hàng tốt nhất". Mặt khác, Trung Quốc ngày nay không có năng lực tạo thành mối đe dọa với Mỹ như Liên Xô năm 1972, nhưng Nga vẫn có thực lực quân sự mạnh mẽ, và có khả năng đặt dấu chấm hết cho trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Đối với quan hệ Trung-Nga, hai nước đã giải quyết ổn thỏa tranh chấp biên giới, Nga vẫn sẽ tiếp tục bán khí đốt và các loại vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc, thúc đẩy nền kinh tế và quân sự của Trung Quốc hiện đại hóa, quan hệ hai nước hiện nay đã khác hẳn so với sự đối đầu về địa chính trị và hệ tư tưởng như năm 1972. Như vậy, mặc dù năm 1972 và bây giờ hai nước đều có nhân tố chính trị thực dụng nào đó, nhưng nó là không cần thiết để so sánh việc Nixon và Kissinger “chơi lá bài Trung Quốc” chống Liên Xô với quan hệ Trung-Mỹ-Nga hiện nay.
Theo Chinathinktanks